Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Bí thư Đảng ủy xã Kim Đông cho biết: Ngoài công tác quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện, Đảng ủy, UBND xã Kim Đông đã kịp thời cụ thể hóa Nghị quyết bằng các chương trình cụ thể, đã ban hành 12 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Quá trình triển khai, Đảng bộ xã đã chú trọng gắn với thực hiện các Nghị quyết của tỉnh về phát triển kinh tế ven biển, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao; Nghị quyết của Huyện ủy Kim Sơn về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thông qua việc quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các văn bản nêu trên đã tạo được sự đồng thuận và nhất trí cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong xã.
Cũng theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Kim Đông, sự chuyển biến tích cực trong xây dựng nông nghiệp, nông dân và nông thôn là cả quá trình phấn đấu bền bỉ, vận dụng sáng tạo những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào tình hình thực tế ở địa phương. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Kim Đông nhớ lại: Những năm mới thành lập, nông dân trong xã chủ yếu trồng cói. Nhưng chỉ được 1 vụ mùa, còn vụ đông xuân đất đai hầu như bỏ hoang, năng suất cói, lúa thấp dẫn đến đời sống của nhân dân vô cùng khó khăn. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng thấp kém, hầu như chưa được đầu tư gì. Trước tình hình trên, Đảng ủy, UBND xã đã đề ra chủ trương chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng cói, lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Chủ trương này được đưa ra lấy ý kiến và nhận được sự hưởng ứng đồng tình của các tầng lớp nhân dân trong xã, sau đó đã được tỉnh, huyện phê duyệt việc chuyển đổi. Do đó từ năm 2000-2005, Kim Đông đã chuyển đổi trên 1.100 mẫu đất trồng lúa, cói kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Điều đáng chú ý là toàn bộ kinh phí quy hoạch kênh mương, thủy lợi, dồn thửa do nhân dân đóng góp với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Ngoài ra, nhân dân còn tự đầu tư kinh phí đào ao, đầm để chuyển đổi từ trồng cói, lúa, sang thủy sản; nếu như ban đầu mỗi hộ dân có từ 2-4 thửa, sau chuyển đổi chỉ còn 1 thửa.
Nét nổi bật trong thực hiện Nghị quyết 26 là các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân đã vào cuộc một cách tích cực, làm thay đổi dần tập quán sản xuất, bỏ được tính ỷ nại, dựa vào cấp trên, đổi mới trong sản xuất nuôi trồng thủy sản, mạnh dạn đầu tư kinh phí, khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Từ năm 2008 đến nay, tình hình sản xuất nuôi trồng thủy sản ở xã Kim Đông phát triển khá nhanh với sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng qua các năm. Năm 2017, tổng sản lượng thủy sản của Kim Đông đạt trên 2.600 tấn, tăng 3,6 lần so với năm 2008; giá trị thu nhập trên 1ha đất canh tác năm 2017 đạt trên 120 triệu đồng/ha/năm, thu nhập bình quân đầu người của Kim Đông năm 2017 đạt trên 33 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, hiện nay nông dân Kim Đông đã chuyển đổi từ nuôi độc canh 1 con nuôi sang nuôi đa con và kết hợp nuôi xen canh với các mô hình như tôm sú xen cá rô phi đơn tính, tôm sú xen cua càng xanh và nhiều mô hình nuôi mới được được đưa vào nuôi khảo nghiệm như mô hình nuôi cá bống bớp, cá vược, cá mú... Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ dân đã chuyển đổi ao nuôi từ ao chìm sang ao nổi, áp dụng công nghệ cao để sản xuất với mô hình khép kín về quy trình nuôi thả cũng như đảm bảo môi trường sinh thái, góp phần đưa nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững.
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, vai trò, vị thế của người nông dân Kim Đông ngày càng được khẳng định, quyền làm chủ về kinh tế, chính trị, văn hóa... của nông dân được phát huy. Đặc biệt, trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông dân được trực tiếp tham gia góp ý, phản biện quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới; được bàn bạc lựa chọn nội dung, công việc cần ưu tiên, quyết định hình thức tổ chức thực hiện và mức độ đóng góp; tham gia kiểm tra, giám sát quá trình triển khai... Do vậy, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã đã đạt được kết quả tích cực. Năm 2014, Kim Đông là một trong 2 xã đầu tiên của huyện Kim Sơn đạt chuẩn nông thôn mới về trước 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Kim Đông khóa III, nhiệm kỳ 2010- 2015 đề ra.
Hiện nay, hạ tầng của Kim Đông được đầu tư đồng bộ là một trong những xã đầu tiên hoàn thành quy hoạch tổng thể của xã, hoàn thành cắm mốc quy hoạch. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp, tạo ra diện mạo mới ở địa phương. Trong 10 năm qua, hệ thống thủy lợi ở Kim Đông được tập trung cải tạo, nâng cấp đến nay cơ bản đủ năng lực phòng, chống thiên tai, sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu tưới tiêu, phục vụ sản xuất, dân sinh. Đến nay, 100% đường giao thông nông thôn, giao thông đồng ruộng của xã đã được bê tông hóa đảm bảo đạt chuẩn nông thôn mới với trên 14,61km, góp phần phát triển kinh tế-xã hội cũng như sản xuất của nhân dân.
"Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 26 đã giúp Đảng ủy, UBND xã nhận ra một điều, khi có chủ trương đúng, cách làm công khai, minh bạch sẽ nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Từ năm 2008 đến nay, nhân dân đã hiến trên 20.000 m2 đất với tổng trị giá trên 2,3 tỷ đồng. Ngoài ra, nhân dân còn đóng góp hàng nghìn ngày công lao động để tham gia vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã phấn đấu hoàn thành mục tiêu đưa Kim Đông trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu"- đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Kim Đông khẳng định.
Mai Lan