PV: Những ngày này, Ninh Bình là tâm điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước về thăm, ngành Y tế đã có sự chuẩn bị như thế nào để đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân và du khách?
Đ/c: V.V.C: Căn cứ Kế hoạch số 03 ngày 21/1/2008 của UBND tỉnh về việc tổ chức Tuần Du lịch Ninh Bình, ngành Y tế đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) đảm bảo công tác y tế phục vụ Tuần Du lịch, gồm có 15 đồng chí do đồng chí Giám đốc Sở Y tế làm Trưởng ban. Các thành viên đã được phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. BCĐ đã tiến hành khảo sát tại các điểm du lịch, xây dựng kế hoạch hoạt động sát với tình hình thực tế, phấn đấu làm tốt công tác cấp cứu, khám chữa bệnh cho du khách và nhân dân; đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh. Không để dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm xảy ra trong thời gian tổ chức Tuần Du lịch. Ngành đã thành lập các tổ y tế cắm chốt tại các điểm quan trọng, phục vụ đêm khai mạc Tuần Du lịch Ninh Bình, lễ khai trương Khu du lịch Tràng An, khu núi chùa Bái Đính, Lễ hội Đinh - Lê, những nơi diễn ra hoạt động thể thao, văn hóa, hội chợ.
Ban chỉ đạo đã phân công Trung tâm y tế dự phòng chịu trách nhiệm phối hợp với Phòng y tế, Trung tâm y tế các huyện, thành phố, thị xã kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh trước, trong và sau Tuần Du lịch; giám sát chặt chẽ công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các nhà hàng, khách sạn, nơi có các đoàn ăn nghỉ.
Trung tâm cũng đã thành lập 2 tổ công tác, mỗi tổ có từ 3-4 người, kèm theo các phương tiện, hóa chất, thuốc để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tuyến chuyên môn cao nhất của tỉnh chịu trách nhiệm đảm bảo công tác cấp cứu tại chỗ, chuẩn bị 2 buồng bệnh có đủ tiện nghi phục vụ cán bộ cao cấp, khách nước ngoài khi có yêu cầu. Ngoài ra, Bệnh viện còn thành lập 2 tổ công tác, mỗi tổ 3 người phục vụ các điểm du lịch, 1 tổ cấp cứu dự phòng để BCĐ điều động khi cần thiết.
Ngoài 2 đơn vị lớn trên, BCĐ của ngành yêu cầu các cơ sở điều trị, nơi có các điểm du lịch cũng phải thành lập các tổ công tác, phục vụ tại các điểm du lịch, thường trực 24/24 giờ, chuẩn bị đủ cơ số thuốc, giường bệnh, phương tiện, giữ vững thông tin liên lạc, đảm bảo xử lý nhanh những tình huống có thể xảy ra.
PV: Thưa đồng chí, Tuần Du lịch Ninh Bình diễn ra vào thời điểm cuối xuân, đầu hè. Đây cũng là khoảng thời gian giao mùa dễ phát sinh, phát triển dịch bệnh, trong đó có dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, cúm A H5N1. Xin đồng chí cho biết những biện pháp phòng, chống cần thiết?
Đ/c V.V.C: Hiện nay dịch tiêu chảy cấp đang bùng phát ở nhiều địa phương, một số bệnh thông thường về đường hô hấp cũng đang phát triển, do đó việc bảo đảm sức khỏe cho nhân dân khi về dự Tuần Du lịch đã được ngành Y tế đặc biệt chú trọng, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm trong thời điểm này. Trước hết, ngành đã chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng làm tốt khâu giám sát dịch, xử lý nhanh các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan ra cộng đồng. Tại các nhà hàng, khách sạn quy mô lớn, từ ngày 15/3/2008 ngành đã thành lập các đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, yêu cầu các nhà hàng phải chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện kiểm thực 3 bước, lưu mẫu nguyên liệu đầu vào và thức ăn đã được chế biến, tiện cho việc giám sát của nhân viên y tế. Bên cạnh đó, nguồn nước sinh hoạt tại các nhà máy nước cũng được lấy mẫu, kiểm tra, đề phòng các bệnh lây qua nguồn nước.
Trong cộng đồng cũng phải thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, lấp phá những vũng nước đọng - nơi trú ngụ của muỗi, đề phòng sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản...
PV: Cùng với việc đảm bảo công tác y tế phục vụ Tuần Du lịch, việc phòng, chống dịch bệnh mùa hè đã được ngành Y tế triển khai như thế nào?
Đ/c V.V.C: Phòng, chống dịch bệnh mùa hè là công việc hàng năm của ngành Y tế. Do thời tiết nóng ẩm, kèm theo mưa nhiều nên rất dễ phát sinh, phát triển bệnh dịch như tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm, sốt xuất huyết, viêm não. Vì vậy, ngay từ đầu năm, ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng, cơ sở điều trị xây dựng kế hoạch hành động, trong đó có việc tập huấn chuyên môn, thành lập các đội cấp cứu, rà soát chuẩn bị thuốc, hóa chất, giường bệnh nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh cho nhân dân. Nhờ có màng lưới phòng, chống dịch được phủ kín, nền nếp báo dịch được duy trì, nên nhiều năm qua, Ninh Bình không để xảy ra dịch bệnh lớn. Số ca mắc các bệnh truyền nhiễm giảm, đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Hà Trang