Hiện toàn tỉnh có trên 22.000 người khuyết tật, chiếm tỷ lệ 2,36% dân số toàn tỉnh. Trong đó có 4.047 thanh niên khuyết tật ở độ tuổi từ 16- 30, chiếm 18,31% tổng số người khuyết tật trong tỉnh. Do điều kiện sức khỏe có nhiều hạn chế nên vấn đề tìm kiếm việc làm, ổn định và hòa nhập với cuộc sống của thanh niên khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, rất cần sự quan tâm tạo điều kiện của toàn xã hội.
Để giúp người khuyết tật nói chung, thanh niên khuyết tật nói riêng vươn lên ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, những năm qua tỉnh ta đã quan tâm triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả Luật Người khuyết tật và các văn bản có liên quan trong lĩnh vực chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật. UBND tỉnh đã ban hành Đề án Hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2013-2020, kế hoạch dạy nghề cho người khuyết tật giai đoạn 2012-2015… Tất cả các chính sách của Trung ương và của tỉnh đã góp phần quan trọng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người khuyết tật nói chung, thanh niên khuyết tật nói riêng. Trong lĩnh vực giáo dục, tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện để thanh niên khuyết tật được tiếp cận các hình thức, các dịch vụ giáo dục. Khi tham gia học tập, thanh niên khuyết tật được miễn phí về học phí, hỗ trợ phương tiện, dụng cụ học tập. Trong lĩnh vực học nghề, giới thiệu việc làm, thanh niên khuyết tật được hỗ trợ học nghề phù hợp với sức khỏe, khả năng và nhu cầu. Nhiều doanh nghiệp làm hàng thủ công mỹ nghệ, mộc, thêu ren, may… đã sẵn sàng nhận người khuyết tật vào làm việc, tạo điều kiện để người khuyết tật tự lao động, có thu nhập ổn định. Đặc biệt, tỉnh đã thí điểm thực hiện mô hình sinh kế cho người khuyết tật ở xã Ninh Hòa (huyện Hoa Lư) với tổng kinh phí 300 triệu đồng cho 234 người khuyết tật được hưởng lợi. Trong đó, đã hỗ trợ xe lăn cho 15 người, hỗ trợ máy trợ thính cho 20 người, hỗ trợ học tập cho 35 học sinh, hỗ trợ cây giống cho 144 hộ người khuyết tật, tổ chức 22 hội nghị tuyên truyền về người khuyết tật… Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, 100% thanh niên khuyết tật nặng được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Thực hiện giảm viện phí cho người khuyết tật khi đi khám bệnh. Được hỗ trợ khi đi chỉnh hình, phục hồi chức năng, cấp dụng cụ chỉnh hình, hỗ trợ phương tiện như: xe lăn, xe đẩy, chân tay giả… Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao dành cho người khuyết tật được quan tâm tổ chức đã tăng cường sức khỏe, cải thiện đời sống tinh thần, giúp người khuyết tật xóa bỏ mặc cảm, tích cực hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, nhằm góp phần chia sẻ với người khuyết tật, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách để giúp người khuyết tật tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo. Toàn tỉnh đã thực hiện trợ cấp xã hội theo Nghị định 136/NĐ- CP cho 6.451 đối tượng bảo trợ với tổng kinh phí cấp bổ sung trên 12 tỷ đồng, trong đó có 2.617 người khuyết tật với tổng kinh phí cấp bổ sung trên 5 tỷ đồng. Thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp nuôi dưỡng cho 682 đối tượng đang được quản lý, nuôi dưỡng tại các đơn vị bảo trợ xã hội từ mức 750.000 đồng lên 1.150.000 đồng/tháng, trong đó có 350 người khuyết tật. Tỉnh đã làm việc với tổ chức CRS và chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh việc thành lập Hội Người khuyết tật, Hội cha mẹ người khuyết tật tại các huyện, thành phố trong tỉnh nhằm tạo điều kiện để người khuyết tật có môi trường sinh hoạt tập thể lành mạnh, ý nghĩa… Thời gian qua, công tác chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật nói chung, thanh niên khuyết tật nói riêng đã đạt được những kết quả nhất định. Qua đó từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người khuyết tật, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, đời sống người khuyết tật vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc học nghề phù hợp, tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống. Trước thực trạng này, cùng với việc quan tâm thực hiện tốt các chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước về chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật, tỉnh ta đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền Luật Người khuyết tật và các văn bản liên quan để mọi tổ chức, cá nhân, người dân có suy nghĩ, cái nhìn đúng đắn hơn về người khuyết tật. Hướng người dân có những hành động thiết thực, cụ thể, thân thiện trong việc tiếp xúc, giúp đỡ, hỗ trợ người khuyết tật trong cuộc sống hàng ngày, để họ tự tin hòa nhập tốt hơn trong cuộc sống, sinh hoạt.
Bùi Diệu