Là tình nguyện viên cao tuổi nhất, song bác Trần Mai Thanh vẫn có mặt tại Chi hội Gia đình trẻ bại não ở thôn Tràng An, xã Trường Yên (huyện Hoa Lư) từ rất sớm. Bác Thanh cùng các tình nguyện viên trong CLB thiện nguyện Tâm Đức cẩn thận chuẩn bị từng phần quà, bày biện từng đĩa bánh để chuẩn bị đón những vị khách đặc biệt về dự Chương trình vui Tết Trung thu. Gần 8 giờ sáng, các vị khách lần lượt được đưa đến, đó là hàng trăm trẻ em bị bại não, đến từ những nơi rất xa như Nho Quan, Yên Mô, Yên Khánh…
Chị Bùi Thị Thương, xã Xích Thổ (huyện Nho Quan) thuê hẳn một chuyến xe để đưa cậu con trai 4 tuổi về dự Chương trình vui Tết Trung thu do Hội Chữ thập đỏ và các tình nguyện viên của 8 đơn vị tài trợ tổ chức.
Chị Thương chia sẻ: Tôi lập gia đình từ rất sớm nhưng phải 6 năm sau ngày cưới tôi mới có đứa con đầu tiên, nhưng cháu đã mất vì bệnh trọng. 4 năm sau đó, bao mong mỏi, chờ đợi của cả gia đình được đền đáp bằng một cậu con trai bụ bẫm, song lại bị bại não. Đứa trẻ ấy giờ đã lên 4 tuổi nhưng cũng chỉ nằm một chỗ, hạnh phúc của tôi chỉ là thấy con biết lẫy, biết lật. Trung thu là ngày tết của thiếu nhi nhưng đứa bé này không có ý thức để đòi hỏi một món đồ chơi, một bộ quần áo mới như các bạn. Tôi cũng chưa từng cho con đi vui Tết Trung thu ở quê vì tôi sợ cháu bị nhiều người hiếu kỳ nhìn ngó. Hôm nay, được Hội cha mẹ trẻ bại não thông báo tổ chức chương trình cho các cháu, dù đường xa và khá tốn kém khi phải thuê xe xuống đây, song tôi rất vui. Con cũng không thể xem và không thể hiểu từng tiết mục văn nghệ được biểu diễn song tôi tin rằng, tận thẳm sâu ý thức, cháu vẫn cảm nhận được tình cảm của cộng đồng dành cho cháu.
Con gái 18 tuổi là chừng ấy năm chị Lê Thị Ngọc Lan, xã Khánh Công (huyện Yên Khánh) nuốt nước mắt vào trong để chăm sóc cho con từng ngày. Cô con gái đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời người nhưng đang trong hình hài của một đứa trẻ lên ba, đi còn không vững. Chị Lan bảo rằng, nhìn con thì đau xót lắm nhưng nếu mình không vững vàng, không vượt lên thì lấy ai làm chỗ dựa cho con.
"Đây cũng là lần đầu tiên tôi đưa con đi chơi xa thế. Đến đây được gặp gỡ, chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ, được sự động viên của những nhà hảo tâm, tôi thấy cuộc sống tươi đẹp hơn. Cuộc hành trình gian khó của mẹ con tôi còn rất dài nhưng tôi sẽ không cảm thấy đơn độc nữa. Chúng tôi luôn có nhiều người ở bên"- chị Lan xúc động nói.
Những câu chuyện về mảnh đời của những đứa trẻ bất hạnh ấy khiến cả hội trường lặng đi trong niềm xúc động. Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, thành viên CLB thiện nguyện Tâm Đức cho biết: CLB thiện nguyện hoạt động gần chục năm, kết nối được những tấm lòng hảo tâm để cùng chung tay chia sẻ, hỗ trợ cho nhiều mảnh đời bất hạnh.
Trong các đối tượng kết nối, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến trẻ em vùng nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để có sự hỗ trợ phù hợp, thực sự tạo "lực đẩy" để con trẻ vươn lên xây dựng cuộc sống tốt hơn. Nhưng hôm nay, đối tượng của chúng tôi rất đặc biệt, các cháu dường như không thể biểu hiện được niềm vui khi được chia sẻ những yêu thương này. Hành trình của các gia đình, của các em bé bị bại não còn rất dài, chúng tôi sẽ luôn sát cánh động viên, kết nối và lan tỏa nhiều việc làm thiết thực vì cháu hơn nữa.
Cùng tham gia tích cực vào chương trình vui Tết Trung thu cho trẻ em bại não là các đoàn viên thanh niên của Công an tỉnh. Chị Thanh Hương, Bí thư chi đoàn Phòng Hồ sơ chia sẻ: Trong các hoạt động của tuổi trẻ Công an tỉnh, chúng tôi luôn lựa chọn những phần việc hướng về cộng đồng, hướng về các đối tượng yếu thế. Nhân dịp Tết Trung thu, chúng tôi xin được đóng góp một chút kinh phí để hỗ trợ tổ chức chương trình cho các cháu bị bại não. Những món quà ấy tuy không nhiều, song thể hiện được tình cảm, sự sẻ chia của tuổi trẻ Công an tỉnh.
Ông Phạm Hữu Chính, Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh Ninh Bình cho biết: Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có khoảng 24 nghìn người khuyết tật, chiếm 3,1% dân số. Đa số người khuyết tật phải sống dựa vào sự chăm sóc và hỗ trợ về kinh tế của gia đình. Bởi thế, phần nhiều các gia đình có thành viên là người khuyết tật có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn.
Những năm qua, cùng với nỗ lực vượt khó của bản thân, những người khuyết tật còn nhận được sự quan tâm, chia sẻ của nhiều tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm. Sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực ấy thực sự là nguồn động viên quý giá để người khuyết tật vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Đặc biệt, những việc làm ý nghĩa của các nhà hảo tâm còn tạo hiệu ứng lan tỏa rộng khắp, trở thành nét đẹp thể hiện tinh thần "tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách" của dân tộc. Một hành động đẹp được nhân lên sẽ giúp cuộc sống của cộng đồng càng thêm ý nghĩa và ngập tràn yêu thương.
Đào Hằng - Minh Quang