Ngày 25/1 là ngày theo lịch tiêm chủng mở rộng tại tất cả các địa phương trong tỉnh, tại Trạm y tế thị trấn Yên Ninh có khá đông trẻ em được đưa đến tiêm phòng. Buổi sáng, có 59 liều tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 ComBE Five (là vắc xin phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi do vi khuẩn Hib) được tiêm cho trẻ. Chị Nguyễn Thị Tuyết, phố Nam Giang, thị trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh) cho biết, con chị hiện được 4 tháng tuổi, đã thực hiện tiêm phòng các mũi lao, 5 trong 1 mũi 1, viêm gan B và nay đến lịch đi tiêm mũi 5 trong 1 mũi 2. "Trước đó, gia đình tôi nhận được tin nhắn qua điện thoại của Trạm y tế về lịch tiêm, thời gian tiêm, mũi tiêm, nên đúng ngày, thấy cháu khỏe mạnh, gia đình đưa cháu đi tiêm. Đến Trạm, cháu được kiểm tra sức khỏe, thực hiện tiêm phòng và ra phòng chờ 30 phút mới về nhà tiếp tục theo dõi, nếu có vấn đề gì điện thoại trực tiếp cho cán bộ y tế tại trạm... Tôi được tư vấn, hướng dẫn cặn kẽ nên rất yên tâm cho con đi tiêm chủng theo lịch, đảm bảo cho con phòng chống được các bệnh nguy hiểm..." - chị Tuyết cho biết thêm.
Y sỹ Lại Tiến Thạnh, Trạm trưởng Trạm y tế thị trấn Yên Ninh cho biết: Trong đợt tiêm chủng tháng này, thị trấn Yên Ninh có 250 cháu được tiêm các mũi vắc xin, gồm 5 trong 1 ComBE Five; sởi mũi 1 và 2; bạch hầu-ho gà - uốn ván mũi 2 và viêm não Nhật Bản mũi 1,2,3. Để đạt được kết quả cao nhất trong đợt tiêm phòng đầu tiên năm 2019, trước ngày tiêm chủng, Trạm y tế thị trấn Yên Ninh đã tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng, trên cơ sở các nội dung, hướng dẫn của Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Đồng thời gửi tin nhắn theo hệ thống SMAS cho tất cả các gia đình có con trong độ tuổi, đưa trẻ đi tiêm phòng theo lịch.
Để đảm bảo an toàn trong công tác tiêm chủng, buổi sáng trước khi tiến hành tiêm vắc-xin cho trẻ, nhân viên y tế đã lắc và quan sát lọ vắc xin ComBE Five trước khi sử dụng; đồng thời tư vấn, dặn dò đầy đủ cho các bậc cha mẹ những việc cần làm, đảm bảo an toàn khi tiêm chủng cho trẻ. Đồng thời, tại Trạm y tế cũng bố trí phòng theo dõi phản ứng sau tiêm 30 phút, nếu không có biểu hiện bất thường sau tiêm sẽ được về nhà và tiếp tục theo dõi tại gia đình. Với cách làm bài bản, chặt chẽ, đúng quy trình như vậy, nhiều năm qua, trên địa bàn thị trấn Yên Ninh không để xảy ra sai sót, tai biến sau tiêm.
Bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Vắc-xin ComBE Five gọi tắt là "vắc xin 5 trong 1", đã được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép, được nhà nước cấp miễn phí cho trẻ em theo quy định, tiêm phòng để ngừa 5 loại bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan và Hip viêm phổi. Cũng như nhiều loại vắc xin khác, sau khi tiêm ComBE Five, trẻ có thể sẽ có những phản ứng như: sốt, sưng đau tại chỗ tiêm; một số trẻ có thể biếng ăn, kém bú… cá biệt có trẻ phải nhập viện bởi không có vắc xin nào an toàn tuyệt đối vì vắc xin cũng như thuốc, sinh phẩm khác, khi sử dụng có thể gây phản ứng dị ứng trên những cơ địa nhất định. Tuy nhiên, đó chỉ là những phản ứng thông thường và sẽ mất đi sau khoảng 24 - 48 giờ. Song hiệu quả phòng bệnh của vắc xin ComBE Five lại rất cao và nếu trẻ không được tiêm chủng đầy đủ sẽ có nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm.
Đợt tiêm chủng lần này, tỉnh Ninh Bình có 3.840 liều vắc xin ComBE Five được phân bổ cho 8 huyện, thành phố thực hiện tiêm phòng cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên. Để bảo đảm an toàn trong công tác tiêm chủng, thời gian qua, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn nhằm trang bị cho đội ngũ cán bộ y tế các xã, phường, thị trấn và các huyện, thành phố trong tỉnh những kiến thức, hướng dẫn mới nhất về khám sàng lọc, theo dõi sau tiêm, ghi chép sổ sách, công tác hậu cần, xử lý phản ứng chống sốc phản vệ… Đồng thời, ngành Y tế tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh các hoạt động, như tăng cường giám sát hỗ trợ trước, trong và sau tiêm, chú trọng việc tư vấn sức khỏe cho các bà mẹ có trẻ nhỏ, thực hiệm nghiêm túc việc khám, sàng lọc trước tiêm, nhằm bảo đảm tốt nhất cho công tác tiêm chủng trên địa bàn tỉnh.
Cùng với việc tăng cường giám sát các hoạt động tiêm chủng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh còn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân các kiến thức cơ bản về tiêm chủng mở rộng. Tại các điểm tiêm và qua các phương tiện thông tin đại chúng, cán bộ y tế lồng ghép việc khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm túc những quy định về an toàn tiêm chủng, như: Phụ huynh cần cung cấp đầy đủ tình trạng sức khỏe của trẻ cho cán bộ y tế trước khi tiêm chủng; nên để trẻ nghỉ ngơi tại cơ sở y tế ít nhất là 30 phút để được cán bộ y tế theo dõi sức khỏe sau tiêm, có chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ chất cho trẻ sau tiêm.... Và khi trẻ có những dấu hiệt bất thường, như sốt cao từ 39 độ C trở lên, co giật, quấy khóc, khó thở, mệt mỏi, bú kém, bị nôn trớ, tại vết tiêm xuất hiện quầng đỏ lan rộng… phụ huynh cần thông báo ngay với cán bộ y tế và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để có các biện pháp xử lý kịp thời nhằm bảo đảm sức khỏe và độ an toàn cho trẻ.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh