Bước đột phá trong tiến trình hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước
Với quyết tâm tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nhất là trong điều kiện tỉnh Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là địa phương thực hiện thí điểm chuyển đổi số, tháng 10/2020, tỉnh Ninh Bình đã đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công đi vào hoạt động. Đây được xem là hạt nhân quan trọng để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, hướng tới xây dựng Chính quyền số, xã hội số, kinh tế số.
Đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để làm thủ tục cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, anh Phạm Văn Điệp, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) bày tỏ sự hài lòng trước không gian hiện đại cũng như cách phục vụ chuyên nghiệp ở đây, anh chia sẻ: Đến đây, tôi được các cán bộ, nhân viên hướng dẫn tỉ mỉ, thái độ thân thiện, hòa nhã. Việc lấy số thứ tự và chờ đến lượt làm thủ tục rất nhanh gọn, các nội dung về quy định, phí và lệ phí, thời gian giải quyết công việc đều được công khai, minh bạch. Điều này giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức và thấy rõ tính công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính.
Cũng như anh Phạm Văn Điệp, nhiều người khi đến Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh đều cảm thấy hài lòng, bởi nơi đây đã trở thành đầu mối tập trung thực hiện việc công khai, hướng dẫn TTHC; tiếp nhận hồ sơ, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết hồ sơ và trả kết quả cho cá nhân, tổ chức theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên một số lĩnh vực. Đến nay, Trung tâm đã tổ chức tiếp nhận và trả kết quả đối với 1.345 thủ tục hành chính tại 17 sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh và các thủ tục hành chính của Công an tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Điện lực tỉnh. Ngoài ra, Trung tâm còn bố trí quầy cho Bưu điện tỉnh, ngân hàng để thuận tiện cho các giao dịch của người dân. Chỉ sau hơn 1 tháng đi vào hoạt động, Trung tâm đã giải quyết được 2.573 hồ sơ, góp phần phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn.
Cùng với đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động, thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo UBND các huyện, thành phố đầu tư, nâng cấp bộ phận một cửa cấp huyện theo hướng hiện đại gắn với xây dựng Chính quyền điện tử, tạo điều kiện cho tổ chức, công dân khi giải quyết thủ tục hành chính. Hiện, cổng dịch vụ công và hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh đã được triển khai và hoạt động ổn định, hiệu quả tại 20 sở, ban, ngành và 100% các đơn vị cấp huyện, cấp xã với tổng số 2.046 dịch vụ công, trong đó có 812 dịch vụ công mức độ 2, 664 dịch vụ mức độ 3 và 570 dịch vụ mức độ 4. Cổng dịch vụ công của tỉnh đã được kết nối và đồng bộ trạng thái hồ sơ TTHC lên Cổng dịch vụ công quốc gia với tổng số 200.219 hồ sơ, tất cả hồ sơ đều đã được gắn địa chỉ; đã thực hiện tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Việc quyết liệt triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã từng bước khắc phục tình trạng chậm trễ, đùn đẩy, né tránh, giảm bớt phiền hà, tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân. Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, tỉnh Ninh Bình đã kiểm soát thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thực hiện với 560 TTHC, góp phần đảm bảo môi trường đầu tư ngày càng tốt hơn.
Tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ
Xác định công tác cán bộ là khâu then chốt trong công cuộc cải cách hành chính, Ninh Bình đã quan tâm đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý cán bộ, công chức ở tất cả các khâu tuyển dụng, thu hút nhân tài, đào tạo, bồi dưỡng đến quy hoạch, bố trí các chức danh lãnh đạo, quản lý.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 18 của BCH Trung ương về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và Nghị quyết số 19 về "Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập", UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy thông qua việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đúng quy định; kiên quyết tinh giản những người có chuyên môn không phù hợp hoặc năng lực hạn chế.
Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 18, 19, đến nay, tỉnh đã giảm 1 chi cục, 5 phòng chuyên môn trực thuộc sở, 31 đơn vị sự nghiệp công lập, 58 ban quản lý dự án và các trạm, chuyển 22 đơn vị sự nghiệp công lập Nhà nước bảo đảm một phần kinh phí sang tự chủ hoàn toàn về kinh phí chi thường xuyên, cắt giảm 154 biên chế công chức, 1.732 biên chế viên chức, 36 hợp đồng lao động 68, giảm 5.206 người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ở thôn, bảo đảm mục tiêu đến năm 2021 giảm 10% chỉ tiêu biên chế được giao.
Công tác quản lý, sử dụng công chức, viên chức được quan tâm chỉ đạo sát sao. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã tuyển dụng 118 công chức, thu hút 12 công chức có trình độ cao về làm việc trong cơ quan, đơn vị Nhà nước. Đồng thời tổ chức đào tạo, bồi dưỡng hoàn thiện tiêu chuẩn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho 23.768 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, nguồn nhân lực được tinh gọn về số lượng, chất lượng đội ngũ được nâng lên, hiệu quả làm việc có chuyển biến rõ rệt. Hiện tổng số cán bộ, công chức của tỉnh là 4.553 người (trong đó cấp tỉnh, cấp huyện: 1.524 người; cấp xã: 3.029 người). Trong đó, số người có trình độ trên đại học chiếm tỷ lệ trên 13,75%; 3.077 người trình độ đại học, đạt tỷ lệ 67,58%, số còn lại là sơ cấp, chủ yếu là cán bộ đang công tác ở các hội, đoàn thể cấp xã.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp đã góp phần cải thiện thứ hạng rõ rệt về các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh so với các địa phương trong cả nước. Từ năm 2015 đến nay, chỉ số CCHC của tỉnh Ninh Bình luôn nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước, riêng năm 2019 xếp thứ 8/63 tỉnh, thành (tăng 1 bậc so với năm 2018, tăng 32 bậc so với năm 2014). Đây là động lực quan trọng để tạo môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng, từng bước thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược, tạo sự bứt phá về tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách địa phương.
Mai Lan