Đồng chí Lã Quốc Tuấn, Phó phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Năm nay vụ lúa đông xuân kết thúc muộn do bất thuận về thời tiết nên áp lực thời vụ rất căng thẳng. Trong khi đó, các địa phương đều đang khó khăn về lao động vì phần lớn lao động nông nghiệp trẻ, khỏe đã "ly hương". Với phương châm chủ động, hiệu quả trong sản xuất, Sở Nông nghiệp &PTNT đã cùng với các địa phương và bà con nông dân tìm mọi biện pháp khắc phục khó khăn, tập trung mọi điều kiện để hoàn thành việc gieo cấy lúa mùa trong khung thời vụ tốt nhất. Trên chân ruộng trũng thuộc các huyện Nho Quan, Gia Viễn, thị xã Tam Điệp, Hoa Lư, Yên Mô, Sở đã chỉ đạo cấy từ cuối tháng 6 và kết thúc vào tuần đầu của tháng 7. Nông dân đã chủ động chăm sóc, làm cỏ, sục bùn, bón phân theo đúng từng giai đoạn. Đến thời điểm này cây lúa sinh trưởng và phát triển khá tốt. Vùng vàn cao để gieo trồng vụ đông cũng đã kết thúc gieo cấy trước ngày 15-7. Một số vùng chân mạ, vùng cấy các giống lúa đặc sản như nếp, dự cũng đang tích cực gieo cấy để hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Các địa phương đã hoàn thành 100% diện tích gieo cấy sớm như: huyện Yên Mô, Yên Khánh, thành phố Ninh Bình.
Việc hoàn thành gieo cấy theo trong khung lịch thời vụ tốt nhất sẽ giúp vụ sản xuất tăng năng suất, né tránh thiên tai một cách chủ động, góp phần tạo nên một vụ mùa thắng lợi. Tuy nhiên theo phân tích của các nhà chuyên môn do thời gian từ thu hoạch đến gieo cấy ngắn (15-20 ngày) nên có thể dẫn đến nhiều hệ quả không mong muốn như: Đất không được nghỉ, làm đất gieo cấy ngay, rơm rạ khó phân hủy kịp, gặp nắng nóng tháng 7, các độc tố sẽ được giải phóng và nguy cơ ngộ độc lúa, nghẹt rễ rất dễ xảy ra, nhất là ở các chân ruộng chua, trũng, hẩu. Thêm vào đó là thời gian cắt giữa 2 vụ ngắn và là cầu nối cho sâu bệnh truyền từ vụ này sang vụ kia, đó là mối đe dọa thường trực cho vụ mùa, nhất là các đối tượng: Sâu cuốn lá nhỏ, bệnh lùn sọc đen, rầy nâu, rầy lưng trắng. Do vậy bà con cần lưu ý: bón phân cân đối NPK, bón tập trung nặng đầu nhẹ cuối, không bón đạm đơn, không bón muộn để phòng ngừa bạc lá. Chủ động khơi thông mương máng nội đồng, đảm bảo tiêu nước kịp thời khi có mưa úng xảy ra.
Theo thông báo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thời gian qua, thời tiết thuận lợi đã tạo điều kiện cho một số đối tượng phát sinh và gây hại ngay từ đầu vụ, ốc biêu vàng hại rải rác trên lúa mới cấy, đặc biệt hại nặng trên lúa gieo thẳng, mật độ phổ biến 1-2 con/m2. Trên trà mùa sớm rêu nhớt cũng đã xuất hiện. Ngoài ra còn bệnh nghẹt rễ, chuột, sâu đục thân lúa hai chấm, bọ trĩ... Trước tình hình trên, Chi cục BVTV đề nghị các đơn vị và ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng, chống kịp thời các đối tượng dịch hại. Tập trung diệt chuột, ốc biêu vàng bằng cả phương pháp thủ công và hóa học. Đối với rêu nhớt sử dụng một trong 2 biện pháp là rắc vôi tỏa (lượng dùng 10-15 kg/sào) và dùng thuốc physan 20L hoặc sunphát đồng (nồng độ, liều lượng theo hướng dẫn trên mác).
Nguyễn Lựu