Công tác thông tin, truyền thông về chủ trương nhiệm vụ cải cánh tư pháp, hoạt động tư pháp, các quy định mới trong các đạo luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp được tăng cường. Việc tổ chức các phiên tòa lưu động, các vụ án trọng điểm, các phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp được đẩy mạnh. Tổ chức bộ máy hoạt động của các cơ quan tư pháp được củng cố, kiện toàn. Công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ tư pháp được thực hiện theo đúng quy định.
Cơ sở vật chất trang thiết bị làm việc cho các cơ quan tư pháp được quan tâm đầu tư. Kết quả hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp đã góp phần tích cực vào việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ tốt cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác cải cách tư pháp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Chất lượng điều tra, truy tố, xét xử có việc còn hạn chế, còn để xảy ra vi phạm trong hoạt động tố tụng; án hủy, cải sửa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung do lỗi chủ quan vẫn còn.
Nhiều vụ việc phải thi hành án có điều kiện chưa được thi hành án dứt điểm. Số lượng việc, tiền chuyển kỳ sau vẫn còn ở mức cao. Số tiền phải thi hành án lớn, đặc biệt là số tiền thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng, tài sản thế chấp thấp hơn nhiều so với số tiền cho vay và đã cưỡng chế, kê biên, giảm giá nhiều lần nhưng không có người mua.
Việc triển khai tổ chức giám sát đối với hoạt động tư pháp chưa thường xuyên. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở hiệu quả chưa cao. Trang thiết bị phục vụ yêu cầu phòng, chống tội phạm và đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp còn hạn chế.
Nguyên nhân của các hạn chế trên là do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, một số quy định của pháp luật chưa được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn đầy đủ, kịp thời, dẫn đến việc nhận thức và áp dụng pháp luật để giải quyết các vụ án chưa thống nhất.
Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về công tác cải cách tư pháp chưa đầy đủ, chưa có sự quan tâm đúng mức cho hoạt động của các cơ quan tư pháp, nhất là lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Một số cán bộ, công chức của các cơ quan tư pháp chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự học để nâng cao trình độ nghiệp vụ. Chưa có chính sách thu hút nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Để thực hiện tốt hơn công tác cải cách tư pháp, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh đã đưa ra chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2018 đó là: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội và các đạo luật mới ban hành liên quan đến lĩnh vực tư pháp.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thực hiện tốt việc điều tra, truy tố, xét xử thi hành án, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức bổ trợ tư pháp. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động luật sư.
Chấn chỉnh hạn chế, thiếu sót của các ngành để nâng cao hiệu quả công tác cải cách tư pháp. Làm tốt việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp. Làm tốt việc ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Quan tâm đầu tư, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp bảo đảm tốt yêu cầu cải cách tư pháp đặt ra.
Tăng cường cải cách hành chính, đổi mới thủ tục hành chính tư pháp nhằm công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án, tạo điều kiện cho người dân khi tham gia các hoạt động tại Tòa án. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xử lý kịp thời các sai phạm và khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác cải cách tư pháp.
Trần Mạnh Dũng