Do ảnh hưởng của các đợt hóa trị trong quá trình điều trị bệnh ung thư mạc treo, ông Vũ Văn Long ở xóm 2, xã Hồi Ninh (huyện Kim Sơn) bị đau xương khớp. Vì vậy, sau khi kết thúc đợt hóa trị gần đây, theo lời khuyên của bác sĩ, ông Long đã tìm đến Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn để thực hiện điều trị bệnh về xương khớp.
Ông Long cho biết, trước khi lựa chọn nơi để thực hiện điều trị, tôi có tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm thì được khuyên vào đây. Mặc dù là tuyến y tế cấp huyện, song các thiết bị y tế cũng được trang bị khá đầy đủ, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ vừa giỏi chuyên môn vừa nhiệt tình, tâm huyết…, tôi rất an tâm để điều trị.
Còn bà Phạm Thị Hiên ở xã Kim Mỹ bị bệnh thoái hóa cột sống từ lâu. Căn bệnh này khiến bà Hiên "khốn khổ" từ nhiều năm nay, gây đau đớn và khó khăn trong đi lại. Sau khi ăn Tết Nguyên đán, bà Hiên quyết định nhập viện để điều trị lâu dài bằng phương pháp y học cổ truyền.
Hàng ngày, bà Hiên được các bác sĩ, điều dưỡng tận tình theo dõi, chăm sóc sức khỏe thông qua phương pháp kết hợp châm cứu, uống thuốc bắc và đặc biệt là được điều trị bằng phương pháp kéo giãn cột sống- một phương pháp mới được đưa vào thực hiện ở Khoa Y học cổ truyền gần 1 năm nay nhưng đã chứng minh được hiệu quả tốt trong điều trị.
Bà Hiên phấn khởi cho biết: Căn bệnh này gây ra nhiều đau đớn, khó khăn trong sinh hoạt. Vì vậy, trước đây cứ có ai mách ở đâu có thuốc tốt, thầy lang giỏi thì tôi đều tìm đến với hy vọng được chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên, những lần điều trị ấy chỉ cho hiệu quả tạm thời, sau một thời gian, tình trạng bệnh lại như cũ. Khi được gia đình đưa vào đây để điều trị, tôi được các bác sĩ chẩn đoán và phân tích rõ về căn bệnh, phương pháp và thời gian điều trị… để tôi yên tâm điều trị. Đến nay, tôi đã nằm viện được gần 1 tháng và cảm nhận rất rõ những chuyển biến tích cực về sức khỏe, đi lại.
Được thành lập từ năm 2012 trên cơ sở tách ra từ Khoa Nội E, Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn, Khoa Y học cổ truyền gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt là nguồn nhân lực đều chưa được đào tạo chuyên sâu, thiếu kinh nghiệm. Gần 8 năm qua, đội ngũ các y, bác sĩ của Khoa Y học cổ truyền không ngừng trau dồi nghiệp vụ, tích cực tham gia các lớp học đào tạo về phục hồi chức năng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong khám, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền cho nhân dân.
Đồng chí Trần Văn Trường, Phụ trách Khoa Y học cổ truyền chia sẻ: Để khuyến khích các đồng nghiệp không ngừng học tập nâng cao trình độ, Khoa đã hưởng ứng và phát động tại đơn vị cuộc vận động "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", gắn với nâng cao đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp, ứng xử.
Đến nay, Khoa có 4 bác sĩ được đào tạo phục hồi chức năng, đáp ứng tốt yêu cầu chuyên môn. Hệ thống cơ sở vật chất không ngừng được đầu tư, hiện có hệ thống các phòng điều trị được tổ chức liên hoàn chặt chẽ, phù hợp và thuận tiện cho người bệnh. Các phòng thủ thuật đều riêng biệt, được trang bị đầy đủ phương tiện, đảm bảo đúng quy chuẩn. Phòng bệnh khang trang, sạch sẽ, thông thoáng.
Từ năm 2014, Khoa Y học cổ truyền được Bệnh viện trang bị máy móc hiện đại để phục vụ công tác khám, chữa bệnh như: Máy châm cứu, đèn hồng ngoại, máy laser điều trị, máy điện xung, máy kéo dãn cột sống, máy sắc thuốc…
Hàng năm, Khoa xây dựng các chỉ tiêu, kế hoạch chuyên môn, triển khai các dịch vụ kỹ thuật mới áp dụng trong điều trị. Thực hiện tốt công tác khám, chẩn đoán, điều trị chăm sóc người bệnh, kê đơn thuốc phù hợp, nhờ đó, thời gian điều trị được rút ngắn, được bệnh nhân và người nhà tin tưởng...
Khoa cũng thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển y học cổ truyền tại Bệnh viện và mạng lưới y học cổ truyền tại tuyến xã thông qua việc chủ động thực hiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức về y, dược cổ truyền trong phòng bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe trong Bệnh viện và cộng đồng. Phối hợp với các đơn vị liên quan giúp đỡ các cơ sở y tế và đơn vị khác xây dựng vườn thuốc nam mẫu theo danh mục thuốc thiết yếu do Bộ Y tế ban hành.
Đồng chí Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn cho biết, xác định rõ tầm quan trọng của y học cổ truyền trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, những năm qua, Bệnh viện đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Khoa Y học cổ truyền.
Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các y, bác sĩ trong Khoa được tham gia các lớp, các khóa học nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Nhờ đó, chất lượng công tác khám, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền ngày càng được nâng cao. Khoa Y học cổ truyền thực sự trở thành khoa chuyên sâu của Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn.
Đến nay, Khoa đã xây dựng và triển khai thực hiện các quy trình kỹ thuật sử dụng trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh đạt kết quả tốt, như quy trình điều trị: Liệt dây thần kinh VII ngoại biên; liệt nửa người do tai biến mạch máu não; đau vai gáy cấp, đau thần kinh tọa, đau thắt lưng, mất ngủ; thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng xoa bóp và châm cứu, viêm quanh khớp vai… Các quy trình kỹ thuật khi đưa vào thực hiện đều có giám sát, đánh giá chất lượng, đánh giá kết quả điều trị.
Hiện tại, Khoa đang triển khai hai hình thức điều trị: khám, điều trị nội trú và ngoại trú với tổng số giường điều trị nội trú là 15 giường, số lượt khám bệnh tăng hàng năm, giảm tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến. Với những nỗ lực đó, Khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn trở thành sự lựa chọn tin tưởng của nhân dân trong vùng.
Nguyễn Hùng