Ninh Bình là vùng đất giàu tiềm năng về phát triển du lịch, trung bình mỗi năm ngành du lịch của tỉnh đón hơn 4 triệu lượt khách tới tham quan với các điểm tham quan chủ yếu là Quần thể danh thắng Tràng An, Chùa Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động... Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là các hình thức tham quan chủ yếu là đi thuyền ngắm cảnh các hang động và đình chùa. Hiện toàn tỉnh có 10 bến thuyền du lịch, với 2.972 phương tiện, trong đó 5 bến đã có giấy phép hoạt động, 5 bến còn lại đang hoàn thiện các điều kiện an toàn để xin cấp giấy phép hoạt động.
Có thể nói đây là con số không hề nhỏ, với sự hoạt động mạnh và gia tăng của phương tiện, bên cạnh đó ý thức của người dân cũng như chủ Bến đôi khi vẫn còn lơ là, chủ quan trong việc thực hiện luật ATGT đường thủy.
Người dân chắc vẫn chưa quên vụ việc chìm tàu trên sông Hàn (Đà Nẵng) ngày 4-6-2016, làm 56 người bị nạn, trong đó có 3 người mất tích làm rúng động cả nước về công tác quản lý, bảo đảm TTATGT đường thủy tại các khu du lịch. Vì vậy, việc tăng cường các điều kiện đảm bảo TTATGT đường thủy tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết.
Đồng chí Đỗ Hoàng Phúc, Phó giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc rà soát hoạt động của các phương tiện vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy trên địa bàn tỉnh, vừa qua Sở GTVT đã phối hợp với các ngành, đơn vị tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo an toàn giao thông tại các bến thuyền du lịch bằng phương tiện thủy trên địa bàn. Theo đánh giá của đoàn kiểm tra liên ngành, về cơ bản các bến đã được đầu tư xây dựng đảm bảo cho khách du lịch lên xuống bến an toàn.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bến đò chưa đầu tư đầy đủ phao cứu sinh và thuyền cứu hộ cho du khách, đáng nói là tại Bến thuyền Đình Các (thuộc Ban quản lý du lịch Tam Cốc - Bích Động) có 1.100 người điều khiển phương tiện chưa có bằng, chứng chỉ chuyên môn; Bến thuyền du lịch Vân Long hiện nay tình trạng phương tiện cũ nát không đủ điều kiện an toàn, không có áo phao, chưa có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không đảm bảo an toàn nên chưa được cấp phép hoạt động.
Để đảm bảo ATGT đường thủy nội địa tại các Bến thuyền du lịch, thời gian qua các ngành chức năng đã chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo an toàn giao thông tại các bến thuyền như tuyên truyền, tập huấn, tuần tra, kiểm soát các vi phạm về TTATGT. Đặc biệt, để đảm bảo ATGT trong mùa mưa bão một cách hiệu quả và thiết thực, Sở Giao thông-Vận tải đã phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện...
Từ đầu năm đến nay đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra hoạt động tại tất cả các bến thuyền du lịch cũng như các bến đò chở khách ngang sông trên địa bàn tỉnh, trong đó, tập trung kiểm tra, nhắc nhở về việc trang bị áo phao, các dụng cụ nổi cho du khách, chứng chỉ chuyên môn của lái đò theo quy định.
Cùng với công tác kiểm tra, đoàn đã tổ chức tuyên truyền tới các chủ bến, chủ đò và du khách nội dung luật ATGT đường thủy và nhắc nhở mọi người phải nghiêm chỉnh chấp hành, đồng thời yêu cầu các chủ bến ký cam kết không vi phạm về trật tự ATGT đường thủy.
Trao đổi với Bà Hoàng Thị Thu Hường, Bộ phận quản lý thuyền tại Khu du lịch Tràng An được biết: hiện Bến thuyền Tràng An có 1.500 đò phục vụ du khách, những ngày cao điểm có đến hơn 3.000 lượt đò chở khách tham quan, với số lượng người tham quan đông như vậy, nên Bến luôn nêu cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định về mở bến thủy nội địa, đảm bảo các lái đò được cấp chứng chỉ đầy đủ mới được tham gia lái đò; thường xuyên kiểm tra chất lượng, bảo dưỡng các đò, trang bị đầy đủ phao cứu sinh và sắp xếp đúng số lượng người trên mỗi đò, chủ động kiểm tra chất lượng đò, đồng thời nhắc nhở các chủ đò phải lái đò cẩn thận, đặt an toàn của du khách lên hàng đầu, tuyệt đối không chở quá số người quy định.
Bên cạnh đó, trên mỗi tuyến sông tại khu du lịch đều bố trí lực lượng cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có sự cố xảy ra... Vì vậy, từ đầu năm tới nay, tại khu du lịch chưa xảy ra vụ việc nào về mất ATGT đường thủy.
Ông Đỗ Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho biết thêm: Đối với những vấn đề còn tồn tại ở các bến thuyền du lịch, trong thời gian tới Sở Giao thông vận tải sẽ phối hợp với các ngành tăng cường kiểm tra phối hợp tổ chức tuyên truyền đến người điều khiển phương tiện, người dân và khách du lịch các tài liệu về ATGT chở khách du lịch; yêu cầu, nhắc nhở các Bến đò trang bị đầy đủ các điều kiện an toàn về mọi mặt cho du khách; Cương quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về ATGT đường thủy; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An và UBND các huyện tổ chức mở lớp tập huấn cấp chứng chỉ nghiệp vụ du lịch cho người lái phương tiện vận chuyển khách du lịch.
Đồng thời đề nghị các xã triển khai xác định sức chở phương tiện thuộc địa bàn quản lý theo quy định tại Thông tư số 75 của Bộ giao thông vận tải, nhằm xác định số lượng thuyền bắt buộc phải đăng ký, đăng kiểm.
Việc đảm bảo TTATGT đường thủy tại các bến thuyền du lịch không chỉ góp phần đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa trên địa bàn, tiếp tục kéo giảm số vụ và thiệt hại do tai nạn giao thông đường thủy nội địa gây ra, mà còn tạo sự yên tâm cho người dân và du khách tham gia giao thông bằng phương tiện đường thủy, giúp ngành du lịch của tỉnh ngày càng phát triển.
Kiều Ân