Có mặt vào lúc chuẩn bị giờ ăn cho các cháu của Trường Mầm non Hoa Mai (thành phố Ninh Bình) cảm nhận được sự quan tâm đến vấn đề VSATTP của các cô giáo và nhân viên dinh dưỡng nhà trường. Các dụng cụ chế biến, đồ dùng đựng thức ăn đều được lau rửa sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng, khô thoáng trên các kệ, tủ đựng thực phẩm, thức ăn; các giáo viên dinh dưỡng đầu tóc gọn gàng, mặc đồng phục sạch sẽ, đeo găng tay chế biến, thực hiện phân chia khẩu phần thức ăn…
Cô Hà Thị Hảo, giáo viên dinh dưỡng cho biết: Để đảm bảo có thực phẩm sạch, nhà trường hợp đồng chặt chẽ, dài hạn với nơi cung cấp, yêu cầu đảm bảo nguồn thực phẩm rõ nguồn gốc, đạt tiêu chuẩn chất lượng; đồng thời có sổ lưu thực phẩm, lưu giữ các mẫu thức ăn đề phòng tình trạng ngộ độc thực phẩm. Bằng mô hình bếp ăn một chiều với 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm, nhà bếp của trường được trang bị đầy đủ, hiện đại, đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn quy định. Nhà bếp chia thành các khu riêng biệt: Khu tiếp nhận thực phẩm tươi sống, khu sơ chế đầu vào và khu chế biến thức ăn. Nguồn nước sử dụng chế biến thức ăn cũng như dùng cho sinh hoạt của cô và cháu đều đảm bảo chất lượng sạch, đạt tiêu chuẩn y tế. Chế độ ăn cho trẻ được nhà trường thực hiện theo biểu đồ dinh dưỡng và công khai bảng biểu khẩu phần, tiền ăn hàng ngày cho phụ huynh học sinh nắm được. Để có khẩu phần ăn cho 350 trẻ của 9 nhóm lớp và 4 độ tuổi, với tiêu chuẩn bình quân 15.000 đồng/ngày/trẻ, nhân viên nhà bếp của trường xây dựng thực đơn theo tuần, theo mùa. Theo đó, trẻ được ăn 1 bữa chính và 2 bữa phụ, thực đơn mỗi bữa gồm chất đạm, rau xanh, đảm bảo cân đối, đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Kết quả, hàng năm, tỷ lệ trẻ thấp còi, suy dinh dưỡng chỉ còn rất ít, nhiều năm nay Trường không xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm…
Ở Trường Mầm non xã Yên Phong (Yên Mô), cô Hiệu trưởng nhà trường Trương Thị Nguồn cho biết: Là một trường ở vùng nông thôn nhưng Trường thường xuyên có trên 80% trẻ ăn bán trú tại trường. Với số lượng trẻ ăn tương đối đông, trên 500 trẻ ở 4 khu, ngay từ đầu năm, nhà trường ký hợp đồng rõ ràng đối với những người cung cấp thực phẩm, yêu cầu phải có vườn rộng trồng rau sạch, các loại thực phẩm được chăn nuôi tại trang trại, gia đình đảm bảo không có bệnh dịch, tươi ngon, phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi của trẻ. Khi chế biến thức ăn, khâu đảm bảo VSATTP được nhà trường coi trọng, yêu cầu giáo viên dinh dưỡng thực hiện đúng các bước trong quy trình chế biến theo quy định của Bộ Y tế.
Hiện nay, hầu hết các trường mầm non trên địa bàn tỉnh tổ chức cho học sinh ăn bán trú, riêng địa bàn thành phố Ninh Bình và thị xã Tam Điệp, gần 100% các trường mầm non và tiểu học thực hiện cho học sinh ăn bán trú tại trường. Trước thực tế nhu cầu học sinh ăn bán trú ở các trường học ngày càng tăng, hàng năm, ngành Giáo dục và Đào tạo đều có văn bản chỉ đạo các trường thực hiện tốt ở tất cả các khâu, từ mua, chế biến thực phẩm đến kiểm tra, lưu mẫu thức ăn, bảo đảm cung cấp các bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và hợp vệ sinh cho trẻ. Yêu cầu các cán bộ, giáo viên, nhất là đội ngũ nhân viên nhà bếp, giáo viên dinh dưỡng tại các trường được tập huấn, học tập, phổ biến các quy định, Luật An toàn vệ sinh thực phẩm…; đảm bảo trang bị đủ kiến thức để những người có trách nhiệm thực hiện tốt các nguyên tắc về chế biến thực phẩm, do đó nhiều năm nay, trên địa bàn tỉnh chưa để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm trong các trường học.
Tuy nhiên, hầu hết các loại thực phẩm cung cấp cho các trường học thường được hợp đồng bằng miệng, hoặc có được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăng nữa thì việc kiểm soát chất lượng thực phẩm hiện nay tương đối khó khăn, thường trông chờ vào uy tín, đạo đức của người kinh doanh, cung cấp. Một số trường việc ký hợp đồng mua bán thực phẩm sạch, an toàn còn thiếu chặt chẽ; nhiều trường còn dùng bát nhựa, cốc nhựa cho học sinh; một số trường, nhà vệ sinh còn đặt gần khu chế biến thức ăn; giáo viên, cán bộ phụ trách dinh dưỡng không được kiểm tra sức khỏe định kỳ theo quy định; bếp ăn xây dựng chưa đúng quy cách, còn dùng chung dụng cụ chế biến thực phẩm sống và chín.
Trước nhu cầu thực tế, đòi hỏi bản thân các trường học thực hiện cho học sinh ăn bán trú tại trường phải thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc về ATVSTP, quan tâm đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất (có thể kêu gọi phụ huynh đóng góp, xã hội hóa công tác giáo dục) để xây dựng những bếp ăn đạt tiêu chuẩn. Đồng thời các cấp, các ngành cũng cần tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức thực hiện ATVSTP trong các nhà trường, tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất với những cơ sở chế biến, cung cấp thực phẩm, các bếp ăn trong trường học, từ đó kịp thời nhắc nhở, có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các cơ sở vi phạm…
Hạnh Chi