"Tôi viết được mọi thứ, vì tôi được đào tạo thành nhà báo!"
- Ở VN có 1 luồng ý kiến cho rằng báo chí là năng lực bẩm sinh, chỉ có thể tự rèn luyện chứ không thể dạy được. Thực tế là có nhiều nhà báo nổi tiếng chưa hề được đào tạo qua trường lớp báo chí chính quy nào. Bà nghĩ thế nào về quan điểm này?
Ở Mỹ cũng tồn tại quan điểm tương tự.
Theo tôi, những người không được đào tạo chính quy có thể có năng lực làm báo nhưng họ hoàn toàn có thể mắc lỗi vì họ chưa được đào tạo. Những lỗi này có thể về luật pháp, đạo đức nghề nghiệp, kiểm chứng nguồn tin.
Họ có thể là người viết rất tốt. Họ đọc nhiều báo và đam mê công việc làm báo. Nhưng đôi khi họ không biết mình có thể vô tình rơi vào rắc rối vì thiếu hụt một số kiến thức nền bài bản. Vì thế, theo tôi, học báo chí một cách bài bản thực sự rất có lợi cho họ.
20 năm trước ở Mỹ có rất, rất ít chương trình báo chí nên số lượng người có bằng cũng ít hơn rất nhiều vì thế số lượng người làm báo được đào tạo bài bản ít là điều tất yếu.
Ngày nay, các trường ĐH mở thêm ngày càng nhiều chương trình đào tạo báo chí. Và thực tế là số lượng công việc lại ít hơn. Vì thế, đa phần những người làm báo hiện nay đều đã có bằng chính quy về báo chí.
- Ở Việt Nam còn có một tranh luận khá gay gắt khác về đào tạo báo chí là các nhà báo nên có một bằng chuyên ngành khác trước khi học báo. Có người còn ví những SV báo chí như "chuồn chuồn đạp nước", tức là cái gì cũng biết nhưng chẳng chuyên sâu về lĩnh vực nào. Bà có đồng tình với quan điểm này không?
Ở Mỹ cũng có những tranh luận gay gắt về vấn đề này. Đặc biệt là những biên tập viên lớn tuổi có xu hướng thích thuê phóng viên có chuyên môn trong các lĩnh vực khác hơn là báo chí. Nhưng tôi nghĩ, chỉ những người lớn tuổi mới có suy nghĩ như vậy bởi vì đa số họ đều không có bằng báo chí. (Cười)
Công bằng mà nói, một người có bằng tốt nghiệp ĐH chuyên ngành Quốc tế học có thể có kiến thức sâu hơn về chính trị. Nhưng SV tốt nghiệp báo chí, họ biết cách nghiên cứu về mọi lĩnh vực, biết cách tìm kiếm chuyên gia và đặt những câu hỏi sắc sảo để tìm kiếm thông tin.
Bản thân tôi khi là SV báo chí đã có công việc bán thời gian tại một tòa soạn với tư cách 1 phóng viên chuyên viết về nghiên cứu nông nghiệp. Ông chủ báo tỏ ra khá lo lắng khi thuê tôi vì trước kia tòa soạn chỉ thuê những người có chuyên môn về nông nghiệp phụ trách mảng này. Khi ấy tôi đã nói như đinh đóng cột rằng: "Tôi có thể viết về mọi thứ bởi vì tôi được đào tạo để trở thành nhà báo!" Một năm sau đó, ông ta nói với tôi rằng tôi là phóng viên giỏi nhất mà ông ta đã từng thuê.
Tôi không nghĩ rằng một chuyên gia nông nghiệp biết cách đặt câu hỏi phỏng vấn và họ cũng chẳng biết phải đưa thông tin gì về nghiên cứu mới nhất, về nâng cao năng suất lên mặt báo. Nhưng tôi là SV báo chí, tôi biết phải hỏi các chuyên gia điều gì và "dịch" nó từ ngôn ngữ khoa học sang ngôn ngữ phổ thông để độc giả phổ thông có thể hiểu. Khắt khe để có sản phẩm hoàn hảo - Vậy đâu là phương pháp mà Trường Báo chí và Truyền thông, ĐH Florida của bà đã áp dụng để rèn luyện cho SV khả năng có thể "chinh chiến" trên mọi mặt trận như vậy? Phương pháp cơ bản nhất là chúng tôi yêu cầu SV phải làm những công việc y như họ sẽ làm thật tại tòa soạn sau khi tốt nghiệp. Họ phải lao vào cuộc sống, tìm tòi đề tài và viết bài. Có thể hôm nay họ được giao đề tài, thâm nhập thực tế, phỏng vấn người dân, viết bài và nộp vào hôm sau. Với báo chí trực tuyến, SV phải biết xây dựng website riêng. | Bà Melinda McAdams là GS ngành Báo chí trực tuyến của Trường Báo chí và Truyền thông, ĐH Florida, Mỹ từ năm 1999. Bà từng tốt nghiệp ĐH Pennsylvania và có bằng thạc sỹ Trường Nghiên cứu Xã hội New York. Bà từng là chiến lược gia phát triển web tại Viện Báo chí Mỹ, nhà thiết kế và tư vấn báo chí trực tuyến ở Bắc Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Bà cũng là người phát triển nội dung đầu tiên cho Digital Ink, phiên bản trực tuyến đầu tiên của The Washington Post. Bà đã làm việc 11 năm với tư cách là biên tập viên của The Washington Post, tạp chí Time, và Công ty Xuất bản Dell. GS McAdams là tác giả của cuốn Flash Journalism: How to Create Multimedia News Packages, đồng tác giả cuốn The Internet Handbook for Writers, Researchers and Journalists. Năm 1998, bà được xếp thứ 15 trong danh sách 50 tên tuổi nhà báo nổi tiếng trong lĩnh vực báo chí trực tuyến. |
Nhìn chung mọi môn học, ngoại trừ luật pháp và đạo đức, các SV đều phải làm những bài tập thực hành thực sự.
Giảng viên của chúng tôi không ngừng hỏi SV: "Có điều gì mới trong tin của bạn?" Như vậy, trước hết SV phải tìm được 1 đề tài có thật và mới mẻ. Sau đó phải lao vào cuộc sống để tìm tư liệu.
Nếu họ không tìm được nguồn tin tốt hay bài viết vẫn còn những dấu hỏi chưa trả lời hoặc chưa hoàn thành bài thì đều mất điểm.
Bởi vì đa số giảng viên của chúng tôi đều có nhiều năm kinh nghiệm làm báo thực tế nên họ có thể chấm điểm các bài tập thực hành của SV rất chính xác theo đúng tiêu chuẩn của 1 tòa soạn.
Thông thường chúng tôi mất khoảng 1 năm để đào tạo 1 SV viết bài cơ bản tốt bởi vì ban đầu SV viết báo giống hệt như viết bài luận tiếng Anh.
Mỗi lỗi sai về thông tin trong các bài viết đều bị trừ 50% số điểm. Nhiều SV còn bị cả điểm âm nếu mắc quá 2 lỗi trong 1 bài. Theo hệ thống điểm của chúng tôi thì nếu SV bị dưới 60% điểm là bị trượt môn.
Giảng viên đánh giá SV rất khắt khe bởi chúng tôi luôn nhấn mạnh với họ rằng khi đi làm thực sự, các sản phẩm của họ phải hoàn hảo.
- SV báo chí ở Mỹ có thường cộng tác với các tòa soạn không?
Không thường xuyên lắm mà thường thông qua các kỳ thực tập. Khi vào kỳ thực tập, họ làm việc như những nhà báo thực sự. Vì thế, trường tôi khuyến khích nhưng không bắt buộc SV tham gia ít nhất 1 kỳ thực tập.
Năm học này, trường tôi đã thành lập 1 ủy ban gồm 4 giáo sư, trong đó có tôi, để tranh luận về vấn đề liệu có nên bắt buộc SV thực tập không.
Nếu bắt buộc, có thể chất lượng chung của SV trường sẽ tăng lên vì những SV không có khả năng hoặc không thực sự đam mê sẽ bỏ cuộc.
Nhưng các SV không thích ứng được với môi trường làm việc ở các tòa soạn thì các bạn bè, đối tác tại tòa báo sẽ "nổi điên" với chúng tôi.
Cuối cùng, chúng tôi đi đến kết luận là vẫn tiếp tục khuyến khích SV tham gia ít nhất 1 kỳ thực tập mà không bắt buộc. Nhưng các giảng viên cũng không ngừng nhắc SV rằng nếu không đi thực tập sẽ rất khó kiếm việc làm.
Ở một số trường báo chí khác, việc thực tập đối với SV là bắt buộc nhưng cũng có những trường duy trì chính sách giống chúng tôi.
Giảng viên, SV, tòa soạn cùng xây dựng chương trình
SV Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hành tác nghiệp thực tế tại một hội thảo.
- Trường Báo chí và Truyền thông của ĐH Florida có mối quan hệ mật thiết với các cơ quan báo chí bên ngoài không, thưa GS?
Chúng tôi không đặt quan hệ chính thức nhưng mỗi giảng viên trong trường lại có những mối quan hệ cá nhân riêng với các tòa soạn. Vì thế, sự hợp tác có thể coi là riêng rẽ và chúng tôi giúp đỡ SV thông qua các mối quan hệ của mình.
Chẳng hạn tôi quen thân với nhiều biên tập viên, phóng viên báo chí trực tuyến. Mỗi khi cần tìm người họ đều nhờ tôi giới thiệu các SV giỏi.
- Bà nói rằng đa số các giảng viên ở trường mình đều có nhiều kinh nghiệm thực tế. Theo tôi được biết thì ở Mỹ, các giảng viên ĐH thường phải có bằng tiến sỹ. Việc tìm được một giảng viên vừa giàu kinh nghiệm, vừa là tiến sỹ có phải là một việc khó khăn với các trường?
Đúng vậy. Báo chí là một ngành thiên về thực hành hơn là lý thuyết. Vì thế tôi cho rằng yêu cầu giảng viên phải là tiến sỹ không thực sự cần thiết. Quan trọng hơn là họ phải có nhiều kinh nghiệm làm việc trong nghề.
Ở một số trường, để đáp ứng yêu cầu về số lượng giảng viên là tiến sỹ do cơ quan quản lý giáo dục quy định, họ mời cả những người không có chuyên môn về báo chí làm giảng viên, như là tiến sỹ ngôn ngữ chẳng hạn.
SV không hề thích các giảng viên tiến sỹ thiếu thực tế chút nào. Họ nhận ra ngay những điều được dạy chỉ là trong sách vở.
- Thực tiễn báo chí thay đổi rất nhanh chóng theo sự biến động của cuộc sống. Vậy chương trình, giáo trình của Trường Báo chí, ĐH Florida có thường xuyên được cập nhật để bắt kịp sự thay đổi này không?
Tất nhiên là có. Chúng tôi thành lập các hội đồng thảo luận. Trước hết các thành viên hội đồng sẽ lấy ý kiến từ tất cả các giảng viên và sau đó chúng tôi thảo luận những kiến thức và kỹ năng mà SV cần có khi tốt nghiệp. Chúng tôi cũng cố gắng đưa ra một danh sách các môn học mới và xem xét liệu nguồn lực hiện nay có đủ để chúng tôi triển khai hay không.
Bên cạnh đó, hội đồng cũng gửi phiếu thăm dò tới các giảng viên và SV năm cuối. Chúng tôi hỏi họ về yêu cầu đối với từng môn học, liệu họ có muốn thay đổi gì không và thay đổi cách nào.
Với các nhà tuyển dụng, mỗi năm chúng tôi tổ chức 2 buổi hội thảo lấy ý kiến từ các tòa soạn báo. Họ chia sẻ rất nhiệt tình về những vấn đề của thực tiễn báo chí và đặt ra các yêu cầu với các SV của chúng tôi.
- Xin cảm ơn GS!
Theo Vietnamnet