Đặc biệt là vừa qua, kỳ hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2021 và hiện nay là một số môn thi trong kỳ thi kỹ năng nghề cấp quốc gia cũng đã được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Thực tế cho thấy, chuyển đổi số trong đào tạo nghề không chỉ là giải pháp tình huống nữa mà đã là xu thế tất yếu của thời đại.
Trước đây, việc tuyển sinh của trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô được thực hiện khá đa dạng dưới nhiều hình thức: trực tiếp, gián tiếp qua trang Web của nhà trường. Tuy nhiên, việc tiếp cận trực tiếp với nguồn tuyển vẫn là giải pháp chủ yếu mà nhà trường thực hiện.
Dịch COVID-19 kéo dài tại nhiều địa phương từ đầu năm tới nay đã khiến việc tổ chức tư vấn, tuyển sinh GDNN của trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô gặp khó khăn. Dẫu vậy, đến thời điểm này, nhà trường đã tuyển sinh đạt trên 90% số lượng sinh viên cho hệ cao đẳng.
Ông Lê Hồng Phong, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc tuyển sinh của nhà trường trở nên khó khăn hơn khi không thể tổ chức được các buổi tư vấn tuyển sinh trực tiếp ở các trường THPT, các địa phương. Đây cũng là lúc nhà trường ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào hoạt động tuyển sinh. Từ việc tuyên truyền qua hệ thống Websize của nhà trường, đến việc tiếp nhận hồ sơ, làm các thủ tục nhập học… Thời gian qua, công tác tư vấn, gửi hồ sơ nhập học đến đóng học phí, nhập học của nhà trường đều được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.
Ông Lê Hùng Cường, Trưởng phòng Tổ chức- hành chính, Trường cao đẳng Cơ giới Ninh Bình cho biết: Để nguồn nhân lực qua đào tạo bổ sung cho thị trường lao động không bị "đứt gẫy", cũng như các cơ sở đào tạo nghề khác, chúng tôi cũng đã triển khai nhiều giải pháp tuyển sinh, đào tạo linh hoạt thích ứng với tình hình mới.
Theo đó, nhà trường ứng dụng CNTT, khai thác các công cụ truyền thông và mạng xã hội vào công tác tuyên truyền, tư vấn và làm công tác tuyển sinh. Nhiều trường thiết lập công cụ live chat trên website hoặc hệ thống hotline để hỗ trợ người học; xây dựng các ấn phẩm truyền thông số về tư vấn, hướng nghiệp. Thông tin về nhà trường và hoạt động đào tạo nghề nghiệp của trường để đăng tải trên các chuyên trang tuyển sinh và cơ quan thông tin đại chúng.
Cùng với việc tuyển sinh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đã triển khai mạnh mẽ việc dạy học bằng hình thức online đối với những môn học phù hợp. Ông Lê Hồng Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô khẳng định: Để thích ứng với phương pháp giảng dạy mới, nhà trường tăng cường thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học.
Đặc biệt, 155 giáo viên của 19 ngành nghề đào tạo được tập huấn sử dụng thành thạo các thiết bị thông minh, các phần mềm dạy học. Trên cơ sở ấy, các giáo viên cũng chủ động học hỏi, sáng tạo trong việc xây dựng nguồn học liệu để cung cấp tài liệu học tập cho sinh viên dưới hình thức số hóa; thiết kế các bài giảng đảm bảo chất lượng và sự phong phú, hấp dẫn phương pháp dạy mới. Đến nay, trên 70% giáo viên của nhà trường đều đáp ứng tốt việc thích ứng với phương pháp dạy học trực tuyến.
Bằng những kinh nghiệm, kỹ năng được rèn luyện trong thực tế thời gian qua, vừa qua, các nhà giáo GDNN tỉnh Ninh Bình đã tham gia và để lại nhiều dấu ấn thành công tại kỳ hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2021 bằng hình thức trực tuyến. Kỳ hội giảng với hình thức hoàn toàn mới này đã mang về cho tỉnh 3 giải Ba và 7 giải khuyến khích.
Ở thời điểm hiện tại, các sinh viên của các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh cũng đang gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12. Theo đó, tỉnh ta có 8 thí sinh dự thi ở 8 nghề, trong đó có 1 môn thi đang diễn ra dưới hình thức trực tuyến, đó là môn Thiết kế kỹ thuật cơ khí. Những môn còn lại sẽ thi trực tiếp vào đầu năm 2022.
Là cơ sở đào tạo nghề có thí sinh duy nhất tham gia thi kỹ năng tay nghề bằng hình thức trực tuyến, trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho phần thi này. Theo đó, ngay khi Tổng cục GDNN lựa chọn môn Thiết kế kỹ thuật cơ khí là môn thi dưới hình thức trực tuyến, nhà trường đã tăng cường tập huấn về công nghệ, hướng dẫn sinh viên làm quen với phần mềm chuyên dụng, đồng thời đầu tư nâng cấp đường truyền internet đạt tốc độ cao nhất.
"Khác với hội giảng vừa rồi, thi kỹ năng tay nghề bằng hình thức trực tuyến đòi hỏi kỹ thuật, phần mềm và các trang thiết bị hiện đại hơn rất nhiều. Một thí sinh dự thi nhưng có tới 3 camara vừa giám sát, vừa truyền trực tiếp, chi tiết các kỹ năng thao tác, thực hành của thí sinh. Là một hình thức thi mới hoàn toàn, thí sinh cũng có chút hồi hộp. Vì vậy, mục tiêu thầy trò đặt ra không quá áp lực, nhưng sẽ phấn đấu hết mình để có thể đạt được tối thiểu là chứng chỉ nghề xuất sắc"- Ông Lê Hồng Phong, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định: Thông qua kỳ Hội giảng toàn quốc, kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia bằng hình thức trực tuyến cho thấy, chuyển đổi số là một xu thế tất yếu. Đại dịch nhìn ở chiều ngược lại đang thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, trong đó có lĩnh vực GDNN.
Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, khuyến khích các trường ứng dụng CNTT để tiếp cận, hướng nghiệp người học và xét tuyển bằng các kênh trực tuyến khác để khắc phục tình trạng không thể tiếp cận được với thí sinh. Các trường nghề cũng có điểm khác biệt là được phép tuyển sinh quanh năm và tổ chức thi tốt nghiệp thành nhiều đợt. Cho nên có thể linh hoạt xây dựng phương án tuyển sinh mà việc xét tuyển không cần tập trung vào một thời điểm.
Để thích ứng tốt với tốc độ chuyển đổi số, các cơ sở GDNN cần tăng cường ứng dụng CNTT và khai thác các ứng dụng dạy học trực tuyến theo hướng dẫn của Tổng cục GDNN. Các nhà trường cũng cần chủ động xây dựng nguồn học liệu, thư viện điện tử, số hóa các bài giảng để đưa vào thư viện điện tử… tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học, đảm bảo việc học và thi kết thúc các môn học, các mô-đun theo hình thức trực tuyến nhưng phải đạt chất lượng theo yêu cầu ngày càng nâng cao.
Bài, ảnh: Đào Hằng