Trong những năm qua, mặc dù mỗi năm đã kiềm chế tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, nhưng Ninh Bình vẫn nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố trong cả nước có tỷ lệ giới tính khi sinh cao. Ngày 20-7-2015, Tổng cục Dân số - KHHGĐ đã có Quyết định 178/QĐ-TCDS về việc phê duyệt mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Ninh Bình có 5 xã của huyện Yên Mô là Yên Nhân, Yên Từ, Khánh Dương, Yên Mỹ và Yên Lâm được chọn triển khai mô hình.
Được thành lập hơn 1 tháng nhưng câu lạc bộ "Trẻ em gái tiêu biểu xã Khánh Dương" hoạt động tích cực, thu hút sự hào hứng tham gia của các thành viên trong câu lạc bộ. Đồng chí Đinh Thị Hà, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Khánh Dương, Chủ nhiệm CLB cho biết: CLB "Trẻ em gái tiêu biểu xã Khánh Dương" được thành lập từ cuối tháng 10-2015 với 50 thành viên là những em học sinh nữ có chị em trong gia đình là gái, chăm chỉ học tập, ý thức tốt, hoạt động tích cực trong các hoạt động xã hội, chủ động hoàn thành nhiệm vụ và có ý thức trong công việc của trường, của lớp. Tuy mới thành lập nhưng CLB tổ chức sinh hoạt đều đặn, CLB đã phối hợp với Ban Dân số xã Khánh Dương mời giảng viên của Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Yên Mô giảng dạy, triển khai những vấn đề liên quan đến giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, sức khỏe tình dục, dân số-KHHGĐ, thực trạng, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, đặc biệt những vấn đề liên quan đến trẻ em gái trong giai đoạn phát triển trưởng thành, vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội hiện đại… Thông qua đó giúp các em gái có kiến thức để tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của bản thân, phát huy vai trò, vị thế của trẻ em gái trong gia đình, nhà trường và xã hội. Từ kiến thức thực tế, các em đã chia sẻ với bạn bè, người thân những kiến thức, hiểu biết để cùng nhau chung tay bảo vệ trẻ em gái và giúp các em tự tin hơn trong các mối quan hệ trong nhà trường và ngoài xã hội. CLB còn tổ chức các buổi ngoại khóa có sự tham gia của một số thành viên là các em nam trong trường. Cùng với các hoạt động CLB, Liên đội Trường THCS Khánh Dương tổ chức hoạt động ngoại khóa, nhắc nhở học sinh vệ sinh cá nhân, ý thức sử dụng vệ sinh công cộng, vệ sinh cá nhân, hướng dẫn các em gái có kỹ năng bảo vệ mình, đồng thời giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống và trong học tập. Trong các tiết học chính khóa, nhà trường đã lồng ghép giảng dạy về giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản, về tình bạn, tình yêu, trong môn Sinh học và Giáo dục công dân. Theo kế hoạch, CLB "Trẻ em gái tiêu biểu xã Khánh Dương" duy trì sinh hoạt thường xuyên, phấn đấu duy trì từ 3-5 buổi sinh hoạt/quý để học sinh có cơ hội nhiều hơn trong tiếp nhận kiến thức, kinh nghiệm cần thiết cho cuộc sống. Em Nguyễn Vũ Hà Phương, học sinh lớp 7B, thành viên CLB cho biết: Em rất vui vì được tham gia CLB, qua các hoạt động CLB, em nhận thấy vai trò, vị thế của phụ nữ được nâng lên. Với vai trò lớp trưởng, số nữ đông (22 bạn nữ/33 học sinh lớp), với kiến thức đã được trang bị khi tham gia CLB, em thường xuyên trao đổi, chia sẻ cùng các bạn nữ trong lớp về cách vệ sinh cá nhân, tự bảo vệ mình trong cuộc sống, giải thích những thắc mắc của bạn trong học tập cũng như việc riêng của từng bạn. Từ đó chúng em tạo mối đoàn kết, gắn bó với nhau hơn để cùng trưởng thành, là người có ích cho xã hội. Mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái là một trong những giải pháp tích cực của ngành Dân số nhằm góp phần thực hiện bình đẳng giới; ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tỷ số giới tính khi sinh được coi là một trong những chỉ báo quan trọng để đánh giá mức độ bình đẳng giới. Sự gia tăng tỷ số giới tính khi sinh sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về trật tự xã hội trong tương lai như: thiếu nữ, thừa nam, phụ nữ sẽ phải kết hôn sớm, tỷ lệ ly hôn và tái hôn cao, tình trạng bạo hành giới, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái gia tăng, nạn mại dâm, nguy cơ cao sự lây lan các tệ nạn và bệnh xã hội... Tỉnh ta đến cuối năm 2014, mặc dù tỷ số giới tính khi sinh đã giảm song vẫn còn ở mức cao 113,8 bé trai/100 bé gái. Tỉnh đã có nhiều giải pháp đồng bộ nhưng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn khó kiểm soát. Cùng với đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh được triển khai nhiều năm qua ở cả 145/145 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, việc triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái ở Yên Mô từ năm 2015 sẽ góp phần tích cực hơn nữa để từng bước khống chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trong tỉnh trong những năm tới, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ giới tính khi sinh trong toàn tỉnh khống chế ở mức không quá 115 bé trai/100 bé gái.
Nhằm đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của mô hình, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã xây dựng 5 CLB các bạn gái tiêu biểu ở 5 xã chọn thí điểm triển khai mô hình. Bên cạnh đó, Chi cục đã triển khai nhiều hoạt động như: tổ chức hội nghị triển khai mô hình và cung cấp các thông tin, kiến thức cho các nhóm đối tượng. Tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức hoạt động mô hình và kỹ năng truyền thông đối với cán bộ dân số các cấp; tổ chức hội nghị gặp mặt, nêu gương các gia đình sinh con một bề là gái có con thành đạt, nuôi dưỡng, chăm sóc bố mẹ già. Tổ chức hội thảo ký cam kết thực hiện không sinh con thứ 3 trở lên và không lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức và hội thảo chia sẻ kinh nghiệm cho trẻ em gái trong gia đình có con một bề là gái vươn lên học giỏi. Cung cấp tờ rơi tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh và hệ lụy trong tương lai cùng các nội dung liên quan bình đẳng giới đến người dân. Bước đầu cho thấy, các hoạt động của mô hình đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác dân số - KHHGĐ.
Tiến Minh