Hiện nay, thời tiết, khí hậu rất thuận lợi cho virus hoạt động bùng phát thành ổ dịch, một số tỉnh giáp với tỉnh ta như Thanh Hóa có dịch cúm gia cầm, Hòa Bình có dịch lở mồm, long móng. Trên địa bàn tỉnh, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tạm thời ổn định. Tuy nhiên, theo Chi cục Thú y, nguy cơ phát dịch vẫn rất cao do mầm bệnh của những ổ dịch năm 2008 vẫn còn tồn lưu trong môi trường và lưu hành ở một số động vật cảm nhiễm. Hơn thế, trước Tết Nguyên đán đến nay, số lượng gia súc, gia cầm tiếp tục vận chuyển ra, vào địa bàn tỉnh rất lớn.
Thực hiện Công điện số 05/BNN-CĐ ngày 3-2-2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT, Văn bản chỉ đạo số 37/UBND-VP3 ngày 6-2-2009 của UBND tỉnh về việc chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên động vật, Sở Nông nghiệp &PTNT đã khẩn trương phối hợp với UBND, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các huyện, thành phố, thị xã, các xã, phường, thị trấn, các ngành chức năng triển khai một số biện pháp phòng, chống dịch như: Kiểm tra việc vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn, Chi cục Thú y đã thành lập 2 đoàn kiểm tra phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên giám sát tình hình giết mổ trước và sau Tết, chú trọng những tụ điểm tập kết vận chuyển gia súc, gia cầm lớn.
Bên cạnh đó, tại mỗi huyện, thành phố, thị xã cũng thành lập tổ kiểm tra lưu động, thành phần gồm: Phòng nông nghiệp, Trạm thú y, Công an, Quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra tại các đầu mối giao thông, tụ điểm tập kết buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm ra, vào trên địa bàn. Phát hiện kịp thời trường hợp vận chuyển không có giấy chứng nhận kiểm dịch, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu; gia súc, gia cầm bị bệnh tiêu thụ trên thị trường, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Kết quả kiểm tra cho thấy, phần lớn các hộ chăn nuôi, buôn bán kinh doanh gia súc, gia cầm đều thực hiện tốt các quy định của ngành Thú y.
UBND các huyện, thành phố, thị xã đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh từ hộ chăn nuôi trên địa bàn thôn, xóm; phát hiện và báo kịp thời, triển khai các biện pháp khoanh vùng khống chế ổ dịch; yêu cầu các hộ kinh doanh buôn bán, vận chuyển, giết mổ và chăn nuôi ký cam kết nghiêm chỉnh chấp hành quy định của Điều lệ kiểm dịch: Không mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm sản phẩm gia súc, gia cầm bệnh từ vùng có dịch.
Hiện Chi cục đã phát 8 tấn hóa chất phục vụ cho hoạt động khử trùng, tiêu độc. Những điểm dịch cũ năm 2008 sẽ thực hiện phun hóa chất một cách nghiêm ngặt với cường độ cao hơn (10 ngày phun 1 lần). Chi cục cũng chỉ đạo các trạm thú y tập trung tiêm phòng các bệnh lở mồm, long móng, tụ huyết trùng cho đàn gia súc và tiêm phòng bổ sung vắc xin cúm gia cầm. Các hộ chăn nuôi sẽ khai báo số lượng gia súc, gia cầm để cán bộ thú y đến tiêm, đảm bảo tất cả gia súc, gia cầm trong diện phải tiêm phòng được tiêm đầy đủ.
Một số địa phương đã quan tâm đến công tác phòng, chống dịch như: Thành phố Ninh Bình, huyện Yên Khánh, huyện Kim Sơn…, thể hiện qua việc hỗ trợ kinh phí cho công tác tiêm phòng, phun thuốc khử trùng, tiêu độc.Chi cục Thú y cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền đến từng người dân về các quy định trong việc vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm; cách nhận biết các triệu trứng của bệnh, đường lây truyền bệnh và biện pháp phòng, chống…
Trong thời gian tới, Chi cục chỉ đạo Trạm thú y kết hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố khẩn trương tổng hợp báo cáo số liệu đàn gia cầm và đăng ký số lượng vắc xin tiêm phòng cúm gia cầm, vắc xin tiêm phòng cho gia súc năm 2009 về Chi cục Thú y trước ngày 17-2-2009 để Sở Nông nghiệp &PTNT có cơ sở xây dựng Kế hoạch tiêm phòng năm 2009 và đăng ký mua vắc xin tiêm phòng với Cục Thú y Trung ương. Trong vòng từ tháng 3 đến tháng 5 sẽ tiến hành tiêm phòng vụ xuân hè cho toàn bộ gia súc, gia cầm trong tỉnh.
Nguyễn Lựu