Thông qua công tác kiểm kê nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi, quản lý tài nguyên rừng thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh, phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Phạm vi điều tra, kiểm kê rừng, đất chưa có rừng sẽ được tiến hành trên toàn bộ 27.445,8 ha rừng trên địa bàn tỉnh. Đối tượng điều tra, kiểm kê rừng là toàn bộ hiện trạng rừng được quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp và hiện trạng rừng ngoài quy hoạch cho lâm nghiệp; các trạng thái thực bì trên đất chưa có rừng; diện tích đất chưa có rừng được giao và cho thuê với mục đích phát triển rừng; chủ rừng theo quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp hoặc đã được giao quản lý, sử dụng rừng, cho thuê rừng, đất rừng.
Đồng chí Lê Sỹ Dương, Phó Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên (Cục Kiểm lâm Ninh Bình) cho biết: Đợt kiểm kê rừng đợt này có áp dụng kỹ thuật công nghệ thông tin nên đội ngũ kiểm kê viên gặp những khó khăn khi thực hiện; biên tập bản đồ kiểm kê rừng bằng phần mềm Mapinfo 10.5 kết hợp với sử dụng ảnh vệ tinh spost 6. Tổ công tác cấp huyện xây dựng kế hoạch triển khai kiểm kê rừng; ban hành các văn bản chỉ đạo có liên quan.
Các địa phương đã tổ chức 14 lớp tập huấn với 784 người tham dự là các chủ tịch, phó chủ tịch và cán bộ địa chính xã, phường... Học viên được trang bị phương tiện, kỹ thuật, phương pháp kiểm kê rừng, cách sử dụng dụng cụ, thiết bị kiểm kê rừng. Cùng với đó đã bố trí 36 tổ kiểm kê rừng cấp xã với 126 thành viên và người giúp việc.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, công tác giao đất rừng do lịch sử để lại được thực hiện ở nhiều thời kỳ, qua nhiều lần điều chỉnh chính sách của Nhà Nước, như Nghị định 02/NĐ-CP, Nghị định 163/1999/NĐ-CP... và nhiều cơ quan đảm nhiệm thực hiện, nên thực trạng về ranh giới, diện tích trên bản đồ và thực địa bị chồng chéo, độ chính xác không cao.
Đặc biệt, một số đơn vị chủ rừng nhóm II không có bản đồ ranh giới (bản số), số khác có ranh giới nhưng không đồng nhất hoặc không có ranh giới giữa chủ rừng nhóm II với chủ rừng nhóm I... nên phải chỉnh sửa bổ sung nhiều lần gây khó khăn cho công tác kiểm kê đợt này. Bên cạnh đó, một số bản đồ kết quả kiểm kê đất đai cấp xã năm 2010 còn nhiều lỗi, như: Không tiếp biên ranh giới (lỗ hở) hoặc trùng lấn diện tích lên nhau gây khó khăn cho công tác kiểm kê rừng...
Theo quy định, chủ rừng nhóm I là hộ gia đình; cá nhân; cộng đồng dân cư thôn; ủy ban nhân dân xã...) có nhiệm vụ: Tổ chức họp thôn, bản phổ biến và hướng dẫn cập nhật phiếu kiểm kê; xác định sơ bộ ranh giới rừng và đất của từng chủ rừng hoặc nhóm chủ rừng…; xác minh bổ sung ngoài thực địa đặc điểm các lô kiểm kê rừng: trạng thái, trữ lượng và ranh giới giữa các nhóm chủ rừng; lập danh sách các lô kiểm kê rừng của từng chủ rừng; hoàn chỉnh số liệu, bản đồ ngoại nghiệp...
Đối với chủ rừng nhóm II là các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; các đơn vị lực lượng vũ trang; doanh nghiệp tư nhân..., hoạt động kiểm kê đợt này là: rà soát ranh giới rừng và đất rừng của chủ rừng; điều tra thực địa để hiệu chỉnh ranh giới các trạng thái rừng có sự biến động; bổ sung và chỉnh sửa thông tin cho các lô kiểm kê rừng về đặc điểm các lô rừng vào bảng danh sách các lô rừng...
Kết quả thực hiện theo yêu cầu kiểm kê, chủ rừng nhóm I và II bàn giao sản phẩm kiểm kê rừng cho tổ công tác kiểm kê rừng trực thuộc. Tính đến hết tháng 9-2015, tổ công tác kiểm kê rừng cấp huyện, cấp xã, các đơn vị chủ quản rừng nhóm II đã tổ chức thực hiện kiểm kê cơ bản xong công tác ngoại nghiệp (trên thực tế).
Đã có 43/43 xã tiến hành xong công tác kiểm kê rừng, 13/14 chủ rừng nhóm II đã tiến hành kiểm kê và đã có 4 đơn vị chủ rừng: Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Kim Sơn, Ban quản lý dự án trồng rừng ngập mặn huyện Kim Sơn, Bộ CHQS tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã bàn giao kết quả cho tổ công tác kiểm kê rừng tỉnh.
Hiện nay, Tổ công tác kiểm kê rừng tỉnh đang tiến hành kiểm tra, nghiệm thu kết quả của chủ rừng nhóm I và II để nhanh chóng bàn giao cho cơ quan tư vấn để xử lý nội nghiệp và lập hồ sơ quản lý cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, dự kiến xong cuối tháng 11-2015.
Có thể thấy, việc điều tra kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh là việc làm rất cần thiết nhằm thu thập được các số liệu một cách khách quan nhất, sát thực về diện tích và chất lượng rừng, chủ quản lý rừng... làm cơ sở xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Nhất là trong tình hình hiện nay, UBND tỉnh đang triển khai nhiều chính sách có tính đột phá trong quản lý ngành lâm nghiệp như giao rừng, chi trả phí dịch vụ môi trường rừng, chuyển đổi diện tích giữa các loại rừng hoặc chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh