Ngược dòng lịch sử, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, phong trào đấu tranh cách mạng ở xã Gia Vân đã diễn ra khá sôi nổi. Các cơ sở của Việt Minh được thành lập, tăng cường tuyên truyền giác ngộ, vận động quần chúng tham gia cách mạng, mở rộng thành lập các tổ chức cứu quốc, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Phong trào phá kho thóc của giặc cứu đói cho dân đã có tác động mạnh đến cuộc vận động cách mạng, tạo khí thế chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở trong vùng. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, người dân trong xã phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh. Trưởng thành từ phong trào đấu tranh cách mạng, tháng 8/1947 chi bộ Vân Trung Lãng (tiền thân của Đảng bộ xã Gia Vân ngày nay) được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng, trải qua các giai đoạn cách mạng, các nhiệm vụ chính trị của địa phương được thực hiện thắng lợi. Năm 1960, Tỉnh ủy quyết định thành lập Đảng bộ xã Gia Vân với 131 đảng viên thuộc 4 chi bộ - sự kiện đã đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh của tổ chức đảng nơi đây. ở giai đoạn cách mạng nào, Đảng bộ luôn nêu cao vai trò lãnh đạo, thường xuyên quán triệt thực hiện nghiêm túc và triệt để các chỉ thị, nghị quyết, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vận dụng phù hợp, sáng tạo vào tình hình cụ thể của địa phương, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Kế thừa và phát huy những thành tựu trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng bộ xã Gia Vân đã ra các nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Tiêu biểu như giai đoạn 1986- 1994 Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, thu được những kết quả quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực; nhiệm kỳ 1995- 2000 với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế sản xuất nông nghiệp sang phát triển du lịch, dịch vụ đã tạo những đột phá mới cho kinh tế xã nhà; nhiệm kỳ 2015- 2020 đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ… Đặc biệt, trong lãnh đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ nên đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Với các chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của cấp ủy, chính quyền đã góp phần làm cho diện mạo nông thôn Gia Vân có bước phát triển mạnh mẽ. Dự kiến năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 2,92%, hộ cận nghèo còn 2,97%, thu nhập bình quân đầu người đạt 31,5 triệu đồng/năm, tăng trên 18,5 lần so với năm 1995, 100% hộ dân sử dụng xe máy, điện thoại, ti vi, nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh; 5/7 thôn được công nhận là làng văn hóa; 85,42% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa… Hiện, trên địa bàn xã có 9 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh; cụm công nghiệp Gia Vân đang trong giai đoạn đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng để đi vào hoạt động. Năm 2017, Đảng bộ và nhân dân xã Gia Vân tiếp tục được chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, Đảng bộ xã Gia Vân cũng không ngừng quan tâm, chăm lo xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy được chú trọng đổi mới, hướng về cơ sở. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đảng viên được nâng lên. Công tác phát triển đảng viên mới ngày càng được quan tâm, chú trọng cả về chất lượng và số lượng, đảm bảo củng cố, tăng cường sự lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành, từ một chi bộ với 7 đảng viên, đến nay Đảng bộ xã Gia Vân đã có 11 chi bộ với 357 đảng viên. Trong đó, có một đảng viên là đồng chí Đinh Văn Thảo được tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và 388 đồng chí được tặng, truy tặng huy hiệu từ 30-65 năm tuổi Đảng. Nhiều năm liền, Đảng bộ xã Gia Vân được Huyện ủy Gia Viễn công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.
Bùi Diệu