Thực trạng thị trường lao động hiện nay Được 12,5 điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, em Lê Văn Thanh, xã Khánh An (Yên Khánh) đã định đi học nghề tại một trường cao đẳng nghề trong tỉnh, tuy nhiên, khi có giấy báo nhập học của một trường đại học ở Bắc Giang, em lại được cha mẹ động viên nhập trường với suy nghĩ, học đại học vẫn "oách" hơn, còn việc làm tính sau, mà còn đến 4 năm nữa mới ra trường, chưa thể tính trước được điều gì…? Suy nghĩ phải cho con học đại học hiện nay vẫn còn tồn tại trong nhiều gia đình, ở nhiều bậc phụ huynh, nhất là vùng nông thôn còn nặng suy nghĩ học để thoát nghèo, không phải lao động chân tay.
Đối với Trần Thị Thu Hà, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình), tốt nghiệp đại học đã 3 năm nay nhưng em chưa có việc làm ổn định. Buồn hơn khi đi đăng ký tìm kiếm việc làm, sau nhiều lần kê khai có trình độ đại học nhưng không được tuyển dụng, em phải kê khai là tốt nghiệp THPT để được tuyển chọn làm nhân viên lễ tân cho một doanh nghiệp với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng. Hà cho biết, em thấy rất may là tìm được việc làm, tuy không đúng ngành nghề được đào tạo nhưng công việc không quá khó, lại ổn định, đặc biệt là được hưởng đầy đủ các chế độ BHXH, BHYT, BHTN theo quy định Luật Lao động; trong khi còn nhiều bạn học với em, ra trường cùng thời điểm đang phải "nhảy việc" khắp nơi.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện có hơn 1 triệu người, chiếm đến hơn 60% số sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học và thạc sĩ hàng năm ra trường chưa tìm được việc làm. Nguyên nhân là do các sinh viên ra trường chưa có kinh nghiệm thực tế, cơ hội tìm kiếm việc làm thấp, dẫn đến tình trạng thất nghiệp. Cùng với đó, sự chênh lệch giữa đào tạo và nhu cầu của thị trường cũng là một nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng lao động có trình độ chuyên môn cao nhưng lại thất nghiệp. Điều này cho thấy, công tác đào tạo các ngành nghề chưa sát với nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp hiện nay, nói chính xác hơn là tình trạng thừa thầy - thiếu thợ vẫn đang tiếp diễn.
Đối với tỉnh Ninh Bình, tình trạng này cũng không hiếm khi số lao động bị thất nghiệp có trình độ cao đẳng, đại học ngày càng có xu hướng tăng. Tìm hiểu tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) nhận thấy, hiện nay chỉ tiêu tuyển dụng cho các ngành lao động kỹ thuật chiếm từ 70- 80% trong tổng số chỉ tiêu. Mức lương khởi điểm của nhóm ngành nghề này cũng khá cao, từ 4-6 triệu đồng/người/tháng, chưa kể có những vị trí công việc lao động kỹ thuật cao, mức lương lên tới hàng chục triệu đồng/tháng, nhưng luôn thiếu lao động để tuyển dụng. Trong khi đó, nhóm có trình độ đại học thất nghiệp khá nhiều, lý do là do lĩnh vực chuyên môn được đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu thị trường, chủ yếu là ứng viên ngành xã hội; mức lương khởi điểm không như kỳ vọng của người tìm việc; tâm lý liên tục "nhảy việc" của người lao động do làm việc không đúng ngành nghề, năng lực chuyên môn chưa tương xứng với bằng cấp….
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó trưởng phòng Giao dịch tư vấn giới thiệu việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm cho biết: Trong 8 tháng đầu năm, Trung tâm đã tổ chức được 7 phiên giao dịch việc làm với hơn 100 doanh nghiệp tham gia. Số lao động đăng ký tuyển dụng là hơn 8.500 người, trong đó phần lớn yêu cầu lao động có tay nghề kỹ thuật với các ngành nghề như lái xe, lái máy xúc, máy ủi, kỹ thuật lắp ráp ôtô, linh kiện điện tử, kỹ thuật cắt may, công nhân may... Tại mỗi phiên giao dịch việc làm, số lao động có tay nghề như yêu cầu đến tuyển dụng các ngành nghề kỹ thuật hầu như được các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng hết, thậm chí "cung" không đủ "cầu".
Theo dự báo, từ nay đến năm 2020, nhóm ngành nghề cần tuyển dụng lao động nhiều vẫn là các ngành kỹ thuật, trong đó trọng tâm là thợ lắp ráp công nghệ cao và vận hành máy móc, thiết bị; các nhóm nghề làm văn phòng, lao động đơn giản sẽ giảm. Do vậy, để tránh tình trạng thừa thầy - thiếu thợ, công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh cần được quan tâm thực hiện hiệu quả hơn nữa. Theo thầy giáo Phạm Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề cơ điện, xây dựng Việt Xô, những năm gần đây, tỉnh Ninh Bình đã làm khá tốt công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp. Điển hình như Trường THPT Bình Minh, huyện Kim Sơn, mỗi năm có đến hàng trăm học sinh đăng ký vào học nghề tại trường. Sau 2-3 năm tốt nghiệp, các em đều được giới thiệu có việc làm ngay với mức lương thấp nhất 5 triệu đồng/người/tháng, có em phấn đấu được đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản với mức lương trên 20 triệu đồng/tháng.
Gắn đào tạo với nhu cầu thị trường
Trường Cao đẳng nghề cơ điện, xây dựng Việt Xô được cấp phép đào tạo 19 mã ngành, nhưng nhà trường luôn hoạch định để có chiến lược đào tạo các ngành cơ bản cung ứng cho thị trường lao động. Đặc biệt, để thực hiện hiệu quả công tác đào tạo gắn với sử dụng lao động, nhà trường tập trung vào 3 khâu đột phá, đó là vấn đề đội ngũ cán bộ, giáo viên; điều kiện về cơ sở vật chất và yếu tố môi trường học tập. Một mặt nhà trường tiếp tục khuyến khích giáo viên học tập, hoàn thiện về bằng cấp, chuẩn hóa về kiến thức, không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy. Đối với học sinh, vừa khuyến khích việc học tập, rèn luyện vừa đẩy mạnh việc quản lý chặt chẽ quá trình học tập, thi cử. Bên cạnh đó nhà trường tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho quá trình giảng dạy nhằm đảm bảo các kỹ năng về nghề cho học sinh, phát huy triệt để phương châm "Học đi đôi với hành".
Cô giáo Phan Thị Nhung, Trưởng phòng tuyển sinh, giới thiệu việc làm, hợp tác quốc tế - Trường Cao đẳng nghề cơ điện, xây dựng Việt Xô cho biết: Để thu hút đối tượng học sinh tham gia học nghề, Trường đã liên kết với các doanh nghiệp, tập đoàn tổ chức các buổi tư vấn việc làm cho học sinh, sinh viên. Cách làm này đã góp phần nâng cao tỷ lệ học sinh, sinh viên học các ngành, nghề kỹ thuật có việc làm sau khi tốt nghiệp lên đến 100%. Năm học mới 2016-2017, Trường Cao đẳng nghề cơ điện, xây dựng Việt Xô có kế hoạch tuyển sinh 2.100 học sinh, sinh viên với 19 ngành nghề đào tạo, trong đó trọng tâm vào 6 ngành nghề chính, bao gồm: Điện công nghiệp, công nghệ ô tô, cắt gọt kim loại, kỹ thuật xây dựng, hàn và vận hành máy thi công nghề (máy xúc, máy ủi); đồng thời xây dựng 6 nghề đào tạo này theo chuẩn trình độ quốc tế và khu vực. Đây cũng là những ngành nghề thế mạnh của trường, qua đó đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Cập nhật xu hướng đào tạo mới, từ năm học 2015-2016, Trường Đại học Hoa Lư đã triển khai mô hình đào tạo theo tín chỉ cho phép người học chủ động xây dựng kế hoạch học tập, phát huy tính tích cực tự lực và năng động của mỗi sinh viên. Theo đó, tất cả các chương trình đào tạo đã được định kỳ xây dựng lại và cập nhật theo hướng thực tiễn và hiệu quả. Cùng với việc chuyển đổi mô hình đào tạo, nhà trường cũng đã tiến hành đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên và phương pháp học của sinh viên. Cùng với đó nâng cao năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên bằng việc cử giảng viên đi học thạc sĩ, nghiên cứu sinh đối với các lĩnh vực chuyên môn mà nhà trường sẽ mở ngành đào tạo (các ngành này phù hợp với thực tế và xu hướng phát triển của Ninh Bình). Đồng thời tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc trang bị phương tiện, trang thiết bị trong phòng thí nghiệm, phòng thực hành để nâng cao năng lực thực hành, đáp ứng yêu cầu công việc của các doanh nghiệp, cơ quan tuyển dụng lao động và tạo điều kiện để sinh viên được thực hành nghề nghiệp, rèn luyện phương pháp giảng dạy.
Theo thầy giáo Nguyễn Mạnh Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Lư, nắm bắt xu thế phát triển kinh tế - xã hội, xu hướng sử dụng lao động hiện nay cũng như sự thay đổi trong việc lựa chọn và đăng ký ngành nghề để học tập của phụ huynh và học sinh, trong chiến lược phát triển của mình, giai đoạn 2016-2025, Trường Đại học Hoa Lư đã mở rộng ngành nghề đào tạo, trong đó đặc biệt quan tâm tới nhu cầu về sử dụng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, các thế mạnh về phát triển ngành nghề kinh tế của tỉnh để lựa chọn các ngành sẽ xin cấp phép đào tạo trong thời gian tới.
Cụ thể như năm học 2016-2017, căn cứ vào tình hình thực tế của nhà trường và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của tỉnh Ninh Bình, nhà trường tuyển sinh 1.100 chỉ tiêu, với 19 ngành, trong đó có 12 ngành trình độ đại học, 9 ngành trình độ cao đẳng. Cụ thể là: Khối ngành sư phạm: 510 chỉ tiêu; Khối ngành kinh tế, kinh doanh: 150 chỉ tiêu; Khối ngành khoa học, kỹ thuật: 50 chỉ tiêu; Khối ngành văn hóa, nhân văn: 90 chỉ tiêu. Tiến tới xin phép đào tạo mã ngành Tiếng Anh (trình độ đại học), ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành… để phù hợp với xu hướng phát triển và sử dụng nguồn nhân lực của xã hội. Trước mắt, ngay từ năm học 2016-2017, nhà trường chính thức đưa vào đào tạo hệ đại học chuyên ngành giáo dục tiểu học với 80 chỉ tiêu, đáp ứng nhu cầu thiếu giáo viên bậc tiểu học trên địa bàn tỉnh như hiện nay.
Từ thực tế đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh cho thấy, để tồn tại và phát triển, các trường cần phải có những thay đổi điều chỉnh các ngành, nghề đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Ngoài hoạch định chiến lược đào tạo dài hạn, cụ thể, các nhà trường cũng cần đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy cũng như đội ngũ cán bộ, giáo viên. Đồng thời, bên cạnh sự nỗ lực của các nhà trường và các ngành chức năng, các bậc phụ huynh và học sinh cần nâng cao nhận thức về việc lựa chọn ngành, nghề theo học, góp phần từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn, phục vụ hiệu quả cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh