Phóng viên (PV): Xin ông cho biết công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn được địa phương quan tâm thực hiện như thế nào? Ông Ngô Văn Hà: Hiện nay, toàn xã có trên 50 nhà hàng, hộ kinh doanh ăn uống và hàng chục cơ sở sản xuất thực phẩm, phục vụ ăn uống nhỏ lẻ như giò chả, bánh bún, giết mổ gia súc, gia cầm, quán ăn… Thời gian qua, địa phương tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức đoàn đi kiểm tra công tác an toàn thực phẩm đối với các đơn vị kinh doanh ăn uống.
Chất lượng các cuộc kiểm tra ngày được tăng lên với việc tham gia của các đơn vị như y tế, các tổ chức đoàn thể ở địa phương. Công tác kiểm tra được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mặt hàng được sử dụng nhiều và tập trung vào các cơ sở không đạt yêu cầu trong những lần kiểm tra trước, cũng như các cơ sở có dấu hiệu vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Qua kiểm tra cho thấy, ưu điểm nổi bật là các cơ sở đã chấp hành tốt các thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm, đáp ứng các điều kiện về trang thiết bị, lao động tham gia chế biến thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo không có chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Các nhà hàng đã thực hiện việc ký kết hợp đồng với nơi cung cấp thực phẩm, có sổ sách ghi chép nguồn gốc thực phẩm và thực hiện lưu mẫu thức ăn theo quy định. Tuy nhiên, một số cơ sở nhỏ lẻ vẫn còn mắc các lỗi như: do có sự thay đổi liên tục về lao động thời vụ nên việc khám sức khỏe cho nhân viên theo định kỳ chưa được chú trọng; việc giữ gìn vệ sinh môi trường tại nơi chế biến chưa đảm bảo; người tham gia chế biến, phục vụ ăn uống không được trang bị bảo hộ theo quy định; có cơ sở không ký kết hợp đồng mua nguyên liệu mà mua thực phẩm ngoài chợ hoặc thu mua lẻ của người dân, chưa thực hiện việc lưu mẫu thực phẩm…
Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi kết hợp luôn với công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục kiến thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác đảm bảo VSATTP. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện các cơ sở vi phạm sẽ kiên quyết xử lý theo đúng các quy định của pháp luật và tuyệt đối không để các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường, gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Với những nỗ lực đó, từ nhiều năm nay trên địa bàn xã Gia Sinh không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.
PV: Theo ông, để làm tốt công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì đâu là yếu tố quan trọng?
Ông Ngô Văn Hà: Để làm tốt công tác đảm bảo ATTP đòi hỏi rất nhiều yếu tố, nhưng theo kinh nghiệm thực tiễn của địa phương thì vấn đề phải đặt lên hàng đầu đó là huy động được sự tham gia nhiệt tình của mọi người dân. Bởi lẽ, người dân vừa là người tiêu dùng, vừa là người giám sát tốt nhất việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.
Trước đây người dân trong xã tiêu dùng chủ yếu dựa vào thói quen. Họ chỉ sử dụng và mua những thực phẩm ở chỗ quen mà không quan tâm nhiều đến vấn đề an toàn của những thực phẩm ấy. Còn đối với những hộ kinh doanh mặt hàng ăn uống thì thường trốn tránh mỗi khi có các đoàn kiểm tra tới làm việc...
Trước thực trạng đó, chúng tôi xác định muốn thu hút được sự quan tâm của người dân đối với công tác an toàn thực phẩm thì công tác tuyên truyền phải được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Theo đó, chúng tôi tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách để lựa chọn những thực phẩm an toàn. Muốn biết được sản phẩm an toàn thì phải biết rõ nguồn gốc xuất xứ; đối với người bán, khi nhập sản phẩm phải có nhãn mác, xuất xứ, ngày sản xuất rõ ràng thì mới nhập về để bán. Đối với người tiêu dùng, khi mua phải biết rõ sản phẩm này là của cơ sở nào, hãng nào sản xuất và chất lượng các sản phẩm này như thế nào…
Còn đối với những cơ sở kinh doanh ăn uống, chúng tôi tuyên truyền để họ hiểu sức khỏe người tiêu dùng sẽ làm nên thương hiệu của mỗi nhà hàng, cơ sở phục vụ ăn uống. Thông qua việc kiểm tra, chúng tôi sẽ giúp họ chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế để hoàn thiện hơn quy trình lựa chọn, chế biến, phục vụ khách hàng ăn uống một cách an toàn, khoa học. Thấy rõ lợi ích đó, dần dần người dân và những cơ sở kinh doanh mặt hàng ăn uống đã quan tâm nhiều hơn đến công tác an toàn thực phẩm.
PV: Tết Nguyên đán đang tới gần đồng nghĩa với việc địa phương chuẩn bị đón một lượng khách lớn về tham quan, chiêm bái Chùa Bái Đính, xã đã có những hoạt động gì để đảm bảo công tác ATTP trên địa bàn?
Ông Ngô Văn Hà: Trung bình mỗi ngày, xã Gia Sinh đón hàng ngàn lượt khách du lịch về tham quan chiêm bái Chùa Bái Đính. Đặc biệt, vào dịp lễ, Tết lượng khách đổ về gấp đôi, gấp ba, đã tạo áp lực lớn đối với địa phương trong mọi phương diện, đặc biệt là trong công tác đảm bảo ATTP, đảm bảo sức khỏe cho du khách. Bởi lẽ, thông thường vào dịp này, các loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ được lợi dụng để trà trộn.
Theo đó, trước những ngày lễ, Tết, lễ hội thì địa phương đều xây dựng kế hoạch và triển khai công tác bảo đảm vệ sinh thực phẩm.Thời điểm này, Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm của xã phối hợp với các hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức thực hành an toàn thực phẩm phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể; làm rõ vai trò của người sản xuất, kinh doanh dịch vụ thực phẩm trong việc đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật; thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông các cơ sở vi phạm pháp luật an toàn thực phẩm, các sản phẩm độc hại, không đảm bảo chất lượng để người tiêu dùng biết và phòng tránh…
Đồng thời, địa phương cũng chủ động, tăng cường các hoạt động kiểm tra kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nói chung, cuộc chiến với thực phẩm bẩn bao giờ cũng cam go, vất vả, song với quan điểm làm tốt công tác ATVSTP cũng là một cách để làm du lịch một cách văn minh, chuyên nghiệp, chúng tôi tin rằng mỗi cơ sở kinh doanh ăn uống, mỗi một người dân sẽ làm tốt công tác này. Bởi lẽ, ở họ đều có ý thức gìn giữ, quảng bá hình ảnh tốt đẹp về mảnh đất và con người Gia Sinh trong lòng du khách.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Nguyễn Hùng