Việc đặt tiền công đức, còn gọi là tiền giọt dầu là một truyền thống văn hóa lâu đời, thể hiện lòng thành của người dân khi đi lễ chùa hoặc đến các khu thờ tự với mong muốn đóng góp vào việc tu bổ tôn tạo di tích, duy trì hoạt động của nhà chùa, khu di tích, đóng góp vào các hoạt động từ thiện... Tuy nhiên, hiện nay, tại nhiều ngôi chùa và khu di tích, hình ảnh người dân đi lễ rải tiền công đức, là những đồng tiền lẻ ở nhiều nơi trong chùa, khu di tích, thậm chí tại cả những nơi trong khu vực như vườn hoa, giếng nước, cá biệt có chỗ còn nhét vào tận tay, đặt dưới chân tượng Phật... Những hành vi ứng xử đó của người đi lễ vô hình chung làm mất đi hình ảnh tôn nghiêm của chốn thờ tự.
Tại các ngôi chùa, nhất là mùa lễ hội đầu năm, thường xuyên bắt gặp hình ảnh những người đi lễ cầm cả sấp tiền lẻ đi đặt ở tất cả các ban thờ trong chùa, thậm chí là tại chân tượng Phật, các gốc cây, chậu đá... Theo suy nghĩ của nhiều người, sở dĩ họ dùng tiền lẻ là để có thể đặt tiền ở tất cả các ban. Đây như là một thói quen của đa số người dân khi đi lễ chùa. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều cách để tỏ lòng thành kính và cầu may khi đi lễ đầu năm hơn là việc sử dụng những đồng tiền lẻ như hiện nay.
Theo đại diện một nhà chùa trên địa bàn thành phố Ninh Bình, việc người dân đi đổi tiền lẻ rồi rải ở nhiều nơi trong chùa khiến nhà chùa thêm bận rộn và vất vả, vì khi không có người thu nhặt kịp thì tiền lẻ rơi vãi, bay tá lả khắp nơi, đôi khi gây lòng tham cho người khác lấy tiền thờ cúng... Mặc dù đã giải thích nhưng do số lượng người đi lễ đông và ý thức người dân chưa hoàn toàn thay đổi, nên việc đặt tiền lẻ khi đi lễ vẫn chưa có chuyển biến nhiều.
Theo Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Ban trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh, Phó Trụ trì chùa Bái Đính thì, việc lễ Phật cốt ở thành tâm. Người dân có thể mua các phẩm vật thanh tịnh như: hoa, quả, bánh kẹo..., nếu không mua được có thể dâng tiền tài tùy tâm. Tiền công đức nên được đặt vào hòm công đức hoặc gửi ở các bàn ghi công đức được bố trí tại các chùa. Tiền đó sẽ được sử dụng để mua đồ lễ cúng, xây dựng chùa chiền, không nên đổi tiền lẻ cúng Phật vì tốn kém. Đây vừa là hành động có văn hóa, thể hiện được sự thành kính, vừa tránh được tình trạng lộn xộn, để tiền công đức được bảo quản và sử dụng đúng mục đích.
Cũng theo Thượng tọa Thích Minh Quang, việc đặt tiền lẻ tại các ban thờ không đúng với văn hóa tín ngưỡng của người Việt và giáo lý đạo Phật. Nhiều người thậm chí còn chịu mất 30 phần trăm (đổi 7/10) để có tiền lẻ rồi rải, bỏ khắp các ban, tay tượng, tứ linh, cây cối... trong chùa để cầu tài, lộc là việc không đáng làm. Vì đến với Đạo Phật là để học phương pháp sống an lành, hạnh phúc cho mình. Người dân cần nâng cao ý thức khi đi lễ chùa, hành động rải tiền lẻ khắp nơi không chỉ khiến ngôi chùa mất đi sự tôn nghiêm, thanh tịnh, mà còn gây mất an ninh, tạo điều kiện cho những đối tượng xấu trộm cắp. Khi lên chùa lễ Phật, người dân chỉ cần dâng cúng hương, nến và hoa quả tinh khiết.
Bùi Thị Hương Ly
(Học viện Báo chí và Tuyên truyền)