VÌ SAO "TÍN DỤNG ĐEN" CÒN NHIỀU ĐẤT SỐNG?
Biến tướng các hình thức kinh doanh
Do cần vốn làm ăn, giải quyết công việc mà không có tài sản thế chấp, trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn "tín dụng" đen ở ngoài xã hội lại quá dễ dàng. Người có nhu cầu vay vốn chỉ cần có các giấy tờ như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu và một số loại giấy tờ tùy thân có giá trị khác như thẻ sinh viên, thẻ ATM, bằng cấp là có thể vay được tiền trong thời gian rất ngắn, chỉ khoảng 30 phút. Mặc dù biết lãi suất rất cao nhưng nhiều nạn nhân đã "đánh cược" với số phận để vay nặng lãi.
Với những lời mời gọi vay vốn thủ tục dễ dàng, không cần thế chấp... có thể bắt gặp ở các tờ rơi bất kỳ chỗ nào trên đường phố, trong các khu dân cư..., nhiều người dân do cần tiền đã nhanh chóng tìm đến "tín dụng đen" bất chấp lãi suất cao.
Chị Phạm Thị H. (phường Vân Giang, thành phố Ninh Bình) cho biết: Do cần tiền gấp để giải quyết công việc, chị được giới thiệu và tìm đến Trần Thị Tuyết Mai (phường Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình) để vay lãi ngày. Tính từ tháng 4/2019, Mai cho chị H vay tiền 6 lần, tổng số tiền 280 triệu đồng với lãi suất 5.000/1 triệu/1 ngày, tổng tiền lãi tính đến ngày 31/7/3019 là 121.600.000 đồng. Do không có khả năng trả nợ, cộng với lãi suất quá cao, chị H buộc phải làm đơn trình báo Công an.
Ngày 31/7, tại quán cà phê Lu's Bar thuộc phường Đông Thành, Thành phố Ninh Bình, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã bắt quả tang Trần Thị Tuyết Mai (phường Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình) đang nhận 40 triệu đồng tiền lãi của chị Phạm Thị H, (phường Vân Giang, TP Ninh Bình).
Được biết, ngoài chị H, đối tượng Trần Thị Tuyết Mai làm kinh doanh hỗ trợ tài chính tại ki ốt số 11, khu vực chợ phường Ninh Sơn nhưng tham gia hoạt động tín dụng đen, hiện cho 17 người khác vay tổng số tiền hơn 600 triệu đồng với mức lãi suất từ 3.000- 7.000 đồng/1 triệu /1 ngày. Hiện cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Bình đã ra quyết định khởi tố và ra lệnh tạm giam đối với Trần Thị Tuyết Mai về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Địa bàn hoạt động của loại hình tội phạm "tín dụng đen" không chỉ dừng lại ở thành thị mà đã len lỏi đến vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Đáng chú ý là các đối tượng đã triệt để lợi dụng sơ hở của pháp luật để biến tướng hoạt động cho vay lãi nặng. Sau khi các "con nợ" không đủ sức trả thì hình thức đòi nợ của chúng là siết nợ, chủ yếu là sử dụng vũ lực, uy hiếp tinh thần, ném chất bẩn vào nhà. Hậu quả do tội phạm này gây ra là rất lớn, gây bất ổn xã hội và là nguyên nhân phát sinh nhiều loại tội phạm khác, ảnh hưởng không nhỏ đến ANTT trên địa bàn.
Tại huyện Nho Quan, lực lượng công an đã bắt đối tượng Nguyễn Thị Thơm, trú tại thôn Phong Thành, xã Đồng Phong, huyện Nho Quan, là chủ cơ sở kinh doanh, dịch vụ cho vay cầm đồ Tuấn Thơm có biểu hiện cầm cố tài sản không rõ nguồn gốc và cho vay lãi nặng.
Quá trình điều tra Nguyễn Thị Thơm khai nhận cho 23 người vay lãi (đã ghi trong sổ sách) với số tiền gần 1 tỷ đồng với mức lãi suất từ 3.000-5.000 đồng/1 triệu/1 ngày. Tiến hành kiểm tra thông tin dữ liệu trong chiếc điện thoại nhãn hiệu Iphone X tạm giữ của Nguyễn Thị Thơm lưu giữ trong mục tin nhắn và mục ghi chú những người vay tiền với số tiền là 1.132.000.000 đồng. Theo điều tra, tổng số tiền Nguyễn Thị Thơm cho các đối tượng vay từ tháng 12 năm 2018 đến nay là trên 2 tỷ đồng. Ngoài ra, Nguyễn Thị Thơm cầm cố 14 chiếc xe máy không có hợp đồng cầm cố tài sản.
Theo báo cáo của Công an tỉnh, thời gian qua, tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" trên phạm vi toàn quốc nói chung, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói riêng có chiều hướng diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị Công an trong tỉnh đã tổ chức rà soát đưa vào diện quản lý, đấu tranh với 59 đối tượng không kinh doanh dịch vụ cầm đồ nhưng có biểu hiện hoạt động "tín dụng đen"; 147 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ và 18 công ty hỗ trợ tài chính.
Tiến hành kiểm tra 112 lượt đối với các cơ sở cầm đồ. Cùng với đó đã bắt, khởi tố 9 vụ, 11 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; xử lý hành chính 8 vụ, 8 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng và phạt tiền 126.800.000 đồng đối với 49 trường hợp vi phạm các lỗi khác, tạm giữ 30 xe mô tô, 1 xe ô tô.
Khó khăn trong xử lý
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công an và UBND tỉnh thời gian qua, Công an tỉnh đã quyết liệt triển khai các biện pháp đấu tranh xử lý vi phạm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã có 27 cơ sở cầm đồ và 8 Công ty hỗ trợ tài chính tự dừng hoạt động. Hiện toàn tỉnh chỉ còn 120 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 10 công ty hỗ trợ tài chính, tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh đến nay về cơ bản ổn định, các đối tượng hoạt động "tín dụng đen", siết nợ, đòi nợ thuê tuy vẫn hoạt động nhưng không còn lộng hành như trước đây.
Tuy nhiên, theo Trung tá Hoàng Văn Tài, Phó phòng Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh: Mặc dù UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp về công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm hoạt động "tín dụng đen", song một số đơn vị vẫn còn nhận thức đây là trách nhiệm của riêng lực lượng Công an, do đó chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong thực hiện công tác này, nên hiệu quả chưa cao, "tín dụng đen" vẫn đang có nhiều đất sống.
Đối với nạn nhân của loại hình "tín dụng đen", do nguồn tiền vay có thể sử dụng vào các mục đích không chính đáng hoặc thậm chí tham gia vào các tệ nạn xã hội nên không dám tố giác; chỉ đến khi bị đe dọa, bắt giữ, đánh đập, khủng bố tinh thần..., do không trả được nợ thì mới trình báo, gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, ngăn chặn.
Bên cạnh đó, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng hết sức tinh vi, xảo quyệt, triệt để lợi dụng các quan hệ dân sự cho vay dưới dạng công ty hỗ trợ tài chính; biến tướng cho vay thông qua hình thức giao dịch mua bán, cầm cố tài sản, hợp đồng, giấy viết tay bán, thuê tài sản, nhận tiền xin việc... Vì vậy, rất khó khăn trong công tác thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm.
Một trong những yếu tố gây khó khăn trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn "tín dụng đen" hiện nay, ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Hiện nay, theo Luật Doanh nghiệp, các cá nhân có quyền đăng ký kinh doanh tại dịch vụ công trực tuyến và cơ quan nhà nước sẽ hẹn ngày để trả. Công tác kiểm tra doanh nghiệp chỉ được tiến hành sau đó hoặc khi có vấn đề phát sinh, chính vì thế một số cá nhân lợi dụng sự thông thoáng của luật pháp để đăng ký các loại hình doanh nghiệp hỗ trợ tài chính, dịch vụ cầm đồ.
Trong khi đó, các công ty hỗ trợ tài chính hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự nên rất dễ để cho các đối tượng lợi dụng làm bình phong để núp bóng hoạt động tín dụng đen, cho vay lãi nặng.
Song song với đó, việc thực hiện công tác hậu kiểm sau khi cấp giấy phép kinh doanh còn chưa được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành thường xuyên, chính vì vậy một số cơ sở kinh doanh tài chính, cấm đồ biến tướng các hình thức hoạt động, tự dừng hoạt động hoặc chuyển đổi địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan chức năng nên khó khăn cho công tác quản lý.
Chế tài xử lý đối với tội phạm cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe (khung hình phạt cao nhất đến 3 năm tù). Mặt khác, do là tội phạm ít nghiêm trọng, nên khi khởi tố điều tra, viện kiểm sát không phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam nên bị can có điều kiện để ép buộc nạn nhân khai sai về mức lãi suất và thông cung với các đồng phạm, gây khó khăn cho công tác điều tra, mở rộng. Ngoài ra, chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với hành vi đòi nợ, thu nợ của đối tượng gây ảnh hưởng đến ANTT và nghĩa vụ, trách nhiệm của người đi vay, gây khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý tội phạm.
MỞ HƯỚNG TIẾP CẬN NGUỒN VỐN TÍN DỤNG HỢP PHÁP
"Tín dụng đen" đã để lại những hậu quả nghiêm trọng, gây mất ANTT, an toàn xã hội. Để ngăn chặn "tín dụng đen", bên cạnh các giải pháp từ phía các cấp chính quyền thì rất cần sự vào cuộc của ngành Ngân hàng để mở hướng cho người dân, đặc biệt là tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận nguồn vốn tín dụng hợp pháp, đây là giải pháp quan trọng hàng đầu.
Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Phương Đông, chi nhánh Ninh Bình.
Phát triển tín dụng tiêu dùng
Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh cho biết: NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện một số giải pháp nhằm góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Các NHTM đang ngày càng quan tâm đa dạng hóa các chương trình, sản phẩm tín dụng tiêu dùng nhằm mở rộng cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng, kinh doanh thể hiện qua tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm nay của các ngân hàng thương mại, ngân hàng HTX, Quỹ TDND đạt 72.248 tỷ đồng, tăng 5,8% so với đầu năm.
Đồng thời một số ngân hàng trên địa bàn như Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... thông qua các tổ chức chính trị- xã hội ở địa phương như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh..., tổ chức công đoàn trong các khu công nghiệp để tiếp cận đối tượng khách hàng có phương án sử dụng vốn cụ thể, cung cấp được chứng từ sử dụng vốn và chứng minh được khả năng trả nợ để cho vay vốn.
Với lợi thế là ngân hàng có hệ thống "chân rết" rộng khắp các bản, làng từ nông thôn đến miền núi nên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Ninh Bình là đơn vị đi đầu trong việc "mở lối" để người dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng hợp pháp.
Ông Nguyễn Thừa Vũ, Phó Giám đốc Agribank Ninh Bình cho biết: Không phải đến nay Agribank Ninh Bình mới triển khai cho vay phục vụ đời sống mà những năm trước, chương trình cho vay này đã đạt được những kết quả khá tốt. Thống kê của Agribank Ninh Bình cho thấy, năm 2018, toàn tỉnh đã có 11.350 khách hàng còn dư nợ tín dụng cho vay phục vụ đời sống với tổng dư nợ đạt 1.921 tỷ đồng, mức lãi suất ngân hàng từ 9,5-11,5%.
Trong đó, cho vay mua, thuê, xây dựng nhà ở là 5.998 khách hàng với dư nợ đạt 1.341 tỷ đồng; cho vay mua, thuê phương tiện đi lại là 811 khách hàng với dư nợ là 122 tỷ đồng; cho vay phục vụ mua sắm thiết bị gia đình là 3.272 khách hàng với dư nợ là 120 tỷ đồng...
Năm 2019, Agribank Ninh Bình tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo của Agribank Việt Nam về ưu tiên dành nguồn vốn tối thiểu 5.000 tỷ đồng trong cơ cấu tín dụng để cho vay tiêu dùng. Đặc biệt, với gói vay này, hạn mức mỗi món vay không quá 30 triệu đồng, phục vụ các mục đích tiêu dùng hợp pháp, cấp thiết của khách hàng cá nhân, hộ gia đình như chi phí học tập, khám chữa bệnh, mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình…, áp dụng lãi suất hợp lý, với thời gian xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày. Tính đến hết tháng 8, đã có 220 khách hàng vay với tổng dư nợ đạt 5 tỷ đồng.
Nhằm đẩy mạnh hiệu quả chương trình này, Agribank cũng tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay, rà soát, đối chiếu các khoản vay; nghiêm cấm cán bộ cấu kết, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi.
Bên cạnh đó, Agribank Ninh Bình cũng đẩy mạnh việc cho vay thông qua các tổ vay vốn. Toàn tỉnh hiện có 1.424 tổ liên kết với 29.698 thành viên, tổng dư nợ thông qua tổ vay vốn đạt 3.742 tỷ đồng. Ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tạo điều kiện trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa Agribank với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh các cấp cho vay, thu hồi nợ và trả nợ ngân hàng.
Ngoài Agribank, một số ngân hàng thương mại cũng đang tích cực vào cuộc để góp phần đẩy lùi "tín dụng đen". Ông Đinh Văn Sơn, Giám đốc Ngân hàng cổ phần thương mại Phương Đông, chi nhánh Ninh Bình cho biết: Ngân hàng sẽ tập trung vào thị trường bán lẻ với đối tượng khách hàng cá nhân. Ngân hàng đã đưa ra nhiều gói sản phẩm đa dạng, phù hợp với nhu cầu vay vốn sinh hoạt như: vay sửa nhà, mua xe, tiêu dùng...
Hiện đơn vị cũng đang triển khai các chương trình ký kết hợp tác với các cơ quan, trường học, doanh nghiệp, bệnh viện... có số lượng lao động lớn để người lao động có thể được hưởng các các dịch vụ tiện ích của ngân hàng với phương châm "chia sẻ lợi ích với khách hàng".
Để người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng hợp pháp, bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Nho Quan cho rằng: Nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế trên địa bàn huyện hiện nay là rất lớn.
Tuy nhiên, đối tượng như phụ nữ, thanh niên chỉ được phối hợp với Ngân hàng CSXH để vay vốn, cần nhất là vốn vay giải quyết việc làm, mà nguồn này gần như không tăng, hạn mức tín dụng thấp... Việc bổ sung nguồn vốn hàng năm tăng cũng rất hạn chế, dẫn đến tiếp cận vốn vay để giải quyết việc làm, phát triển kinh tế trong đối tượng phụ nữ nông thôn là khó khăn.
Để có thể giúp cho phụ nữ vay được vốn hiệu quả cần phải bổ sung thêm nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; có cơ chế phù hợp để tăng mức vay đối với chương trình này. Thêm nữa, phụ nữ là công nhân trong các khu công nghiệp cũng là đối tượng cần được quan tâm hơn từ phía các ngân hàng thương mại trong triển khai các dịch vụ, sản phẩm tín dụng.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Nhắc đến "tín dụng đen" nhiều người cho rằng đó là trách nhiệm của ngành Công an và ngành Ngân hàng. Nhưng trên thực tế, để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", cho vay lãi nặng, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương thì rất cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các ngành, đoàn thể ở địa phương.
Mới đây nhất, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp bao gồm mở các đợt tấn công, trấn áp tội phạm liên quan đến "tín dụng đen"; tuyên truyền để người dân hiểu về sự nguy hại của "tín dụng đen" và thông tin rộng rãi về các hoạt động vay vốn ưu đãi của Nhà nước; vận động người dân tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm nói chung, tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" nói riêng; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính, dịch vụ đòi nợ thuê và các cơ sở có biểu hiện cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê…
Trung tá Hoàng Văn Tài, Phó phòng Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, Công an tỉnh sẽ phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen"; phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động các cơ quan, đơn vị, khu dân cư, người dân tháo gỡ, ngăn chặn các đối tượng phát, dán tờ rơi quảng cáo có nội dung liên quan đến cho vay mượn tài sản trái với quy định của pháp luật.
Đồng thời thành lập Tổ công tác liên ngành từ tỉnh đến huyện, trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt tiến hành thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các sai phạm của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có hoạt động cho vay, cầm cố tài sản. Thường xuyên rà soát, phân cấp, lập hồ sơ quản lý, áp dụng đối sách đấu tranh với các đối tượng, chủ cơ sở kinh doanh có biểu hiện hoạt động "tín dụng đen"; tăng cường kiểm tra, xử lý và kiến nghị thu hồi giấy phép đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ thuê, hỗ trợ tài chính cố tình vi phạm.
Thượng tá Trần Đức Hạnh, Phó trưởng Công an huyện Nho Quan cũng cho biết: Mặc dù Nho Quan không phải là điểm nóng về "tín dụng đen" nhưng do địa bàn rộng, dân trí không đồng đều lại có nhiều khu vực giáp ranh nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tội phạm "tín dụng đen" lợi dụng để ẩn trú.
Chính vì thế trong thời gian tới Công an huyện Nho Quan sẽ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương, các ngành, đoàn thể của huyện tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân, nhất là người dân khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi về hình thức, thủ đoạn của cho vay lãi nặng thông qua một số hình thức như: bốc bát họ, cho vay không cầm cố tài sản. Đồng thời phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tuyên truyền cho người dân các chính sách tín dụng hợp lý.
Bên cạnh sự nỗ lực từ phía các cơ quan chức năng, các tổ chức, đoàn thể nhằm phòng ngừa, đẩy lùi "tín dụng đen" thì mỗi người dân tự nâng cao ý thức trước sự cám dỗ của "tín dụng đen", cần giữ gìn phẩm chất đạo đức, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật, trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết để không bị sa chân vào những chiếc bẫy của "tín dụng đen".
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm