Đồng chí Lê Xuân Minh, Bí thư Đảng bộ huyện Gia Viễn cho biết: Những năm đầu tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân huyện Gia Viễn gặp muôn vàn khó khăn do kinh tế chậm phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, thô sơ. Thu nhập bình quân đầu người và thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn rất thấp. Đặc biệt, do kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ nên công nghiệp - TTCN phát triển chậm, có rất ít cơ sở công nghiệp quốc doanh của tỉnh và Trung ương, phần lớn là doanh nghiệp tư nhân, cá thể với quy mô nhỏ. Trước thực tế đó, Đảng bộ huyện đã hoạch định chương trình dài hơi trong phát triển kinh tế bằng việc phát huy lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên khoáng sản, du lịch… nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp - TTCN gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Đảng bộ huyện đã triển khai hiệu quả các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất tại các xã thuần nông ít hoặc chưa có ngành nghề để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tích cực huy động mọi nguồn lực để xây dựng, cải thiện điều kiện hạ tầng kỹ thuật, tạo môi trường thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp vào đầu tư. Đảng bộ huyện cũng chỉ đạo nâng cao trình độ, năng lực và chất lượng công việc cho đội ngũ cán bộ, công chức; đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng nhanh gọn, công khai, minh bạch, bãi bỏ các khâu, các thủ tục không cần thiết trong lĩnh vực đầu tư, đăng ký kinh doanh. Cùng với đó thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng và đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trên địa bàn. Đặc biệt, phối hợp và đổi mới việc hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo nghề cho người lao động, đa dạng hóa và mở rộng các hình thức hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực theo hướng gắn kết giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, đảm bảo cho người lao động có thể làm việc và có thu nhập tại các cơ sở sản xuất ngay sau khi được đào tạo…
Thị trấn Me (Gia Viễn) hôm nay. Ảnh: Thế Minh
Với nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với thực tiễn trên địa bàn, những năm gần đây, sản xuất công nghiệp trên địa bàn phát triển mạnh, tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển TTCN và chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế. Riêng KCN Gián Khẩu với diện tích hàng trăm ha, tổng doanh thu năm 2016 đạt hơn 7 nghìn tỷ đồng, trong đó có nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương. Tiêu biểu như Nhà máy ô tô Thành Công, năm 2016, giá trị sản xuất đạt 3.730 tỷ đồng, chiếm 10,8% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, đóng góp vào ngân sách Nhà nước 2.478 tỷ đồng. Các doanh nghiệp khác như Nhà máy xi măng The Vissai, Công ty may Đài Loan, Doanh nghiệp gỗ Tài Anh, Công ty may Vạn Lợi… doanh thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, tạo việc làm với mức thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động trên địa bàn, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, thu nhập, việc làm tại địa phương, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Kết quả tổng điều tra, rà soát năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo còn 5,17%, hộ cận nghèo còn 5,12%; toàn huyện giải quyết việc làm mới cho trên 3 nghìn lao động nông thôn...
Để huy động nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp - TTCN theo hướng tập trung, hiệu quả, Đảng bộ huyện đã chỉ đạo các địa phương có những sản phẩm ưu thế cạnh tranh và là thế mạnh của mình để tập trung phát triển, như nghề đóng tàu, sản xuất vật liệu xây dựng, thêu ren… Nếu như năm 1992, tỷ trọng nông, lâm, thủy sản chiếm trên 80% thì hiện nay giảm xuống còn 6,5%; tỷ trọng công nghiệp -TTCN từ 16% tăng lên 68,5%. Thu ngân sách có bước tăng trưởng đáng kể, từ trên 8 tỷ đồng năm 1992, năm 2016 là 319,3 tỷ đồng. Trên địa bàn huyện Gia Viễn hiện có 202 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, tập trung vào nhiều lĩnh vực, trong đó có 57 doanh nghiệp thương mại, 48 doanh nghiệp xây dựng và 30 doanh nghiệp vận tải. Hiện nay, huyện đang triển khai xây dựng cụm công nghiệp Gia Vân giai đoạn 1 với diện tích 30 ha, CCN Gia Phú với diện tích 50 ha, đến nay đã san lấp xong mặt bằng, đang tiến hành xây dựng các hạng mục kết cấu hạ tầng, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, ưu tiên những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm sạch như điện tử, giày da, may mặc… Cùng với đó, thời gian tới, Đảng bộ huyện tiếp tục chỉ đạo quy hoạch xây dựng CCN Liên Sơn, CCN Gia Tiến, CCN Gia Sinh, với quy mô từ 30-50 ha/cụm, phấn đấu đến năm 2020, các cụm công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích trên 116 ha, đến năm 2025 mở rộng thêm 80 ha, đưa tổng diện tích quy hoạch là gần 200 ha, thực hiện tốt chủ trương của tỉnh về mở rộng KCN Gián Khẩu.
Nếu như năm 1992, tỷ trọng nông, lâm, thủy sản chiếm trên 80% thì hiện nay giảm xuống còn 6,5%; tỷ trọng công nghiệp - TTCN từ 16% tăng lên 68,5%. Thu ngân sách có bước tăng trưởng đáng kể, từ trên 8 tỷ đồng năm 1992, năm 2016 là 319,3 tỷ đồng |
Cũng theo đồng chí Bí thư Huyện ủy Lê Xuân Minh, xác định phát triển kinh tế là trọng tâm, thời gian tới, Đảng bộ huyện tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy dân chủ, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động sáng tạo, huy động, sử dụng tốt các nguồn lực; tranh thủ thời cơ thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng phát triển bền vững; tạo bước chuyển biến cơ bản về cơ cấu kinh tế. Cùng với đó, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển công nghiệp - TTCN theo hướng phát triển nhanh, bền vững, tạo điều kiện tối đa để thu hút các nguồn lực, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư và thành phần kinh tế tham gia để công nghiệp thực sự đóng vai trò trọng tâm, làm đòn bẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nông thôn phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Trong phát triển nông nghiệp, huyện tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế; quy hoạch xây dựng các vùng sản xuất lớn, tập trung; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để thâm canh; áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập trên 1 đơn vị diện tích canh tác; đặc biệt, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp với trên 1,3 nghìn ha ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản cho giá trị kinh tế cao. Đồng thời phát huy thế mạnh của huyện có tiềm năng về du lịch tâm linh, du lịch sinh thái như Khu tâm linh núi chùa Bái Đính, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, suối nước khoáng Kênh Gà… huyện tập trung phát triển du lịch - dịch vụ, từng bước đưa du lịch và dịch vụ trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, đảm bảo hài hòa giữa phát triển du lịch với văn hóa, bảo vệ tài nguyên và môi trường, hướng đến phát triển kinh tế du lịch bền vững…, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo bước chuyển mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Mỹ Hạnh