Tham gia một buổi tập huấn của cán bộ ngành Y tế, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội dành cho hàng trăm gia đình đang nuôi dưỡng người tâm thần tại cộng đồng của huyện Gia Viễn mới thấy hết được sự hào hứng của các gia đình khi được tham gia lớp tập huấn này. Bà Đỗ Thị Nương (xã Gia Vượng) có một người con trai mắc bệnh tâm thần từ nhiều năm nay kể lại hoàn cảnh gia đình.
Những năm trước, gia đình bà đôn đáo tìm nơi chữa bệnh cho con, tuy nhiên, trong khi kinh tế ngày càng khánh kiệt thì bệnh tình của con trai bà lại có chiều hướng… nặng lên. Lực bất tòng tâm, vợ chồng bà đành để con ở nhà tự chăm sóc. "Chúng tôi ngày một già đi, bệnh của con thì ngày càng nặng lên nên việc chăm sóc con trở nên rất khó khăn. Khi được thông báo về lớp tập huấn kỹ năng chăm sóc người bị tâm thần, tôi đã rất hào hứng và đăng ký tham gia. Mặc dù thời gian tập huấn chỉ diễn ra trong một ngày, song các giảng viên đã cung cấp cho chúng tôi khá đầy đủ những thông tin về chế độ, chính sách của người tâm thần; kiến thức cơ bản về bệnh tâm thần và đặc biệt là cách chăm sóc, kỹ năng xử lý các tình huống trong quá trình chăm sóc người bệnh… Với tôi, lớp tập huấn này thực sự có ý nghĩa, bổ ích và rất thiết thực"- bà Nương chia sẻ với chúng tôi sau khi kết thúc buổi tập huấn.
Đồng chí Phạm Ngọc Phúc, Trưởng phòng Bảo trợ (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có trên 4 nghìn người tâm thần, tuy nhiên có đến 92% số người tâm thần đang sinh sống ngoài xã hội và chủ yếu dựa vào sự chăm sóc của người thân, gia đình. Mặc dù UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc cho phép các Trung tâm bảo trợ tiếp nhận đối tượng thuộc diện tự nguyện, trong đó quy định cụ thể, rõ ràng mức đóng góp của người bệnh tự nguyện với tổng chi phí hơn 2,9 triệu đồng/người/tháng, trong đó, bao gồm tiền ăn, tiền sinh hoạt, tiền thuốc và chi phí quản lý, chăm sóc, điều trị… Mức đóng góp này đã được tính toán ở mức tối thiểu, nhằm tạo điều kiện cho gia đình người bệnh. Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết hiện các trung tâm chưa có nhiều người bệnh tự nguyện vào điều trị, nguyên nhân là do mức đóng góp hàng tháng khá cao so với thu nhập của những gia đình có người thân bị bệnh tâm thần bởi đa số đều là hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Quyết định số 1215/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu tiếp tục huy động sự tham gia của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội vào các hoạt động trợ giúp vật chất, tinh thần, phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí. Thực hiện Quyết định 1215, UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã xây dựng kế hoạch với những mục tiêu cụ thể như: đến năm 2020 toàn tỉnh có trên 90% trở lên số người tâm thần có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và số người tâm thần lang thang được phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở bảo trợ xã hội; 90% số người bị rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần, người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý và sử dụng các dịch vụ trợ giúp xã hội… Cùng với đó, quan tâm đến công tác tập huấn kỹ năng chăm sóc cho các gia đình đang nuôi dưỡng người tâm thần; phổ biến các chính sách hiện hành đối với người tâm thần và trao đổi, giải đáp những vấn đề thường gặp trong công tác chăm sóc người tâm thần người rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng.
Cũng trong Đề án của Chính phủ, một hoạt động nổi bật chính là công tác đánh giá, sàng lọc, phát hiện sớm- tư vấn - hỗ trợ - điều trị cho người bệnh trầm cảm tại cộng đồng với các mục tiêu: Lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần với hệ thống dịch vụ xã hội tại cộng đồng; thiết lập một hệ thống chuyển gửi, trao đổi thông tin giữa dịch vụ xã hội (ngành Lao động, Thương binh và Xã hội) và dịch vụ sức khỏe tâm thần (ngành Y tế); truyền thông về chống kỳ thị với người bị bệnh trầm cảm tại khu dân cư… Hiện nay, 100% xã, phường trên địa bàn tỉnh đã triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng nhằm phát hiện, quản lý và chăm sóc bệnh nhân mới, quản lý tốt bệnh nhân cũ, lồng ghép hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần vào các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Các ngành chức năng cũng thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về bệnh tâm thần và các vấn đề liên quan cho cán bộ trạm y tế phường, xã đồng thời đẩy mạnh hoạt động giáo dục truyền thông về sức khỏe tâm thần, tránh phân biệt đối xử xa lánh người bệnh tại cộng đồng.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng