Phóng viên (P.V): Cơ duyên nào đã đưa anh gắn bó với nghiệp thầy thuốc? Bác sỹ Trần Văn Phú: Năm 1976 tôi nhập ngũ phục vụ trong Quân đội, là người lính chỉ mong hoàn thành nhiệm vụ, chưa có khái niệm gì về định hướng cho tương lai. Khoảng năm thứ 2 tại quân ngũ, tôi được đơn vị cử đi học lớp Y tá trung cấp. Trong thời gian đó, tôi càng học càng thấy thích nghề Y và mơ ước trở thành bác sỹ của tôi bắt đầu từ đây. Xuất ngũ, tôi luyện thi vào Đại học Y Hà Nội và trúng tuyển vào trường khóa 1982 - 1988. Tốt nghiệp Đại học, tôi xin về công tác tại huyện và từ đó đến nay vẫn gắn bó với quê hương.
Những ngày đầu đi làm không thể kể hết những khó khăn, thiếu thốn. Đó là vào cuối năm 1989, đang thời bao cấp, cán bộ y tế nghèo lắm, thậm chí có người còn đói. Bệnh viện từ khu vực văn phòng cho đến các buồng bệnh đều là nhà cấp 4 cũ, trang thiết bị y tế thì ngoài ống nghe, máy đo huyết áp, nhiệt kế chẳng có gì đáng kể, nước thì dùng nước giếng khơi, điện lúc có, lúc không, chủ yếu dùng đèn dầu, có nhiều hôm phải dùng đèn dầu lấy ánh sáng để mổ cấp cứu cho bệnh nhân; dây truyền, bơm kim tiêm thì luộc đi, luộc lại bằng bếp củi. Nhưng với tình yêu nghề, tâm huyết với nghề, bằng lương tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc đã giúp tôi cùng các đồng nghiệp vượt qua những khó khăn, thiếu thốn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nghĩ lại những chặng đường đã qua, bản thân tôi cũng như các thế hệ thầy thuốc Kim Sơn qua các thời kỳ luôn tự hào rằng bằng tâm huyết của mình đã kế tiếp nhau xây dựng và phát triển nền y tế huyện nhà theo hướng tích cực, không ngừng phát triển, phần nào đáp ứng được nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong tình hình mới.
P.V: Đã nhiều năm gắn bó với y tế tuyến huyện, hẳn bác sỹ có nhiều kỷ niệm với các bệnh nhân nơi vùng ven biển Kim Sơn?
Bác sỹ Trần Văn Phú: Gần 30 năm gắn bó với nghề, lại trực tiếp khám, điều trị cho hàng chục nghìn lượt bệnh nhân với các ngành nghề, đặc thù khác nhau nên việc bác sỹ khó nhớ hết bệnh nhân cũng là lẽ thường tình. Đặc thù vùng ven biển Kim Sơn, người dân sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản nên đời sống kinh tế của một bộ phận người dân còn khó khăn. Chính vì vậy, mỗi khi tiếp xúc với các bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, sau khi khám, tư vấn cho họ về cách phòng, chống bệnh, chế độ dinh dưỡng… để điều trị bệnh, tôi thấy nhiều người khá băn khoăn.
Qua tìm hiểu, tôi nhận ra rằng ở vùng ven biển khó khăn này, do đời sống còn thiếu thốn nên người dân chỉ khi bệnh nặng mới tìm đến bệnh viện. Do đó, với người thầy thuốc, phải thực sự hiểu, đặt mình vào hoàn cảnh của bệnh nhân thì mới có thể có sự thông cảm, chia sẻ với họ. Trong suốt quá trình công tác của mình, tôi luôn tích cực học tập từ các đồng nghiệp đi trước, tự học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, thường xuyên trau dồi y đức… để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Công tác nhiều năm ở chuyên khoa Gây mê hồi sức- hồi sức tích cực của Bệnh viện đa khoa Kim Sơn nên kỷ niệm về các bệnh nhân nơi đây cũng nhiều. Nhưng vui nhất là những lần đi dự tiệc cưới, ngày vui của bạn bè, người thân, có nhiều người phấn khởi chạy đến bắt tay, trò chuyện, giới thiệu với những người xung quanh về việc được bác sỹ khám, điều trị khỏi bệnh như thế nào. Những câu nói "cảm ơn bác sỹ", "nhờ có bác sỹ đấy", "không có bác sỹ thì…" thực sự là những món quà vô giá mà người thầy thuốc nào cũng mong được đón nhận.
Đặc biệt, có lần tôi đi dự đám cưới con anh bạn ở xã bãi ngang, bỗng có một phụ nữ trung tuổi dẫn theo một cô thiếu nữ đến chào và giới thiệu với mọi người xung quanh: "Công của bác đấy, không có bác thì sao cháu được như ngày hôm nay…". Hỏi chuyện mới nhớ đây là cô bé hồi 2 tuổi bị bệnh nặng, do được đưa đến Bệnh viện cứu chữa kịp thời nên đã khỏi bệnh. Cảm kích trước tấm lòng và trách nhiệm của các bác sỹ đã chữa bệnh cho mình, gia đình cô hướng con gái học giỏi để theo nghiệp thầy thuốc. Nay cô đã là sinh viên năm thứ 2 Đại học Y Bắc Thái.
P.V: Theo bác sỹ, cần phải làm gì để thu hút được các bác sỹ trẻ về công tác tại tuyến y tế cơ sở?
Bác sỹ Trần Văn Phú: Ngay tại Bệnh viện đa khoa Kim Sơn, đã có những lứa bác sỹ trẻ ra trường và về nhận công tác. Với sự dìu dắt, giúp đỡ của đồng nghiệp đi trước, các bác sỹ trẻ đã nhanh chóng nắm bắt được công việc, nhiệt tình, trách nhiệm với nghề. Tôi nhận thấy, so với thời trẻ của thế hệ chúng tôi, các bác sỹ trẻ ngày nay thuận lợi nhiều trong chuyên môn vì cơ sở vật chất của Bệnh viện đang từng bước được đầu tư, đổi mới, nhiều trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh là điều kiện thuận lợi để các bác sỹ trẻ được trau dồi về chuyên môn, nghiệp vụ.
Tuy nhiên, không chỉ riêng Bệnh viện đa khoa Kim Sơn, mà tại các bệnh viện tuyến huyện, y tế tuyến cơ sở những năm qua chưa thu hút được nhiều bác sỹ trẻ về công tác. Hầu như sau khi ra trường, bác sỹ trẻ nào cũng có mong muốn về các bệnh viện lớn, về các công ty dược phẩm có mức thu nhập cao…Nên việc thu hút bác sỹ về cơ sở công tác, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, xa còn khó khăn. Theo tôi, để giải quyết thực trạng này, Nhà nước cần ban hành chính sách cụ thể hơn nữa, phải xác định tuyến y tế cơ sở là vùng đặc biệt khó khăn về nguồn nhân lực, có các chính sách để chủ động phân công công tác các bác sỹ trẻ về tuyến y tế cơ sở, xem đây là nghĩa vụ có thời hạn của mỗi bác sỹ và là tiêu chí cần phải có của mỗi sinh viên trường y sau quá trình được học tập, đào tạo.
P.V: Xin cảm ơn bác sỹ về cuộc trò chuyện!
Phan Hiếu (Thực hiện)