Từ xưa đến nay, thị xã Tam Điệp luôn có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, giao thông. Năm 1974, thị trấn Tam Điệp được thành lập trên cơ sở thị trấn Nông trường Đồng Giao thuộc huyện Yên Mô. Đến ngày 17-12-1982, thị xã Tam Điệp được thành lập theo Quyết định số 200-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng gồm 3 phường và 4 xã, tương đương cấp đô thị loại IV. Kể từ đó đến nay, thị xã đã có sự mở rộng về địa giới hành chính với 9 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 5 phường và 4 xã. Với vị trí quan trọng kể trên, thị xã có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, là đô thị quan trọng thứ hai và là một trong 3 trung tâm kinh tế của tỉnh, động lực để phát triển kinh tế của các huyện, thành phố trong toàn tỉnh.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đất giàu truyền thống cách mạng, lịch sử, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Tam Điệp đã nỗ lực vượt khó, đưa vùng đất đồi núi có những chuyển biến tích cực theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, xây dựng thị xã trở thành thị xã công nghiệp. Đặc biệt, bộ mặt đô thị từng bước được quan tâm đầu tư xây dựng thông qua việc huy động các nguồn lực để hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng, hình thành các công trình phục vụ dân sinh theo hướng đồng bộ, hiện đại. Ngày 31-7-2012, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 708/QĐ-BXD về việc công nhận thị xã Tam Điệp là đô thị loại III trực thuộc tỉnh, sớm hơn 3 năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ VIII đề ra. Đây là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã trong 30 năm xây dựng và phát triển.
Trở thành đô thị loại III, thị xã Tam Điệp có thêm động lực và nhiều điều kiện thuận lợi để huy động mọi nguồn lực, tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí đô thị loại III và phấn đấu đạt các tiêu chí của thành phố theo Nghị định số 62/2011/NĐ-CP ngày 26-7-2011 của Chính phủ. Sau khi được công nhận là đô thị loại III, cùng với sự nỗ lực vượt bậc của nội lực bản thân thị xã, sự quan tâm đầu tư, xây dựng của Trung ương, của tỉnh, thị xã Tam Điệp đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 10%, cơ cấu kinh tế đến nay của thị xã là công nghiệp - xây dựng 70%, dịch vụ 27%, nông, lâm nghiệp- thủy sản còn 3%, thu ngân sách đạt 140 tỷ đồng/năm…
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát triển đô thị, nhằm đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thị xã, đồng thời để nâng cao vai trò là một trong 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 9-1-2014 về "Xây dựng thị xã Tam Điệp trở thành thành phố trực thuộc tỉnh", tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, nâng cấp, chỉnh trang đô thị theo các tiêu chí của thành phố trực thuộc tỉnh, làm tiền đề xây dựng thị xã trở thành đô thị loại II vào năm 2020. Thực hiện chủ trương này, thị xã đã rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh theo các tiêu chí xây dựng thành phố được quy định tại Nghị định số 62/2011/NĐ- CP ngày 26-7-2011 của Chính phủ. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng và chỉnh trang đô thị. Xây dựng và hoàn thiện đề án đề nghị thành lập phường Yên Bình trên cơ sở điều chỉnh hiện trạng xã Yên Bình hiện nay, lập đề án đề nghị thành lập thành phố Tam Điệp và tổ chức lấy ý kiến theo quy định về việc thành lập thành phố Tam Điệp…
Triển khai thực hiện Nghị quyết về xây dựng thành phố, thị xã đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc phát triển, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng thành phố. Thị xã đã phê duyệt 31 đồ án quy hoạch theo phân cấp quản lý của UBND tỉnh, triển khai 15 dự án với tổng mức đầu tư 98,7 tỷ đồng tập trung vào các lĩnh vực: xây dựng hoàn thiện 8 tuyến phố văn minh; xây dựng các hạng mục công trình khu trung tâm thể thao thị xã giai đoạn 2; nâng cấp, cải tạo vỉa hè Quốc lộ 1A; hệ thống điện chiếu sáng đô thị; sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa thị xã, xây dựng đường vành đai phía Tây Bắc và đường vành đai phía Đông Nam thị xã để phân luồng giao thông và mở rộng không gian đô thị, phát triển kinh tế - xã hội...
Bên cạnh đó, phát huy quy chế dân chủ và phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", thị xã đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân cùng chung tay xây dựng thị xã trở thành thành phố. Đặc biệt, thị xã đã quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý trật tự đô thị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để từng bước nâng cao nhận thức của người dân về việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Hoàn thành đề án đặt tên các đường phố, đánh số nhà đối với các phường nội thị. Từ năm 2012 đến nay, thị xã đã triển khai việc thực hiện Đề án "Đặt tên, đổi tên đường, đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn thị xã", đến nay đã gắn được 103 biển tên đường tại 73 tuyến đường, 316 biển ngõ và 10.321 biển số nhà… Sau hơn 2 năm xây dựng đô thị, thị xã Tam Điệp đã hoàn thiện 10/10 tiêu chuẩn thành lập thành phố. Tất cả các chỉ tiêu đánh giá đô thị theo tiêu chuẩn của thành phố đều đạt mức tối thiểu, trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt mức tối đa theo quy định của Thông tư số 34/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng như: Tiêu chuẩn về mật độ dân số đô thị, tiêu chuẩn về hệ thống công trình hạ tầng đô thị, tiêu chuẩn về quy hoạch đô thị, tiêu chuẩn về thời gian xây dựng đồng bộ…
Trong niềm vui chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước đang nô nức thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, sự kiện đón nhận Nghị quyết của ủy ban Thường vụ Quốc hội trở thành thành phố thứ hai trực thuộc tỉnh là dấu mốc quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã, tạo thế và lực mới cho Tam Điệp trong quá trình hội nhập, phát triển, tạo tiền đề quan trọng để thành phố tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định được vị thế là một trong 3 vùng phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh. Đây cũng là kết quả đáp ứng được nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã trong chặng đường hơn 30 năm xây dựng và phát triển, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân quyết tâm xây dựng thành phố ngày càng văn minh, giàu đẹp. Trở thành thành phố thứ hai của tỉnh còn là cơ hội và thách thức đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân thành phố Tam Điệp để thành phố tiếp tục có các giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm tập trung các nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phấn đấu đến năm 2020 trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh.
Trong chặng đường tiếp theo, thành phố Tam Điệp xác định các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện hiệu quả. Đó là: Thực hiện tốt công tác lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch, kế hoạch, đề án cơ chế đặc thù đảm bảo hiệu quả, có tính khả thi cao. Triển khai thực hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố và lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Tam Điệp đến năm 2030. Làm tốt công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh thực hiện chương trình xây dựng phát triển đô thị để huy động các nguồn lực, tiếp tục chỉnh trang, nâng cấp, phát triển đô thị, tăng cường xây dựng các khu đô thị mới, khu du lịch sinh thái, cải tạo và chỉnh trang các tuyến phố, đầu tư xây dựng cơ sở kết cấu hạ tầng đô thị. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về trật tự đô thị, nêu cao trách nhiệm của tập thể và trách nhiệm công dân trong công tác quản lý xây dựng đô thị, tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia xây dựng đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Phát triển văn hóa-xã hội nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Xây dựng nếp sống văn minh đi đôi với đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa. Quan tâm đầu tư phát triển y tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tốt các chính sách đối với người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội.
Xây dựng, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, chủ động đối phó với mọi tình huống, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh phòng ngừa, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm và tai, tệ nạn xã hội, tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, đảm bảo sự lãnh đạo có hiệu quả của các cấp ủy Đảng, xây dựng hệ thống chính quyền từ thành phố đến cơ sở vững mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo cơ chế thuận lợi thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư trên địa bàn thành phố. Quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ từ thành phố đến cơ sở ngang tầm nhiệm vụ thời kỳ mới; nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện thành công việc xây dựng thành phố trở thành đô thị loại II vào năm 2020.
Trong thời gian tới, thành phố Tam Điệp tiếp tục tập trung, phát huy nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh nhằm huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, thành phố ưu tiên triển khai một số dự án, công trình trọng điểm: Quy hoạch, xây dựng quảng trường và tượng đài Hoàng đế Quang Trung với mức kinh phí đầu tư dự kiến 120 tỷ đồng; nâng cấp, chỉnh trang một số tuyến đường nội thị và hệ thống chiếu sáng đô thị với mức kinh phí đầu tư dự kiến 50 tỷ đồng; xây dựng tuyến đường vành đai cấp bách chống lũ quét khu vực thượng nguồn và đảm bảo an sinh, phát triển kinh tế- xã hội các xã khó khăn của thành phố với mức kinh phí đầu tư dự kiến 650 tỷ đồng; xây dựng cổng chào phía Nam của thành phố với mức kinh phí đầu tư dự kiến 5 tỷ đồng; xây dựng sân vận động trung tâm thành phố giai đoạn II với mức kinh phí đầu tư dự kiến 20 tỷ đồng; xây dựng khu công viên nghĩa trang và đài hóa thân hoàn vũ thành phố với mức kinh phí đầu tư dự kiến 500 tỷ đồng…
Tống Quang Thìn
TVTU, Bí thư Thành ủy Tam Điệp