Ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cho biết: Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thể hiện trách nhiệm với nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tiết kiệm tối đa chi phí để có thêm điều kiện hỗ trợ giảm lãi suất cho nền kinh tế, chia sẻ khó khăn với khách hàng vay vốn; chủ động cân đối nguồn vốn xem xét cho vay mới những dự án khả thi, tập trung chỉ đạo đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ để tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn.
Các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN Việt Nam và tổ chức tín dụng cấp trên về lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Trong 6 tháng đầu năm 2020, NHNN Việt Nam đã 2 lần giảm đồng loạt các mức lãi suất điều hành làm cơ sở để các ngân hàng, tổ chức tín dụng hạ lãi suất, hỗ trợ khách hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng còn điều chỉnh lãi suất linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế. Mặt bằng lãi suất cho vay trên địa bàn tỉnh đã giảm từ 0,5% đến 3%/năm so với đầu năm, trong đó Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ tối đa 2,5%/năm, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chi nhánh Ninh Bình giảm lãi suất cho vay trung dài hạn tối đa 3%/năm.
Theo báo cáo của NHNN chi nhánh tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, tổng nguồn vốn huy động tại địa bàn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng ước đạt 47.251 tỷ đồng, tăng 4,1% so với đầu năm. Nguồn vốn tín dụng được các ngân hàng, tổ chức tín dụng hướng vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, các nhu cầu đời sống chính đáng của người dân. Dư nợ tín dụng vẫn đảm bảo đà tăng trưởng. Tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng ước đạt 82.562 tỷ đồng, tăng 2,7% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 28.319 tỷ đồng, chiếm 37,6%/tổng dư nợ cho vay, tăng 3% so với đầu năm; dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới đạt 17.504 tỷ đồng, chiếm 21,2%/tổng dư nợ cho vay, tăng 3% so với đầu năm; dư nợ cho vay phát triển du lịch đạt 1.287 tỷ đồng, chiếm 1,7%/tổng dư nợ; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 13.251 tỷ đồng, chiếm 17,6%/tổng dư nợ; dư nợ cho vay chính sách ước đạt 2.569 tỷ đồng, tăng 6,2% so với 31/12/2019, chiếm 3,3% tổng dư nợ toàn địa bàn...
Các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tích cực triển khai nhiều chương trình, nhiều gói hỗ trợ cho khách hàng và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nổi bật là triển khai thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của NHNN Việt Nam về việc rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của từng khách hàng để có biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đã xác định số dư nợ khách hàng bị thiệt hại là trên 4.278 tỷ đồng và đã hỗ trợ cho khách hàng bằng các hình thức như sau: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 257 khách hàng với dư nợ hơn 1.149 tỷ đồng; miễn, giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ cho 78 khách hàng với dư nợ hơn 254 tỷ đồng, số tiền lãi đã được miễn, giảm là 224 triệu đồng. Ngoài ra, các ngân hàng đã cho vay mới 1.191 khách hàng với số tiền trên 1.218 tỷ đồng.
Riêng Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ và Văn bản số 246/UBND VP6 ngày 15/4/2020 của UBND tỉnh Ninh Bình về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn còn thực hiện các chính sách hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 bằng các gói hỗ trợ riêng như: cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ; giảm lãi suất cho vay đối với toàn bộ khách hàng hiện hữu; hỗ trợ các khoản vay mới từ các dự án/phương án khả thi... Những biện pháp hỗ trợ kịp thời từ phía các ngân hàng đã giúp doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới sản xuất, kinh doanh cũng như tiếp tục hỗ trợ quá trình phục hồi nền kinh tế.
"Trong những tháng cuối năm, trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó tập trung huy động vốn, cân đối nguồn vốn để có thể cho khách hàng vay với lãi suất ưu đãi, đa dạng hóa các chương trình, các gói tín dụng phù hợp để hỗ trợ nhiều hơn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đồng thời ưu tiên nguồn vốn cho các chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam" - ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cho biết thêm.
Hồng Giang