Đồng chí Lê Hữu Quý, TVTU, Bí thư Thành ủy Ninh Bình cho biết: Nhiều năm qua, Đảng bộ thành phố đã tập trung lãnh đạo các tổ chức cơ sở đảng thực hiện đồng bộ, hiệu quả 6 mặt chủ yếu, đó là: Nâng cao năng lực quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao năng lực vận dụng các chủ trương, đường lối, chính sách vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của đơn vị, cơ quan mình; nâng cao năng lực ra nghị quyết, xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ chính trị; nâng cao năng lực tổ chức thực hiện nghị quyết; nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát và tổng kết thực hiện nghị quyết; nâng cao khả năng vượt qua những khó khăn, thách thức, những hạn chế, tiêu cực.
Theo đó, việc quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được Thành ủy tập trung đổi mới về nội dung, phương thức truyền đạt. Các Nghị quyết được quán triệt đã liên hệ với thực tiễn địa phương, một số nghị quyết quan trọng được người đứng đầu cấp ủy trực tiếp quán triệt. Đối với các Nghị quyết chuyên ngành, Thành ủy đã mời các giảng viên là những người có kinh nghiệm, am hiểu về chuyên ngành đó hướng dẫn. Đồng thời sử dụng nhiều phương pháp đa dạng giúp người học dễ tiếp thu như trình chiếu slide, sử dụng bảng biểu; tổ chức thực hiện nghiêm túc việc học tập trực tuyến các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy. Thành ủy lắp hệ thống camera tại hội trường, qua đó hạn chế việc cán bộ, đảng viên làm việc riêng trong hội nghị, bỏ học giữa buổi.
Cùng với quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc về tổ chức và sinh hoạt Đảng, Thành ủy Ninh Bình chú trọng vận dụng nghị quyết của cấp trên vào thực tiễn ở thành phố đảm bảo linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh ở từng tổ chức cơ sở đảng. Dẫn chứng về vấn đề này, đồng chí Bí thư Thành ủy Ninh Bình cho biết: Thực hiện Thông báo số 911 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc "sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế", Đảng bộ thành phố không quy định cụ thể việc bố trí các chức danh kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách mà giao cho Đảng ủy các xã, phường trên cơ sở năng lực, trình độ của những cán bộ cụ thể để xây dựng mô hình phù hợp ở địa phương mình. Hiện nay, thành phố đã phê duyệt Đề án bố trí, sắp xếp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường thuộc thành phố. Số lượng cán bộ đều thấp hơn quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (có 7 phường bố trí 8 người hoạt động không chuyên trách; 5 xã, phường bố trí 9 người; 1 xã bố trí 10 người; 1 xã bố trí 12 người). ở tổ dân phố, thôn, số lượng đều bảo đảm theo quy định, mỗi tổ dân phố, thôn bố trí từ 5 - 6 người. Sau phê duyệt Đề án của các xã, phường, số người hoạt động không chuyên trách đã giảm 43 người; số người hoạt động không chuyên trách ở tổ dân phố, thôn giảm 502 người. Qua khảo sát dư luận xã hội, việc triển khai Đề án ở thành phố đã được đông đảo cán bộ, đảng viên đồng thuận, ủng hộ.
Xác định để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng thì vấn đề then chốt là năng lực của đội ngũ cán bộ và chất lượng đảng viên. Từ năm 2008 đến nay, thành phố đã cử 55 đồng chí đi học Cao cấp Lý luận chính trị, 48 đồng chí đi đào tạo sau Đại học, cử 447 cán bộ đi học Trung cấp Lý luận chính trị. So với năm 2008, hiện tỷ lệ cán bộ, công chức xã, phường có trình độ đại học, sau đại học tăng từ 39% lên 89%; tỷ lệ cán bộ, công chức có trình độ trung cấp, chưa qua đào tạo giảm từ 61% xuống còn 11%. Bên cạnh đó, công tác điều động, luân chuyển cán bộ đã được Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc và có nhiều đổi mới, đột phá. Trong 10 năm (2008-2018), thành phố đã thực hiện luân chuyển 24 cán bộ lãnh đạo diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý; điều động, luân chuyển đối với 10 Bí thư Đảng ủy xã, phường, nhằm thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy xã, phường không phải là người địa phương. UBND thành phố điều động 123 cán bộ quản lý giữa các trường học; chuyển đổi vị trí công tác đối với 51 công chức địa chính, xây dựng, tài chính ngân sách giữa các phường, xã; 28 kế toán giữa các trường học, đảm bảo khoa học, phù hợp với năng lực, sở trường công tác.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn thành phố Ninh Bình được nâng lên, thể hiện rõ nét qua việc xây dựng và ban hành nghị quyết, đã xác định rõ mục tiêu, đề ra nhiệm vụ cụ thể, nguồn lực thực hiện, đảm bảo nghị quyết đúng, trúng, phù hợp với thực tiễn. Sau Đại hội Đảng bộ thành phố, Thành ủy đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội thành 6 Chương trình công tác lãnh đạo toàn diện trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, quản lý đô thị, phát triển văn hóa, bảo đảm an ninh, quốc phòng và cải cách hành chính. Mỗi chương trình công tác đều có Ban chỉ đạo xây dựng chương trình để giúp Thành ủy nghiên cứu, thống kê, đánh giá thực tiễn, xác định các ưu điểm, hạn chế, nguồn lực và khả năng hiện có ở thành phố để xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn; đồng thời phân công cho từng đơn vị chủ trì tham mưu thực hiện từng nhiệm vụ, giải pháp. Thực tế cho thấy cách ra nghị quyết này khá hiệu quả, thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát và đặc biệt là việc tổ chức thực hiện nghị quyết ở thành phố cũng được thực hiện khá tốt, bài bản, quyết liệt, đưa nghị quyết đi vào cuộc sống. Qua việc rà soát 6 chương trình công tác của Thành ủy, đến nay có khoảng 90% đầu việc, nhiệm vụ được triển khai thực hiện; 80% các mục tiêu đề ra đã đạt kế hoạch. Nhiều mục tiêu vượt kế hoạch như mục tiêu thu ngân sách thành phố đến năm 2020 là 890 tỷ đồng, đến năm 2017 đã đạt gần 1.000 tỷ đồng, trong đó mục tiêu thu ngân sách từ thuế, phí, lệ phí đã đạt 541 tỷ đồng, vượt 73 tỷ đồng so với kế hoạch. Đồng chí Lê Hữu Quý chia sẻ: Kinh nghiệm cho thấy để nghị quyết đi vào cuộc sống thì bên cạnh việc xây dựng và ban hành nghị quyết đúng, trúng mục tiêu, nhiệm vụ, đòi hỏi tập thể cấp ủy và đặc biệt là người đứng đầu phải quyết liệt, có năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt là lãnh đạo chính quyền phải cụ thể hóa nghị quyết của Đảng thành hành động, bằng việc làm cụ thể nhằm đạt mục tiêu đề ra.
Mai Lan