PV: Đồng chí cho biết những đánh giá, nhận xét khái quát về tình hình trật tự ATGT trên địa bàn Ninh Bình từ đầu năm đến nay?
Đ/C: Nguyễn Xuân Huế (NXH): Từ đầu năm đến nay, dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự tham mưu kịp thời của ban ATGT tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp bảo đảm trật tự ATGT, vì vậy tình hình trật tự ATGT tiếp tục có bước chuyển biến tích cực, nhất là trong dịp tết Mậu Tý, mùa lễ hội du lịch. Do làm tốt công tác tuyên truyền nên ý thức của người tham gia giao thông đã được nâng lên. Sự đồng thuận và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân đối với các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT của Chính phủ ngày càng cao, cụ thể như việc thực hiện đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy đã được đại đa số người dân thực hiện; việc giải tỏa hành lang đường bộ quốc lộ 1A, 95% số hộ vi phạm đã tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm. Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông tiếp tục được đầu tư, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đảm bảo trật tự ATGT trước mắt cũng như lâu dài. 8 tháng đầu năm 2008, trên địa bàn tỉnh xảy ra 67 vụ tai nạn giao thông, làm chết 75 người và bị thương 29 người; so với cùng kỳ năm trước số vụ tai nạn giảm 4 vụ, số người chết giảm 3 người, số người bị thương tăng 2 người; các vụ tai nạn xảy ra chủ yếu liên quan đến mô tô, xe gắn máy. Điều đáng lưu ý là trong 8 tháng đã xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông đường sắt (tăng 4 vụ so với cùng kỳ năm trước) làm 11 người chết và 1 người bị thương.
PV: Một số tồn tại, nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến TNGT và ùn tắc giao thông hiện nay?
Đ/c NXH: Hiện nay, tình hình trật tự ATGT tuy đã có chuyển biến nhưng diễn biến còn khá phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT và ùn tắc giao thông đó là: Sự mất cân đối giữa phát triển phương tiện và hạ tầng giao thông ngày thêm gay gắt, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của công tác đảm bảo trật tự ATGT do sự gia tăng nhanh của các loại phương tiện tham gia giao thông (bình quân tăng 1.112 mô tô và 1.35 ôtô/ tháng). Các điểm đen về giao thông đã được xác định vẫn chậm được khắc phục, đặc biệt trên QL1A, QL10 hoặc đã có biện pháp khắc phục nhưng kém hiệu quả như xử lý đường cong ở xã Ninh Giang(Hoa Lư). Hệ thống thông tin, tín hiệu, biển báo, vạch kẻ đường trên một số tuyến giao thông nhất là giao thông đô thị của thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp còn yếu kém, bất cập. Hiện, vẫn tồn tại một số phương tiện giao thông thuộc diện đình chỉ lưu hành vẫn lén lút hoạt động trên các tuyến giao thông công cộng. Công tác đảm bảo trật tự ATGT đường sắt thời gian qua đang trở nên bức xúc bởi còn nhiều tuyến đường ngang qua đường sắt chưa có rào chắn hoặc người gác, đặc biệt là đường dân sinh mở trái phép. Công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa gặp nhiều khó khăn do đặc thù sông nước và điều kiện phục vụ còn hạn chế. Địa bàn nông thôn vẫn còn tình trạng người không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Tình trạng xe quá khổ, quá tải vẫn hoạt động trên các tuyến đường. Tình trạng chiếm dụng lòng, lề đường làm sân phơi, họp chợ gây cản trở, nguy hiểm cho người đi đường còn phổ biến. Việc duy trì hoạt động các tổ chức tự quản về ATGT ở cơ sở chưa đồng đều, các lực lượng chức năng tham gia điều hành giao thông còn mỏng so với yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình.
Chặt tỉa cành cây, dẹp bỏ lều quán bán hàng vi phạm hành lang ATGT trên QL 1A (đoạn địa bàn xã Gia Xuân, Gia Viễn). Ảnh: Mạnh Dũng
PV: Về phương hướng, giải pháp để giảm thiểu TNGT và ùn tắc giao thông từ nay đến hết năm và những năm tiếp theo?
Đ/c NXH: Công tác đảm bảo trật tự ATGT được xác định là công tác thường xuyên, liên tục của mọi cấp, mọi ngành. Hiện nay, dưới sự chỉ đạo của Ban ATGT quốc gia, của tỉnh các huyện, thị xã, thành phố đang ra quân thực hiện tháng ATGT quốc gia với mục tiêu: không để xảy ra TNGT nghiêm trọng, khắc phục ùn tắc giao thông, giảm TNGT cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT theo chiều sâu phù hợp với tình hình của địa phương, tăng cường gắn panô, biểu ngữ để tuyên truyền về luật ATGT trên các tuyến đường. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền luật Giao thông đường bộ đến các tầng lớp nhân dân, làm tốt công tác cưỡng chế để duy trì quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy. Tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt theo Quyết định 1856 QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ; chuẩn bị cho việc giải tỏa hành lang đường bộ, đường sắt và các tuyến quốc lộ còn lại (như QL12B, QL10, QL45). Thực hiện tốt việc quản lý xe công nông, xe tự chế 3-4 bánh theo quy định của Chính phủ. Kiên quyết đình chỉ lưu hành các loại ô tô hết niên hạn sử dụng và phương tiện cơ giới tự chế không đủ điều kiện tham gia giao thông. Có cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển đổi phương tiện cho các đối tượng có phương tiện bị đình chỉ tham gia giao thông thuộc diện chính sách, thương binh, người tàn tật theo sự chỉ đạo. Cùng với đó, cần đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng và duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống cầu đường, hệ thống tín hiệu, biển báo trên các tuyến đường giao thông phục vụ tốt cho các phương tiện tham gia giao thông, giảm thiểu các vụ TNGT và ùn tắc giao thông.
PV: Xin cảm ơn đồng chí
Trần Dũng