Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ngày 24-7-2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 527/QĐ-UBND về việc chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của Phòng Kiểm soát TTHC từ Văn phòng UBND tỉnh sang Sở Tư pháp. Theo đó, từ ngày 1-8-2013, công tác Kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh được chuyển giao cho Sở Tư pháp tổ chức thực hiện. Ngay sau khi nhận bàn giao, để đảm bảo công tác kiểm soát TTHC của tỉnh hoạt động bình thường, liên tục, Sở Tư pháp đã tập trung chỉ đạo, sắp xếp bố trí cán bộ tiếp quản và căn cứ vào tình hình thực tế của tỉnh, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp đã ban hành 5 văn bản đôn đốc, hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện công tác cải cách TTHC và kiểm soát TTHC. Đến hết năm 2014, về cơ bản, các văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện hoạt động kiểm soát TTHC thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh đã hoàn tất, đủ cơ sở pháp lý để chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC trên địa bàn. Được biết, mặc dù biên chế hành chính của Sở Tư pháp còn gặp nhiều khó khăn, song Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Phòng Kiểm soát TTHC thuộc Sở Tư pháp gồm có 3 cán bộ, công chức. Hiện Phòng đã đi vào hoạt động ổn định, luôn chủ động, tích cực tham mưu cho lãnh đạo Sở và UBND tỉnh điều hành và thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách TTHC và kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh. Theo đó, thiết lập hệ thống cán bộ đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC với tổng số 345 cán bộ, công chức ở 18 sở, ban, ngành; 8 huyện, thành phố; 145 xã, phường, thị trấn. Đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra công tác kiểm soát TTHC tại các đơn vị thuộc các sở, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã. Qua kiểm tra, các cơ quan, đơn vị thực hiện bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho phòng chuyên môn và phân công lãnh đạo phụ trách, phân công công chức đầu mối để tổ chức hoạt động kiểm soát TTHC tại cơ quan, đơn vị. Các sở, ban, ngành được phân công chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC thực hiện việc đánh giá tác động của quy định về TTHC đảm bảo theo các tiêu chí. Phòng Kiểm soát TTHC thực hiện tốt việc tư vấn, hướng dẫn điền biểu mẫu đánh giá tác động và việc tính toán chi phí tuân thủ TTHC, tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC, bảo đảm các văn bản ban hành đúng quy định, chất lượng văn bản đạt các yêu cầu quy định về TTHC...
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 1.518 TTHC; trong đó cấp sở là 1.121 TTHC, cấp huyện có 215 TTHC và cấp xã là 182 TTHC. Năm 2014, Sở Tư pháp đã tiến hành thực hiện kiểm soát chất lượng và hoàn chỉnh báo cáo kết quả kiểm soát hồ sơ, dự thảo quyết định, trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định công bố. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 16 quyết định công bố TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của 18 sở, ban, ngành cấp tỉnh với 695 TTHC, trong đó đề nghị ban hành mới và sửa đổi, bổ sung hơn 400 TTHC… Việc thực hiện công khai TTHC được các cấp, các ngành thực hiện khá nghiêm túc, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu thực hiện các hoạt động liên quan đến TTHC với các cơ quan Nhà nước.
Việc tập trung thực hiện công tác kiểm soát TTHC đã giúp cho các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện đạt được những mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, góp phần gỡ bỏ những rào cản về TTHC đối với môi trường kinh doanh, đời sống người dân; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công, cải thiện chỉ số cải cách hành chính công của tỉnh... Tiêu biểu như ở Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, những năm qua, nhờ thực hiện nghiêm túc công tác kiểm soát TTHC người dân khi đến thực hiện giải quyết các thủ tục được tạo điều kiện thuận lợi, không còn mất nhiều thời gian để giải quyết hồ sơ của mình. Khu vực tiếp đón cũng được bố trí bàn ghế phù hợp để khách ngồi chờ và tra cứu thông tin việc làm. Tác phong lề lối làm việc của cán bộ, công chức được đổi mới từ hành chính sang phục vụ, lấy việc phục vụ hài lòng nhất cho đối tượng, người lao động và nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Với những nỗ lực trong việc phục vụ công dân, trong 3 năm (2012-2014), Trung tâm đã tư vấn việc làm cho trên 8 nghìn lượt người, tư vấn học nghề cho trên 300 lượt người, tư vấn về chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho gần 3 nghìn lượt người, vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao…
Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu, tuy nhiên, công tác kiểm soát TTHC tại tỉnh Ninh Bình vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Đó là: Một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn chưa thật sự quan tâm tới việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC và kiểm soát TTHC. Một số cán bộ, công chức, viên chức chưa nắm vững các quy định của pháp luật về công tác kiểm soát TTHC, nên khi được giao nhiệm vụ hoặc triển khai thực hiện còn lúng túng, gây vướng mắc trong quá trình giải quyết công việc. Việc niêm yết công khai TTHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương còn thiếu đồng bộ, chưa thống nhất nên chưa tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tiếp cận, tìm hiểu và thực hiện thủ tục hành chính. Công tác tự đánh giá tác động, tính toán chi phí tuân thủ TTHC có trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa được các sở, ban, ngành chủ động thực hiện…
Để công tác kiểm soát TTHC là khâu đột phá trong trong công tác cải cách hành chính của tỉnh, thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra cho các sở, ban, ngành là phải xây dựng năng lực nghiệp vụ kiểm soát TTHC cho tất cả công chức về kỹ năng rà soát, đánh giá tác động và tính toán chi phí tuân thủ TTHC. Các cơ quan, đơn vị thường xuyên cập nhật Bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, niêm yết công khai tại nơi giải quyết TTHC, đăng nhập vào trang web của đơn vị mình để cá nhân, tổ chức biết và thực hiện TTHC. Rà soát quy định, TTHC đang là rào cản đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, địa phương để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật quy định về TTHC...
Hạnh Chi