Giữa những bất cập đó, chúng tôi muốn đưa ra một "điểm sáng" trong việc thực hiện cưới văn minh, tiết kiệm như là một mô hình có thể rút kinh nghiệm và nhân rộng trong thời gian tới.
Cuối năm 2007, Huyện đoàn Yên Mô ra Nghị quyết về tổ chức 500 đám cưới văn minh, tiết kiệm trong đoàn viên, thanh niên giai đoạn 2007-2012. Phong trào được khởi động rầm rộ đúng với tinh thần "thanh niên xung kích" và nhận được sự ủng hộ của đông đảo bạn trẻ trên địa bàn.
Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng con số 500 đám cưới đảm bảo đủ tiêu chí "6 không" (tiêu chí do Huyện đoàn đưa ra) là điều "không tưởng" bởi việc thay đổi nếp nghĩ, nếp làm đã "ăn sâu bám rễ" trong tư tưởng, nhận thức của người dân từ bao năm nay không phải là một điều đơn giản. Hơn nữa người ta cũng sợ rằng phong trào có thể sẽ nhanh chóng bị rơi vào quên lãng khi các dịch vụ cho mùa cưới đang ngày càng phát triển với nhiều hình thức hấp dẫn.
Sau hơn một năm có dịp trở lại tìm hiểu việc thực hiện phong trào này, chúng tôi hy vọng nó không ở trong tình trạng "đánh trống bỏ dùi", tức là được phát động mạnh mẽ, có quy mô nhưng chỉ sau một thời gian ngắn khi phát sinh một số khó khăn lại không được giải quyết triệt để như ở một số địa phương khác. Dự đám cưới của 2 bạn Nguyễn Thị Thoa và Nguyễn Văn Hòa ở thị trấn Yên Thịnh, chúng tôi thấy xuất hiện cả những bóng áo xanh tình nguyện và đặc biệt ấn tượng với cách trang trí theo kiểu "cây nhà lá vườn" vừa giản dị, vừa trẻ trung, vui tươi. Các tranh ảnh, phông bạt... được thanh niên trong chi đoàn tự cắt, dán.
Ông Nguyễn Huy Nhận, bố của cô dâu cho biết thêm: Nhờ có sự tư vấn và hỗ trợ của tổ dân phố, của Đoàn thanh niên, gia đình tôi quyết định tổ chức lễ cưới theo nếp sống mới, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc. Chúng tôi cũng vận động họ nhà trai tổ chức theo cách này. Bà con dân phố tỏ ra đồng tình khi đám cưới chỉ tổ chức trong vòng hơn 1 ngày, thanh niên tụ họp rất đông nhưng không uống rượu đánh bạc, không gây gổ đánh nhau làm mất an ninh trật tự...
Điểm mới trong những đám cưới "6 không" như thế này là người ta đã thấy sự vào cuộc tích cực của tổ dân phố, của chính quyền địa phương không chỉ trong công tác vận động mà còn hỗ trợ cả về kinh phí như: Địa điểm, loa đài...
Đồng chí Vũ Anh Tuấn, Bí thư Huyện đoàn cho biết: Đối với đoàn viên, thanh niên, chúng tôi có nhiều cơ hội để tuyên truyền, vận động thông qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, ký kết giao ước thi đua, tổ chức diễn đàn, giao lưu văn nghệ... Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là việc tìm cách làm thay đổi một phần quan niệm, nhận thức của các bậc phụ huynh khi tổ chức đám cưới cho com em mình. Chính vì vậy cần có sự vào cuộc của các Hội, đoàn thể khác (Hội Cựu chiến binh, Hội phụ nữ...) và của chính quyền cơ sở. Các cấp bộ Đoàn thường xuyên tham mưu cho Đảng ủy địa phương chỉ đạo sát sao tới các chi bộ và cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Ở nhiều nơi như: Xã Yên Thắng, Yên Hòa, Yên Thành... các thôn xóm đều đưa việc tổ chức đám cưới văn minh, tiết kiệm vào quy ước, hương ước để nhân dân thực hiện, hỗ trợ kinh phí, phương tiện tổ chức đám cưới điểm.
Và thật sự đáng quý khi chúng tôi được nghe kể về những cụ lão thành cách mạng, những cựu chiến binh tự nguyện phát biểu trong chương trình phát thanh của Đoàn thanh niên để động viên các gia đình thực hiện đám cưới "6 không".
Tính đến hết năm 2008, trên địa bàn huyện đã có 150 đám cưới tổ chức theo mô hình đám cưới "6 không", vượt kế hoạch đề ra và bước đầu tạo được dư luận tốt trong nhân dân. Kết quả đó là đáng mừng song chưa phải đã hết những khó khăn cần tháo gỡ trong thời gian tới. Không thể phủ nhận việc còn nhiều đám cưới vẫn tổ chức ăn uống linh đình, thanh niên uống rượu say gây gổ nhau, tổ chức đánh bài sát phạt, một số thanh niên cố tình vi phạm Luật An toàn giao thông (không đội mũ bảo hiểm và chở quá số người quy định) trong quá trình tổ chức đưa, đón dâu...
Bài, ảnh: Đào Hiền