Thực tế cho thấy các vụ hỏa hoạn luôn xảy ra bất ngờ và để lại hậu quả khôn lường. Đêm 18/6 vừa qua, tại tầng hai nhà ở kết hợp kinh doanh đồ gia dụng của ông Bùi Ngọc Ký, số nhà 105, đường Nguyễn Huệ, phường Nam Bình, thành phố Ninh Bình đã bất ngờ xảy ra vụ cháy lớn. Diện tích bị cháy là phần gia đình ông Ký cơi nới thêm bằng khung sắt và mái lợp tôn, dùng để chứa hàng hóa, trong đó có những hàng hóa là chất dễ cháy như sơn, keo, nhựa, thùng bìa cát tông... Qua khám nghiệm hiện trường, lực lượng chức năng đã kết luận nguyên nhân vụ cháy là do chập hệ thống điện, rất may không có thiệt hại về người; thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 24 triệu đồng. Hay vụ cháy xảy ra vào cuối giờ chiều 9/5 tại Ngân hàng SHB chi nhánh Ninh Bình, có địa chỉ tại số nhà 55, đường Trần Hưng Đạo, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình, trong đó có 4 người bị mắc kẹt, lực lượng cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an tỉnh đã có mặt kịp thời nên không có thiệt hại về người; tài sản thiệt hại khoảng 30 triệu đồng. Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do nổ aptomat gây chập, cháy hệ thống dẫn điện.
Theo thống kê của đơn vị chức năng, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy, trong đó 4 vụ cháy tại khu dân cư; mặc dù không có vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, nhưng các vụ cháy trên phần nào cho thấy nguy cơ cháy nổ tại khu dân cư trong mùa nắng nóng, nhất là hộ gia đình kết hợp nhà ở với sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ có thể xảy ra cháy bất cứ lúc nào. Hiện trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn các cơ sở kinh doanh mặt hàng dễ cháy nằm xen lẫn trong khu dân cư; trong đó, nhiều cơ sở có hệ thống điện không đảm bảo an toàn trong khi hàng hóa chưa được bố trí, sắp xếp bảo đảm các điều kiện về khoảng cách an toàn PCCC... Bên cạnh đó, hiện nay do dịch COVID - 19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khiến công tác tuyên truyền và tổ chức thực tập các phương án chữa cháy định kỳ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các khu dân cư trọng điểm, công tác kiểm tra, hướng dẫn đảm bảo PCCC bị hạn chế... làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác PCCC&CNCH trên địa bàn.
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn cháy, nổ xảy ra tại hộ gia đình, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, thực hiện từ ngày 15/5 đến hết ngày 15/10. Đợt kiểm tra được chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 thực hiện từ 15/5 đến 15/7, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn PCCC&CNCH đến người dân; thực hiện công tác điều tra cơ bản, rà soát, lập danh sách các khu dân cư tập trung, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư; giai đoạn 2 thực hiện từ ngày 16/7 đến 15/10, trong đó thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành các cấp, tổ chức tổng kiểm tra công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các chủ hộ gia đình, người dân sinh sống, làm việc tại khu dân cư tập trung, nhà ở liền kề, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; yêu cầu chủ hộ ký cam kết bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
Là đơn vị chủ lực trong công tác PCCC & CNCH, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn xây dựng các phóng sự, tin, bài tuyên truyền về công tác PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất và kinh doanh nhỏ lẻ; đặc biệt đã trực tiếp xây dựng video hướng dẫn dễ hiểu, dễ nhớ các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt, hướng dẫn người dân bảo đảm các điều kiện về thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra; cảnh báo nguy cơ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra để tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân qua trang fanpage của Công an tỉnh. Đồng thời, tiến hành rà soát các khu dân cư có nhiều nguy hiểm về cháy, nổ, các hộ gia đình kết hợp nhà ở với sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh để triển khai công tác kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC. Đến nay Phòng đã hướng dẫn cho gần 500 hộ gia đình ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt; vận động nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố Ninh Bình cắt phá các "chuồng cọp", mở lối thoát nạn; kiểm tra an toàn PCCC trên 200 lượt cơ sở, trong đó có trên 50 hộ gia đình kết hợp nhà ở với sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao và hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC và thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra... Qua kiểm tra, đã phát hiện, xử lý trên 20 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 70 triệu đồng; hướng dẫn cơ sở khắc phục trên 200 sơ hở, thiếu sót trong công tác PCCC & CNCH. Để sẵn sàng chủ động PCCC trong mùa nắng nóng, Phòng luôn bố trí lực lượng thường trực thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng các dụng cụ, phương tiện chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, hệ thống thông tin liên lạc, chuẩn bị các điều kiện phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Thượng tá Vũ Văn Tòng, Phó trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an tỉnh cho biết: thời gian tới, các giải pháp trên sẽ tiếp tục được tăng cường thực hiện, hiện nay đơn vị đang xây dựng kế hoạch thực hiện giai đoạn 2 của đợt cao điểm để tiến hành tổng kiểm tra công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn, mục tiêu là nhằm hạn chế thấp nhất khả năng cháy nổ có thể xảy ra trên địa bàn và xử lý kịp thời các tình huống cháy, nổ ngay từ khi mới phát sinh, không để cháy lan.
Bài, ảnh: Kiều Ân