Phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn được xác định là nhiệm vụ hàng đầu của tổ chức công đoàn. Đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển đoàn viên giai đoạn 2008-2013 và có kế hoạch phân công cụ thể các thành viên theo dõi mục tiêu đề ra.
Trong năm 2011, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn, nhất là Công đoàn ngành, LĐLĐ huyện, thị, Công đoàn Khu công nghiệp và cơ sở trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền và thuyết phục chủ doanh nghiệp để có sự đồng tình và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đoàn viên, tạo sự gắn bó giữa người sử dụng lao động và người lao động đối với tổ chức công đoàn. LĐLĐ cũng phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh kiểm tra, giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện Luật Công đoàn; thường xuyên tiến hành khảo sát, nắm chắc tình hình doanh nghiệp có đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn. Trên cơ sở đó, giao chỉ tiêu phù hợp cho các cấp công đoàn, làm căn cứ cho việc xây dựng kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở hàng năm.
Hàng tháng, LĐLĐ tỉnh đều duy trì họp giao ban để các cấp công đoàn phản ảnh cũng như đánh giá tình hình tổ chức thực hiện để có giải pháp cụ thể đối với những đơn vị thực hiện kế hoạch còn thấp. Hàng năm, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh cũng dành một phần kinh phí để đầu tư cho công tác phát triển đoàn viên… Với những giải pháp đồng bộ đó, trong năm, các cấp công đoàn đã phát triển mới được 16 CĐCS, nâng tổng số CĐCS lên 780 và kết nạp 5.404 đoàn viên công đoàn, nâng tổng số đoàn viên công đoàn lên 48.454, đạt 232% kế hoạch năm, hoàn thành chỉ tiêu phát triển đoàn viên công đoàn giai đoạn 2008-2013. Một số đơn vị hoàn thành vượt chỉ tiêu là: LĐLĐ thành phố Ninh Bình, LĐLĐ thị xã Tam Điệp, Công đoàn các Khu công nghiệp… Trong đó, một số CĐCS có số lượng đoàn viên lớn như: Nhà máy ô tô Thành Công, Công ty nhựa quốc tế…
Ông Lâm Hà Mỹ, Trưởng ban tổ chức LĐLĐ tỉnh cho biết: Đáng mừng là trong tổng số các CĐCS mới được thành lập, thì số lượng các CĐCS ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ lớn. Đến nay, đã có 180/240 doanh nghiệp ngoài Nhà nước đủ điều kiện đã thành lập được tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp thờ ơ với việc thành lập tổ chức công đoàn. Nguyên nhân chủ yếu do một số doanh nghiệp bị thu hẹp sản xuất đã cắt giảm lao động, nhưng khi ký được hợp đồng mới lại tuyển thêm lao động làm cho tình hình lao động tại doanh nghiệp luôn biến động.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động còn nhiều tồn tại, nhất là đối với khu vực ngoài Nhà nước. Phổ biến là tình trạng người sử dụng lao động thường vi phạm các quy định về trả lương, né tránh đóng BHXH, BHYT, trang bị BHLĐ, không ký thỏa ước lao động tập thể hoặc ký nhưng các nội dung không đầy đủ theo quy định của Luật. Chủ doanh nghiệp luôn tìm cách né tránh, trì hoãn, không muốn có tổ chức công đoàn. Vì khi thành lập tổ chức công đoàn, doanh nghiệp phải thực hiện trích nộp kinh phí công đoàn.
Ở một phương diện khác, những doanh nghiệp đã thành lập tổ chức công đoàn thì hoạt động lại gặp nhiều khó khăn…
Những điều đó cho thấy, việc phát triển tổ chức công đoàn thời gian tới cần phải tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế, chính sách khuyến khích và bảo vệ người tham gia tổ chức Công đoàn, cũng như việc nâng cao nhận thức cho người lao động. Xây dựng tổ chức Công đoàn thực sự là cầu nối, điều hòa quyền lợi giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Nguyễn Hùng