Nguyễn Tử Ngôn - Từ vị quan Bang biện hiếu thảo…
Cụ Nguyễn Tử Tương (tên húy là Nguyễn Tử Ngôn, 1843 - 1898) là hậu duệ đời 7 Hệ 7, họ Nguyễn Tử ở làng Thư Điền, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình. Cụ là con trai cụ án Nguyễn Tử Hanh, đỗ 2 lần tú tài khoa Đinh Mão (1867) và Mậu Thìn (1868) nên gọi là cụ Tú Kép.
Do có tài có đức, Nguyễn Tử Tương được Triều đình mời ra làm quan, lúc đầu giữ chức Bang biện Sơn phòng thuộc tỉnh Thanh Hóa; sau được đề bạt làm Thương biện Tỉnh vụ, nên con cháu hay gọi tắt là cụ Bang Tương, hay cụ Bang.
Tuy làm quan hàng tỉnh, nhưng trong gia đình cụ luôn giữ bổn phận là người con, người cháu hiếu thảo. Sau khi cha mất, cụ thay cha phụng dưỡng bà Tổ mẫu lúc đó đã già yếu lắm. Một đêm mọi người còn đang yên ngủ thì ngôi nhà 5 gian mái rạ chẳng may bị bốc cháy. Trong khói lửa mịt mù, những người trong nhà đều tự thoát ra ngoài được, duy còn một mình cụ với bà nội còn đang lúng túng trong vòng vây lửa. Ai nấy hoảng hốt, kêu la trong tuyệt vọng; thì bỗng đột ngột thấy cụ cõng bà nội vọt qua vòng lửa thoát ra ngoài an toàn.
Để biểu dương gương hiếu thảo của cụ, triều đình nhà Nguyễn đã ban cho cụ 2 chữ "Thuận Tôn" (tức cháu hiếu thảo), chữ khắc trên bảng gỗ, sơn son thếp vàng, kèm theo 30 vuông lụa và một số quan tiền. Đối với quốc sự, khi Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta, cụ là bậc khoa bảng có tinh thần yêu nước, không chịu hợp tác với quân Pháp nên lấy cớ phụng dưỡng mẹ già, cụ đã từ quan về ở ẩn tại làng Thư Điền quê nhà.
… đến Tán tương quân vụ của phong trào Cần Vương ở trấn Sơn Nam
Nguyễn Tử Tương đã được vị Thượng thư kiêm Hiệp thống Bắc kỳ Quân vụ Nguyễn Quang Bích hết sức tin tưởng và giao phó trọng trách tổ chức nghĩa quân ở trấn Sơn Nam, hưởng ứng hịch Cần Vương giúp vua chống Pháp. Vào thời kỳ đó, trấn Sơn Nam bao gồm vùng Ninh Bình và Nam Định ngày nay.
Cụ Nguyễn Tử Tương (tức Bang Tương) đã chiêu tập nghĩa binh, mua sắm vũ khí, hoạt động chống giặc. Nghĩa quân do cụ lãnh đạo đã nhiều phen làm cho địch ăn không ngon, ngủ không yên. Có lần nghĩa quân Bang Tương đã kéo vào phủ Yên Khánh, triệt hạ phủ đường rồi rút về căn cứ.
Khi vua Hàm Nghi bị bắt, Nhà vua đã chỉ vào mặt tên phản nghịch Trương Quang Ngọc mà nói rằng: "Mi giết ta đi còn hơn là mi mang ta ra nộp cho Tây". Không khuất phục được Hàm Nghi, tháng 12-1888 thực dân Pháp đã lưu đầy nhà vua sang xứ Angiêri. Tinh thần bất khuất ấy của vị quân vương trẻ cũng trào dâng trong huyết quản của các sĩ phu Bắc kỳ, trong đó có Nguyễn Tử Tương, người thủ lĩnh nghĩa quân trấn Sơn Nam.
Trong khi đàn áp nghĩa quân Sơn Nam, quân Pháp dùng mưu kế bắt được Bang Tương giam vào ngục thất. Chúng cho tay sai dụ dỗ cụ đầu hàng, nếu chịu xuất thú thì sẽ lại được làm quan, gia đình sẽ được vinh hoa, vợ con sẽ được phú quý. Nhưng cụ nhất mực khước từ, không chịu hợp tác với giặc để hại dân, hại nước. Biết mình không thể thoát khỏi nanh vuốt của kẻ thù, đêm ngày 16 tháng 10 năm Mậu Tuất (1898), cụ đã tử tiết tại nhà lao Ninh Bình, khi đó mới 55 tuổi.
Thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Tử Tương đã được ghi vào lịch sử địa phương, được nhắc đến trong Lịch sử Đảng bộ huyện Gia Khánh (nay là huyện Hoa Lư) và Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản tỉnh Ninh Bình.
Nguyễn Tử Siêm