Nông nghiệp được xem là ngành rộng lớn, quá trình phát triển có sự ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác. Đây cũng là ngành tiêu biểu trong hoạt động KH&CN trong năm 2018 với 21 sáng kiến được công nhận, trong đó có 4 sáng kiến được công nhận là sáng kiến cấp tỉnh và đang tiếp tục triển khai, thực hiện 3 đề tài cấp tỉnh, trong đó 3 đề tài sẽ nghiệm thu vào năm 2021 và 2022.
Nhiều công trình nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nhất là trong sản xuất giống cây trồng vật nuôi và thủy sản; triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến theo chuỗi giá trị; dự án sản xuất rau quả, thực phẩm sạch theo hướng hữu cơ, VietGap; phát triển chăn nuôi, thủy sản quy mô hàng hóa; phát triển sản xuất theo hướng vùng hàng hóa tập trung gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ...
Hầu hết các đề tài, dự án trong ngành đều bám sát mục tiêu của Nghị quyết 37/NQ- HĐND ngày 14/12/2016 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững đến năm 2020.
Các đề tài, dự án tiêu biểu có thể kể đến, như: Mô hình chọn tạo giống, khai thác chế biến sữa dê quy mô công nghiệp; Công nghệ phân lập, nhân giống và nuôi trồng thử nghiệm một số loại nấm dược liệu ở huyện Yên Khánh và huyện Gia Viễn; Sản xuất gà lai giữa gà rừng tai đỏ với gà ri vàng rơm; Xây dựng mô hình sản xuất giống và dược liệu đinh lăng lá nhỏ...
Riêng đề tài "Chọn lọc và xây dựng mô hình sản xuất giống lúa thuần chất lượng DQ11 tại tỉnh Ninh Bình" được Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang thực hiện đã tạo được giống DQ11 có khả năng chống chịu bệnh lùn sọc đen khá, cho tỷ lệ gạo nguyên tăng cao hơn, cơm mềm, dẻo và có vị đậm... giống lúa DQ11 đã và đang được nhân rộng ở Ninh Bình nói riêng và miền Bắc nói chung...
Đối với lĩnh vực công nghiệp, hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ luôn được các doanh nghiệp chú trọng và xác định là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của doanh nghiệp. Điển hình về đổi mới, ứng dụng KH&CN như Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung...
Nhờ kết quả nghiên cứu KH&CN, các sản phẩm đã có thương hiệu và đang được tiêu thụ trên thị trường trong nước và xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản và châu Phi. Công ty TNHH Cơ điện Ninh Bình với nhiều nghiên cứu mang tính đột phá, sản phẩm của Công ty có tính thực tiễn cao, được sử dụng trong ngành công nghiệp nặng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Trên các lĩnh vực khác: Ngành Y tế cũng có 213 đề tài, sáng kiến được các cấp nghiệm thu và đưa vào thực hiện, trong đó có 3 đề tài cấp tỉnh, 35 đề tài cấp ngành, 2 sáng kiến cấp tỉnh và 148 đề tài, sáng kiến cấp cơ sở. Cụ thể như Xây dựng mô hình quản lý bệnh không lây nhiễm; quản lý điện tử hồ sơ sức khỏe cá nhân trên địa bàn tỉnh...
Trong khi đó, nhằm góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, ngành giáo dục và đào tạo cũng có 4.821 sáng kiến cấp cơ sở, 488 sáng kiến cấp ngành, như: Nâng cao hiệu quả mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với doanh nghiệp góp phần xây dựng nông thôn mới: Đổi mới quản lý; Về phổ cập; Về biên soạn tài liệu...
Khẳng định được vai trò là cầu nối trong việc sáng tạo, chuyển giao tiến bộ KH&CN ở địa phương, các đơn vị trực thuộc Sở KH&CN cũng đã có 15 sáng kiến được công nhận cấp tỉnh, có 1 đề tài được công nhận cấp Bộ... Đặc biệt là đối với nông nghiệp, đã tiếp nhận và chuyển giao được nhiều mô hình có hiệu quả như: Mô hình trổng ổi Đài Loan, nấm vân chi, nấm hoàng chi, dưa chuột lai F1… Tổ chức giới thiệu trình diễn các loại giống cây trồng, phân bón, máy nông nghiệp phục vụ nông dân trên địa bàn tỉnh. Sản xuất và cung cấp 8.900 kg giống nấm các loại cho các hộ trồng nấm trong và ngoài tỉnh.
Cùng với đó, Sở đã phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định 38 dự án đầu tư có đầu tư công nghệ; kiểm tra 20 công nghệ các dự án sau đầu tư. Việc thẩm tra được tiến hành chặt chẽ, kịp thời, giúp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các Khu công nghiệp có cơ sở thẩm định lựa chọn được công nghệ tiên tiến, ngăn chặn, loại bỏ các công nghệ lạc hậu, không phù hợp và trình UBND tỉnh xem xét quyết định phê duyệt đầu tư.
Công tác quản lý sở hữu trí tuệ được tăng cường nhằm nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong năm, tỉnh Ninh Bình đã nộp 119 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, có 41 đơn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Sở cũng đã tổ chức tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với 12 kiểu dáng công nghiệp, 38 nhãn hiệu thông thường và phát triển nhãn hiệu cho 7 tổ chức.
Được biết, kinh phí dành cho các hoạt động KH&CN còn khó khăn, hạn chế, nhưng nhiều sở, ngành vẫn tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học và đưa việc nghiên cứu khoa học thành một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua.
Đã có 23 công trình đạt Giải thưởng KH&CN Hoa Lư tỉnh Ninh Bình lần thứ II. Mặc dù số lượng doanh nghiệp KH&CN của tỉnh chưa nhiều, song những thành tựu có được của các doanh nghiệp đã được biết đến và được ghi nhận rộng rãi.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh