Toàn bộ tràn từ mép đê phía ngoài sông xuống đến chân đê phía trong đồng được đổ bê tông cốt thép với cao trình mặt tràn (Phần đổ bê tông) là + 4m; Phía mép ngoài sông trên mặt tràn là con trạch đất có cao trình + 4,9m. Đập tràn và cả tuyến đê cũng đã nhiều lần được tu sửa, nâng cấp đảm bảo năng lực chống lũ ngày càng tốt hơn …
Tuy nhiên, do sự biến đổi của khí hậu nên bão, gió, lũ lụt xuất hiện ngày càng nhiều với cường độ lớn vượt quá khả năng, năng lực phòng chống lũ của các công trình. Điển hình là vào mùa mưa bão năm 2007, từ ngày 29/10 đến ngày 3/11/2007 trên địa bàn và vùng phụ cận liên tục có mưa to đến rất to làm xuất hiện trận lũ lịch sử trên sông Hoàng Long với đỉnh lũ tại bến Đế lên tới + 5,15m, nước lũ vượt qua con trạch đất gây ngập úng kéo dài đến 3 tháng cho nhân dân vùng xả lũ, ảnh hưởng đến cuộc sống của 55.000 dân của 12 xã thuộc các huyện Nho Quan, Gia Viễn.
Mặc dù tỉnh, huyện, các cấp, các ngành đã huy động tới gần 3.000 người thuộc các lực lượng: Bộ đội, công an, thanh niên xung kích…tham gia chống tràn, giữ tràn. Nhưng, sức người vẫn thua với sức nước. Mùa mưa bão năm 2008, cũng vào thời điểm như trên, sông Hoàng Long lại xuất hiện một đợt lũ tương tự. Song, lần này với quyết tâm cao của tỉnh và các cấp, các ngành cùng sự tận tâm quả cảm, tích cực lăn xả của hàng ngàn con người, trong 3 ngày đêm, đập tràn đã được giữ vững, mực nước trên sông rút dần và con người đã chiến thắng "thủy thần"…
Việc giữ tràn hay xả tràn là một nghệ thuật trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Tỉnh: Giữ tràn khi các tuyến đê vùng hạ lưu không bị uy hiếp, không có nguy cơ bị vỡ; xả tràn phải đúng lúc, kịp thời nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại cho người dân vùng xã lũ và giải nguy cho các vùng liên quan. Như vậy, người dân vùng xả lũ Nho Quan, Gia Viễn trong nhiều năm qua đã chấp nhận sự thiệt thòi, khổ cực vì nhân dân vùng khác.
Hiện nay, với sự quan tâm đầu tư của Trung ương và Chính phủ cho các tuyến đê thuộc vùng đồng bằng Bắc bộ, thì năng lực và khả năng chống bão lũ của các tuyến đê được cải thiện rõ rệt. Để giảm thiểu những khó khăn cho người dân vùng xả lũ, hạn chế việc xả lũ tiến tới xóa bỏ vùng xả lũ, theo đề nghị của Tỉnh và các ngành chuyên môn, Chính phủ đã đồng ý cho tỉnh nâng cấp tràn Lạc Khoái theo hướng kiên cố hiện đại và cùng với nó là việc nâng cấp các tuyến đê Tả, Hữu Hoàng Long, nâng cấp đê Đức Long - Gia Tường - Lạc Vân.
Bám sát đề án được duyệt, ngay từ những tháng cuối năm 2008, UBND tỉnh đã chỉ đạo đơn vị thi công thực hiện một cách khẩn trương theo hướng kiên cố, hiện đại, đảm bảo cho tràn có khả năng chống được những cơn lũ dữ, lũ lớn.
Phần đập tràn phân lũ có tổng chiều dầi gần 117m, có 24 cửa điều tiết nước lũ được xây bằng bê tông cốt thép, các cửa điều tiết bằng van thép được đóng mở nhờ vít điện và quay tay. 24 cửa điều tiết có thể cắt lũ với lưu lượng 332 m3/giây. Cao trình đỉnh tràn phần cứng là + 4m, mặt tràn rộng 12,5 m. Cao trình đỉnh van điều tiết lên đến + 5,7 m (Cao hơn đỉnh lũ vừa qua gần 1m). Phần đập tràn sự cố dài 613 m, được sửa chữa nâng cấp lên cao trình 5,3 m và khi các tuyến đê Tả, Hữu Hoàng Long được nâng cấp theo thiết kế thì đỉnh van này được nâng lên 6,1 m.
Các đơn vị thi công cũng đã nâng cấp hàng chục km đê Hữu Hoàng Long, đê Đức Long - Gia Tường- Lạc Vân lên đủ cao trình chống lũ, đổ bê tông cải tạo mặt đê thành đường giao thông, đường cứu hộ, cứu nạn và phục vụ cho dân sinh.
Hiện đại hóa và kiên cố hóa đập tràn Lạc Khoái, cũng như việc nâng cấp các tuyến đê liên quan đã góp phần nâng cao khả năng chống lũ trên sông Hoàng Long của tỉnh, nhằm giảm thiểu việc xả lũ, phân lũ, chậm lũ cho nhân dân các huyện Nho Quan, Gia Viễn và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn việc phân lũ, xả lũ - điều mà người dân Ninh Bình nói chung và nhân dân vùng xả lũ, phân lũ nói riêng vẫn mong đợi.
Sự hiện đại hóa này còn giúp cho công tác PCLB của tỉnh đạt hiệu quả cao, nhất là trong việc giữ tràn, xả tràn mà không cần phải tốn nhiều công sức, mà những năm trước đó phải huy động tới hàng ngàn người tham gia khi có lũ về. Điều quan trong hơn cả là BCH PCLB Tỉnh, chủ động và kịp thời trong việc xử lý tràn khi có bão to, lũ lớn nhằm có được hiệu quả cao nhất.
Đinh Chúc