Công ty TNHH giày Adora Việt Nam (KCN Tam Điệp) có 100% vốn đầu tư nước ngoài với ngành nghề chính là sản xuất, gia công xuất khẩu giày dép thành phẩm và bán thành phẩm các loại vật tư, nguyên phụ liệu ngành giày dép. Năm nay là năm thứ 7 Công ty bước vào hoạt động. Bên cạnh đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng doanh thu và nâng cao đời sống cho người lao động, doanh nghiệp luôn quan tâm và thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hàng năm, Công ty tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho các vệ sinh viên, chính những an toàn vệ sinh viên này là kênh tuyên truyền hiệu quả những kiến thức về an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ (ATVSLĐ - PCCN) đến người lao động. Nhờ đó, đông đảo công nhân lao động không chỉ hiểu biết và có ý thức bảo vệ tính mạng, sức khỏe bản thân, còn thường xuyên được bồi dưỡng, huấn luyện về luật và những kỹ năng PCCN để chủ động ứng cứu kịp thời. Cùng với đó, Công ty tích cực cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động như: lắp quạt thông gió, hút bụi, giảm nguồn gây ồn, định kỳ bảo dưỡng máy…, tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Công tác khám sức khỏe định kỳ, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động cũng được tiến hành mỗi năm 2 lần, qua đó, dựa vào kết quả khám bệnh mà có sự phân công công việc phù hợp với sức khỏe của người lao động. Với những hoạt động tích cực này, nhiều năm qua, Công ty không để xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng nào. Ông Hoàng Văn Trung, Chánh thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, sự thay đổi về nhận thức của người đứng đầu doanh nghiệp đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác ATVSLĐ ở tỉnh ta những năm qua. Thể hiện rõ nhất đó là việc các đơn vị đã chủ động phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành trong việc thanh, kiểm tra công tác đảm bảo ATVSLĐ tại đơn vị thay vì trốn tránh hoặc làm đối phó như trước đây. Thậm chí, nhiều đơn vị còn coi những đợt kiểm tra liên ngành là cơ hội để họ hoàn thiện hơn công tác đảm bảo ATVSLĐ ở đơn vị mình một cách chuẩn chỉ nhất. Thông qua các đợt thanh, kiểm tra an toàn lao động, đoàn kiểm tra liên ngành đã tập trung vào các nội dung như: Trực tiếp kiểm tra về các biện pháp kỹ thuật an toàn và phòng, chống cháy nổ; các biện pháp về kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động, phòng chống độc hại và an toàn lao động trong sản xuất; công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động; kiểm tra việc tổ chức đăng ký, kiểm định máy móc, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, kiểm tra việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về bảo hộ lao động, tai nạn lao động và phòng, chống cháy nổ; công tác tuyên truyền huấn luyện về ATVSLĐ-PCCN…
Qua kiểm tra thực tế, cơ bản các đơn vị, doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm túc và quan tâm đến công tác ATVSLĐ-PCCN. Một số tồn tại thường gặp ở những năm trước như: vệ sinh tại nơi làm việc chưa đảm bảo, một số trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy đã hư hỏng; người lao động của một số doanh nghiệp vẫn chưa được tập huấn về công tác ATVSLĐ-PCCN… đã dần được khắc phục. Đối với những đơn vị tái phạm nhiều lần, đoàn kiểm tra đã có các biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời, do vậy hiệu quả của công tác thanh, kiểm tra được nâng lên. Năm 2016, qua công tác thanh, kiểm tra đã phát hiện gần 100 vi phạm, trong đó chủ yếu là các lỗi như: không xây dựng kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động, không tổ chức huấn luyện an toàn-vệ sinh lao động, không tổ chức hoặc tổ chức khám sức khỏe không đầy đủ số người lao động, không tổ chức hoặc tổ chức khám bệnh nghề nghiệp không đầy đủ số người lao động, không tổ chức đo, kiểm định môi trường lao động hàng năm... Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiến nghị, tư vấn cho các đơn vị các giải pháp nhằm khắc phục, xử lý các vi phạm trong công tác ATVSLĐ tại đơn vị.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Trung, Chánh thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, mặc dù công tác đảm bảo an toàn lao động đã có nhiều chuyển biến, song vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đòi hỏi mỗi đơn vị, doanh nghiệp, mỗi cá nhân cần tiếp tục trang bị kiến thức, ý thức tuân thủ các biện pháp bảo đảm an toàn. Bởi theo ông Trung, trong tổng số trên 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với đặc thù là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên hầu hết các đơn vị mới chỉ chú trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh chứ chưa chú trọng nhiều đến công tác an toàn trong sản xuất. Bởi vậy, những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng thường xảy ra ở những đơn vị này.
Trước thực tế đó, trong năm 2017, cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra vấn đề an toàn vệ sinh lao động tập trung nhiều vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ với mục đích đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động. Trên cơ sở đó, hướng dẫn họ thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn cho người lao động một cách hiệu quả nhất. Một điểm mới trong năm 2017, đó là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư hướng dẫn tổ chức Tháng An toàn vệ sinh lao động (thay thế Tuần lễ Quốc gia an toàn vệ sinh lao động). Như vậy, trong thời gian một tháng, các hoạt động hưởng ứng sẽ được tỉnh ta triển khai phong phú hơn, đậm nét hơn, nhất là việc đưa các nội dung quan trọng của Luật An toàn vệ sinh lao động vào doanh nghiệp và đến với người lao động, từ đó tạo sự chuyển biến mới, tác động sâu sắc đến nhận thức, ý thức của cấp ủy, chính quyền mỗi địa phương, mỗi đơn vị và mỗi cá nhân trong quan hệ lao động.
Nguyễn Hùng