Tới dự Hội thảo có các đồng chí Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng; Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Quân khu 4;
Đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Đặc biệt, tham dự Hội thảo, cùng với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu từ nhiều cơ quan trong và ngoài quân đội, còn có nhiều nhân chứng lịch sử - những người đã trực tiếp tham gia chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh lịch sử 1968.
Gần 80 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài quân đội đã tập trung phân tích, luận giải một số vấn đề: Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh 1968 - thành công trong chỉ đạo chiến lược tài tình của Đảng ta, đã nhạy bén, chính xác trong việc chọn địa bàn để mở đòn tiến công của bộ đội chủ lực. Không chỉ là một đòn nghi binh chiến lược, mà hơn thế, chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh còn nhằm thu hút, giam chân và tiêu diệt một lực lượng lớn quân Mỹ và tạo ra sự chú ý đặc biệt cho giới cầm quyền chóp bu Sài Gòn cũng như Washington, góp phần tạo nên yếu tố bất ngờ và điều kiện thuận lợi cho các mặt trận ở khắp chiến trường miền nam, đặc biệt là Mặt trận Trị - Thiên tiến công và nổi dậy trong những ngày đầu Xuân 1968.
Đường 9 - Khe Sanh là nơi đấu trí, đấu lực quyết liệt giữa ta và địch. Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ta tổ chức một chiến dịch tiến công có quy mô lớn và dài ngày; bộ đội chủ lực thực hành chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng đột phá vào tuyến phòng ngự vòng ngoài vững chắc chủ yếu của quân Mỹ, trực tiếp đương đầu với lực lượng tinh nhuệ nhất của quân Mỹ như Sư đoàn lính thủy đánh bộ và Sư đoàn kỵ binh không vận.
Rút kinh nghiệm từ thất bại của người Pháp, Mỹ muốn thiết lập một "Điện Biên Phủ đảo ngược" ở Khe Sanh, sử dụng sức mạnh quân sự vượt trội hòng đè bẹp ý chí chiến đấu và khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Quân và dân ta đã chủ động lựa chọn cách đánh, thực hiện thành công vây hãm, tập kích, truy kích tiêu hao, tiêu diệt và đẩy quân Mỹ và quân đội Sài Gòn vào tình thế khốn quẫn, buộc phải rút bỏ Khe Sanh.
Không phải ngẫu nhiên mà Đại tướng Westmoreland, Tư lệnh Bộ Chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam đã từng nhận xét: "Bước ngoặt lịch sử bắt đầu từ một thung lũng nhỏ mang tên Khe Sanh và kết thúc bằng cú Tết Mậu Thân 1968". Sau 50 năm, Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh 1968 vẫn là sự kiện mang đầy tính thời sự. Với những kết quả nghiên cứu và những tư liệu mới đã được công bố, chiến thắng lịch sử này đang ngày càng được nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn, và với thời gian, tầm vóc, ý nghĩa của sự kiện này đối với toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lại càng rõ nét, mang ý nghĩa bước ngoặt và có tác động lớn hơn.
Theo Phương Thảo/Báo Nhân dân