Các đối tượng thường lợi dụng hoạt động một cách kín kẽ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ như karaoke, cho thuê lưu trú, mát xa, tẩm quất… để núp bóng hoạt động mại dâm. Trong đó phần lớn các đối tượng hoạt động mại dâm từ tỉnh ngoài đến, hoạt động lưu động, trá hình dưới nhiều hình thức, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc quản lý, phát hiện, bắt giữ và xử lý. Số liệu điều tra, khảo sát cho thấy, đến đầu năm 2018, toàn tỉnh có 952 cơ sở, trong đó 452 cơ sở kinh doanh lưu trú, 279 cơ sở kinh doanh karaoke, 187 quán cà phê, cắt tóc gội đầu…; 1 cơ sở kinh doanh vũ trường, 33 cơ sở mát xa. Số đối tượng tham gia hoạt động mại dâm, có 7 đối tượng nghi vấn chứa mại dâm, 12 đối tượng bán dâm, 43 cơ sở nghi vấn hoạt động mại dâm. Toàn tỉnh có 4 địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nảy sinh tệ nạn mại dâm, gồm thành phố Ninh Bình và các huyện Nho Quan, Yên Mô, Yên Khánh.
Nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, thời gian qua các cấp, các sở, ngành trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sát thực với thực tế. Đồng thời gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội như xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, dạy nghề; xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư; xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội.
Công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm cho nhân dân đã được các sở, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội tập trung thực hiện, bằng nhiều hình thức: Các diễn đàn thanh niên, diễn đàn phụ nữ, sinh hoạt chi hội, câu lạc bộ, tập huấn tuyên truyền viên, báo cáo viên, in ấn, phát hành tờ rơi, tờ gấp, kẻ vẽ pa nô, khẩu hiệu…
Đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính; truy quét, triệt phá ổ nhóm, đường dây hoạt động mại dâm và truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến mại dâm.
Năm 2017 và 3 tháng đầu năm 2018 đã kiểm tra gần 100 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm, trong đó có gần 30 cơ sở vi phạm xử lý bằng hình thức nhắc nhở, kiến nghị với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra chấn chỉnh việc thực hiện.
Cùng với đó, các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những đối tượng cơ sở có biểu hiện nghi vấn hoạt động tệ nạn mại dâm, làm cho đối tượng từ bỏ ý định hoạt động phạm tội mại dâm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Năm 2017, lực lượng công an đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 9 vụ, 30 đối tượng liên quan đến hoạt động mại dâm. Trong đó khởi tố 5 vụ, 6 bị can về tội chứa mại dâm; xử phạt hành chính 4 vụ, 24 đối tượng về hành vi mua dâm và bán dâm. Tòa án tỉnh Ninh Bình đã thụ lý, giải quyết 2 vụ, 5 bị cáo phạm tội liên quan đến mại dâm…
Để công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, công tác thông tin, tuyên truyền về tác hại của mại dâm rất cần được các cơ quan liên quan quan tâm đẩy mạnh nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm.
Trong đó, tập trung đổi mới hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng địa bàn, từng loại đối tượng, lứa tuổi. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm; làm rõ tác hại và ảnh hưởng của tệ nạn này đến đời sống xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư.
Cùng với đó thực hiện các hoạt động phòng ngừa thông qua việc lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp làm giảm tác hại của HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng bạo lực; đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và các loại tội phạm liên quan đến mại dâm…; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm.
Khải Hoàn