P.V: Xin đồng chí cho biết, thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Hồ Chủ tịch, các cấp Hội phụ nữ đã phát động những phong trào thi đua nào?
Đ/c V.T.T: 60 năm qua, Hội phụ nữ tỉnh đã phát động và vận động phụ nữ thực hiện nhiều phong trào thi đua và nhiều cuộc vận động với những nội dung cụ thể phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng, nhằm giáo dục, động viên phụ nữ thực hiện các nhiệm vụ của Đảng và của Hội. Các phong trào "Hũ gạo nuôi quân", phong trào "áo ấm chiến sĩ" trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, phong trào phụ nữ "3 đảm đang" trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước; phong trào "Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" (giai đoạn 1978-1988); 2 cuộc vận động "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình" và "Nuôi dạy con tốt, hạn chế trẻ suy dinh dưỡng và trẻ bỏ học ở cấp 1" (1989-1997). Từ năm 1997-2001, cán bộ, hội viên phụ nữ trong tỉnh đã tích cực thực hiện 2 phong trào: "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc" và phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước". Từ năm 2002 đến nay, cán bộ, hội viên phụ nữ toàn tỉnh nỗ lực thi đua lao động, sản xuất, học tập để hưởng ứng phong trào " Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", góp phần tích cực vào sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Mỗi phong trào thi đua có nội dung gắn liền với nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng song đều là sự tiếp nối, kế thừa và phát triển của các phong trào đi trước.
P.V: Đồng chí có thể đánh giá hiệu quả của các phong trào thi đua ?
Đ/c V.T.T: Các phong trào thi đua được xác định trên cơ sở trưng cầu ý kiến của hàng triệu phụ nữ thuộc mọi tầng lớp, tôn giáo, dân tộc, thể hiện sâu sắc ý thức trách nhiệm của người phụ nữ đối với đất nước, đối với gia đình và ý chí vươn lên của người phụ nữ trong từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Rõ nét nhất là sự tham gia của phụ nữ trong phong trào diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm, là hậu phương vững chắc trong kháng chiến. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, phụ nữ đã góp phần quan trọng vào thành tựu sản xuất nông nghiệp, từng bước thực hiện an toàn lương thực, mở rộng ngành nghề, phát triển dịch vụ, nâng dần tỷ trọng kinh tế phi nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng.
Tiêu biểu của phong trào phụ nữ Ninh Bình trong những năm qua là: 285 bà mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng"; 3 chị được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, 10 chị được Nhà nước tặng Huân chương lao động, 11 vạn phụ nữ được tặng danh hiệu phụ nữ "3 đảm đang", 16.000 phụ nữ đạt danh hiệu "Người Phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", 45.000 chị thực hiện tốt 2 cuộc vận động, 129.412 chị đạt 3 tiêu chuẩn phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", 14.226 nữ CNVC được tặng danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", 13 chị được tặng bằng lao động sáng tạo, 15 chị được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo ưu tú và thầy thuốc ưu tú, hơn 3.000 chị được tặng huy chương "Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ", 85% gia đình hội viên đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.
P.V: Thưa đồng chí, thời gian tới, Hội phụ nữ làm gì để tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua: "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc"?
Đ/c V.T.T: Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ X nhiệm kỳ 2007-2012 đã tiếp tục phát động phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" thực hiện mục tiêu "Đoàn kết, vận động các tầng lớp phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc để nâng cao trình độ, cải thiện đời sống của phụ nữ; xây dựng người phụ nữ Việt Nam có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu", góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước để thi đua thực sự là phong trào hành động cách mạng của các tầng lớp phụ nữ trong cả nước.
Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào với yêu cầu cao, coi trọng tính thiết thực, chất lượng và hiệu quả phong trào. Các cấp Hội đã tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung, tiêu chuẩn thi đua đến cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng, gắn nội dung phong trào thi đua với cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bám sát các nhiệm vụ chính trị của địa phương và quyền lợi của hội viên, phụ nữ để chọn các hoạt động mang lại quyền lợi thiết thực, thiết thân đối với phụ nữ. Vận động phụ nữ chủ động học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị, kiến thức KHKT áp dụng vào cuộc sống; chủ động tham gia tích cực vào việc phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao; tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng gia đình văn hóa, làng xã, cơ quan văn hóa, phòng, chống tệ nạn xã hội, tội phạm, HIV/AIDS… góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Phan Hiếu (Thực hiện)