TIỀM ẨN NGUY CƠ TAI NẠN TẠI CÁC BẾN KHÁCH NGANG SÔNG
Không thể phủ nhận vai trò của các bến khách ngang sông đã giúp cho người dân đi lại thuận tiện, rút ngắn được khoảng cách di chuyển. Tuy nhiên, hoạt động của các bến khách ngang sông hiện nay cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, cần được quan tâm. Theo chúng tôi được biết, hiện trên địa bàn toàn tỉnh chưa có bến đò nào được Sở Giao thông - Vận tải cấp phép được chở ô tô. Mặc dù vậy, các chủ phương tiện tại các bến khách ngang sông vẫn vô tư chở ô tô, thậm chí là cả những chiếc xe tải nặng.
Tại bến đò Kim Hải (Kim Sơn) theo quy định của Sở Giao thông Vận tải, bến đò này không đủ tiêu chuẩn để chở ô tô, vì chưa đáp ứng đủ điều kiện về bến bãi. Thế nhưng, chủ bến đò này vẫn cho phép những chiếc ô tô lớn, nhỏ lên đò. Được biết, tại bến đò này, hàng ngày có tới hàng chục ô tô qua lại.
Anh Trần Văn Hùng, một hành khách đi đò cho biết: Vào mùa mưa lũ, nước dâng cao, mỗi lần qua sông tôi rất lo, nhất là những hôm đông khách, phà chở nhiều xe ô tô, nhiều lúc xe to xuống đò, làm đò chòng chành rất sợ... Không có lựa chọn nào khác, tôi vẫn phải đi.
Theo quan sát của chúng tôi, không chỉ riêng bến đò Kim Hải, mà dọc tuyến đê sông Đáy trên địa bàn các huyện Yên Khánh, Kim Sơn hầu hết các đò đều tự ý chở ô tô khi bến chưa được cấp phép. Không chỉ có vậy, trên địa bàn tỉnh ta còn những bến đò hoạt động manh mún, phương tiện thô sơ, cũ nát nhưng vẫn tồn tại, ẩn họa nhiều nguy cơ tai nạn, khiến chúng tôi không khỏi rùng mình.
Tại bến đò Càn Thượng (thuộc xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn) hoạt động trên sông Càn nối huyện Kim Sơn với huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), một bến khách nhỏ, nhưng chủ đò cho biết mỗi ngày cũng có khoảng 30- 40 lượt khách và phương tiện qua lại.
Được biết, bến đò này đã hết thời hạn cấp phép; đò cũng được làm rất thủ công và đã có dấu hiệu mục nát, lại không trang bị đủ áo phao, không đảm bảo điều kiện để hoạt động, gọi là đò nhưng đúng hơn đó chỉ là một "mảng bè trôi". Khi hỏi tại sao đò cũ mà không trang bị áo phao phòng ngừa rủi ro, chủ đò hồn nhiên trả lời "chúng tôi cũng đã chuẩn bị đầy đủ phao, nhưng hôm nay cho người ta mượn đi tắm biển rồi".
Trao đổi vấn đề này với ông Nguyễn Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Mỹ, được biết: Hiện nay, trên địa bàn xã Kim Mỹ có 3 bến đò đang hoạt động với tình trạng tương tự như trên, xã đã yêu cầu các chủ đò khẩn trương nâng cấp phương tiện, bến bãi, đồng thời sẽ tạm đình chỉ hoạt động, chỉ khi các chủ đò hoàn thiện đầy đủ các thủ tục về bến, phương tiện và người lái thì mới cho hoạt động trở lại.
Không những thế, tại hầu hết các bến đò còn thường xảy ra những vi phạm về quy định mặc áo phao, do nhận thức của một bộ phận chủ đò cũng như hành khách còn hạn chế, hành khách qua sông còn chủ quan, chưa tự giác chấp hành việc mặc áo phao, đeo dụng cụ nổi. Một số bến không có biển quy định nội quy bến hoặc có thì cũng đã cũ, rách, chữ mờ khó đọc.
Đại diện Sở Giao thông - Vận tải cho biết: Lực lượng thanh tra giao thông đã thường xuyên tuần tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, khi không có mặt lực lượng chức năng thì các đò lại tái phạm.
Ngoài ra, hàng năm, Sở đều thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động của các bến, nhưng trong các đợt thanh, kiểm tra phát hiện rất ít vi phạm, bởi khi tiến hành thanh, kiểm tra theo kế hoạch thường phải báo trước cho các chủ bến lịch làm việc của đoàn nên rất khó xử lý được những sai phạm này.
Bên cạnh đó, việc cấp phép cho các bến khách ngang sông đủ điều kiện chở ô tô theo quy định của Thông tư 50 của Bộ Giao thông - Vận tải cũng vấp phải nhiều khó khăn trong quá trình làm thủ tục và phụ thuộc vào nhiều sở, ngành cùng tham gia thẩm định, không thể làm trong một sớm, một chiều.
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ KIỂM SOÁT HOẠT ĐỘNG CÁC BẾN KHÁCH NGANG SÔNG
Lực lượng cảnh sát giao thông tuyên truyền Luật ATGT đường thủy nội địa cho chủ đò và hành khách đi đò.
Ninh Bình hiện có tuyến sông ngòi dày đặc, với tổng chiều dài gần 300km gồm sông Đáy, sông Vạc, sông Hoàng Long… với trên 4.500 phương tiện thủy hoạt động.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 25 bến khách ngang sông họat động, nhiều bến đò đã trở thành quen thuộc đối với người dân thường xuyên qua lại hàng ngày.
Để đảm bảo an toàn tại các bến đò ngang, Ban ATGT các cấp đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn gắn với thực hiện phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước".
Trong đó, các địa phương đã thường xuyên phân công lực lượng tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở và rà soát, kiểm tra hoạt động tại các bến đò trên địa bàn.
Đồng chí Trần Quân, Phó phòng Kinh tế hạ tầng huyện Kim Sơn cho biết: Vào đầu mùa mưa bão hàng năm huyện đều chủ động phối hợp với các xã kiểm tra hoạt động của các bến đò, nhắc nhở các chủ đò kiểm tra, bảo dưỡng máy móc, trang bị đầy đủ phao cho hành khách lên đò; nghiêm cấm các đò hoạt động khi có bão lũ, đồng thời yêu cầu chủ đò giảm 25% lượng khách trên mỗi chuyến đò trong mùa mưa bão.
Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông thường xuyên tuyên truyền kết hợp tuần tra, kiểm soát trên các tuyến sông, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
Ngoài việc tuyên truyền, kiểm tra thường xuyên, mới đây Sở Giao thông - Vận tải đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh và các lực lượng chức năng thuộc Sở Giao thông - Vận tải tổ chức đi kiểm tra hoạt động tại tất cả các bến đò ngang trên địa bàn tỉnh.
Qua kiểm tra cho thấy đa số các chủ đò chở khách ngang sông đã quan tâm đăng ký, đăng kiểm phương tiện; người điều khiển đò, tàu thuyền có chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Đường lên xuống các bến đò cơ bản đã được đầu tư xây dựng cứng hóa bằng bê tông xi măng, tạo thuận lợi cho việc lên xuống đò của hành khách. Công tác quản lý, sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh được các chủ phương tiện, hành khách sử dụng thường xuyên khi đi đò.
Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng phát hiện một số bến đò chưa có giấy phép mở bến nhưng vẫn hoạt động; một số lái đò chưa có chứng chỉ chuyên môn theo quy định. áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh ở một số đò chở khách ngang sông đã cũ, hư hỏng không bảo đảm an toàn cho hành khách đi đò, nhưng chưa được chủ đò bổ sung, thay thế kịp thời.
Đoàn đã nhắc nhở, cảnh cáo một số trường hợp lái đò chưa có bằng lái thuyền trưởng hạng 3, để phao không đúng nơi quy định và một số bến vi phạm hoạt động khai thác bến; yêu cầu đình chỉ 3 bến đò chở khách do không đủ điều kiện hoạt động.
Cùng với việc kiểm tra, lực lượng liên ngành đã yêu cầu tất cả các chủ bến và người chở đò ký cam kết chấp hành quy định của pháp luật về vận chuyển khách trên đường thủy nội địa.
Tuy nhiên, để các bến khách ngang sông đi vào hoạt động ổn định, đảm bảo ATGT trên đường thủy, về lâu dài đề nghị các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tới các chủ bến, người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông thủy thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa; sớm nghiên cứu đưa ra những chính sách mở nhằm giúp các chủ bến đò hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đủ điều kiện được cấp phép chở ô tô, tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân cũng như đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của các chủ bến khách ngang sông; tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông đường thủy, các bến khách ngang sông để phát hiện, xử lý nghiêm các phương tiện, bến chở khách vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thủy, nhất là các bến, phương tiện không đủ điều kiện đã bị cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động.
Cần xác định và quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra các vi phạm và tai nạn đò ngang trên địa bàn quản lý mà nguyên nhân do bến đò hoặc phương tiện không đủ các điều kiện an toàn và chở quá số người theo quy định...
Bài, ảnh: Kiều Ân