Chúng tôi có mặt tại bến đò xã Quang Thiện (Kim Sơn) vào một ngày cuối tháng 8, khi những trận mưa đang ào ào trút xuống, mực nước sông Đáy dâng cao so với ngày thường, nhưng vẫn có hàng trăm hành khách thường xuyên qua lại mỗi ngày, ai cũng có cảm giác rùng mình, lo sợ khi nghĩ đến chẳng may có sự cố khi đang qua đò. Để đảm bảo an toàn cho hành khách, nhất là trong mùa mưa bão, chính quyền địa phương, chủ đò và lực lượng chức năng đã quan tâm chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất phục vụ hành khách.
Chủ bến đò Quang Thiện cho biết: Nhận thức được việc đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho hành khách đi đò là rất quan trọng, vì vậy bến đò đã khẩn trương sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, thực hiện đúng, đủ mọi quy định Nhà nước đề ra như trang bị đầy đủ phao, dụng cụ nổi cầm tay, thực hiện đúng quy trình đăng ký, thời gian đăng kiểm phương tiện, duy tu bảo dưỡng đò thường xuyên, người lái đò được học và cấp chứng chỉ chuyên môn về lái phương tiện thủy, cơ sở vật chất đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho hành khách. Anh Nguyễn Văn Thanh - một hành khách trên đò cho biết: Tôi thường đi mua hàng ở bên Nghĩa Hưng về để kinh doanh, nên thường xuyên phải đi qua đò này.
Mặc dù trên đò có chuẩn bị đầy đủ áo phao và chủ đò cũng nhắc nhở hành khách mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi cầm tay khi đi đò, nhưng tôi cũng vẫn chủ động mang theo một áo phao đề phòng tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Một số người đã thực hiện việc mặc áo phao, nhưng vẫn còn có những người có tâm lý chủ quan không thực hiện. Anh Nguyễn Đức Hòa - hành khách đi đò cho biết: "Tôi thường về quê và đi qua đò này, chủ đò có tuyên truyền cần mặc áo phao hoặc cầm vật nổi nhưng mặc áo phao vướng víu, mất thời gian nên tôi cũng ngại mặc, với lại tôi cũng biết bơi. Rõ ràng, vẫn có một bộ phận người dân đã được tuyên truyền và hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông khi đi đò nhưng vẫn coi thường, thờ ơ với chính tính mạng của bản thân.
Tại các bến đò khác trên địa bàn tỉnh, công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy cũng đã được thực hiện, đến nay các bến cơ bản đã được đổ bê tông, một số bến được gia cố bằng đá cấp phối đảm bảo cho khách lên xuống an toàn, thuận lợi, các đò cũng đã trang bị cơ bản đủ điều kiện an toàn, thân đò chắc chắn, có đủ đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phương tiện tại các bến khách trên sông đã được cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định...
Ninh Bình hiện có tuyến sông ngòi dày đặc, trong đó có 4 sông do Trung ương quản lý với tổng chiều dài 155,5km gồm sông Đáy, sông Vạc, sông Hoàng Long, sông Yên Mô; 12 sông do địa phương quản lý với tổng chiều dài 143,3 km với 4.647 phương tiện thủy, trong đó 57 đò chở khách, 2.976 đò du lịch, 1.021 tàu vận tải, 593 tàu cá và phương tiện tham gia đánh bắt thủy sản mùa vụ. Có 35 bến khách ngang sông hoạt động, với 51 đò chở khách.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 khu, điểm du lịch có hoạt động vận chuyển khách du lịch bằng thuyền là Tam Cốc - Bích Động, Tràng An, Vân Long, Kênh Gà - Vân Trình với tổng số thuyền tham gia vận chuyển khách là 2.904 chiếc. Với sự hoạt động mạnh và gia tăng của các loại phương tiện thủy, thời gian qua các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đã chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo an toàn giao thông tại các cảng, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, các luồng tuyến có các điểm phức tạp gây cản trở giao thông, ùn tắc giao thông.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy Công an tỉnh, trong giai đoạn 2011-2013, lực lượng cảnh sát Giao thông đường thủy toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 2.433 trường hợp vi phạm Luật giao thông đường thủy nội địa, phạt tiền trên 253 triệu đồng; vận động nhân dân tháo dỡ 61 điểm đặt đăng, đáy, buôn bán luồng, nứa làm ảnh hưởng đến dòng chảy trên sông, đình chỉ 3 bến đò không đủ điều kiện hoạt động, nhắc nhở trên 300 trường hợp vi phạm neo đậu, không chấp hành thông báo của chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa. Phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường kiểm tra, phát hiện và thu giữ 5.000 tấn quặng sắt không rõ hóa đơn, chứng từ; nhắc nhở 20 trường hợp, thu 4 bình ắc quy, 5 kích điện và một số công cụ, phương tiện vi phạm; phối hợp bắt giữ 22 trường hợp buôn lậu, vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, nguồn gốc, tài sản tịch thu trị giá trên 3,8 tỷ đồng. Cũng thông qua công tác tuần tra, kiểm soát đã phát hiện, bắt giữ 13 vụ, 30 đối tượng vi phạm, gồm: đánh bạc 4 vụ, 17 đối tượng thu giữ trên 8 triệu đồng; trộm cắp tài sản 2 vụ, 7 đối tượng, thu hồi 1 xe máy, 600lít dầu diezen; sử dụng trái phép chất ma túy 6 vụ, 6 đối tượng...
Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy đã phối hợp với các ngành liên quan triển khai tổ chức tuyên truyền tới người dân bằng nhiều hình thức như qua các Hội thi tìm hiểu pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, sử dụng phương tiện lưu động bằng tàu, xuồng máy có gắn loa, phát trên hệ thống loa truyền thanh đến các thôn, xóm, treo băng zôn, khẩu hiệu tại những nơi phương tiện neo đậu, nơi người dân tập trung sinh sống, làm nghề trên sông, phát tờ rơi, các tài liệu tuyên truyền đến đối tượng tham gia giao thông đường thủy...; ký cam kết không vi phạm về trật tự ATGT đường thủy với các tổ chức, cá nhân là các chủ bến khách ngang sông và người điều khiển phương tiện; tổ chức phát 450 áo phao cho người chở đò, học sinh và những đối tượng thường xuyên phải sử dụng phương tiện thủy để đi lại, sinh hoạt.
Bên cạnh đó, các ngành, đơn vị thường xuyên thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm nhẹ các thủ tục không cần thiết, không gây phiền hà cho nhân dân để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân làm thủ tục đăng ký đò chở khách. Từ năm 2011 đến nay, Sở Giao thông - Vận tải đã thực hiện cấp 262 giấy chứng nhận đăng ký cho các phương tiện thủy nội địa trên địa bàn đảm bảo quy trình quy định, kiểm tra giám sát kỹ thuật và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho 104 lượt phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Sở Giao thông - Vận tải cũng thực hiện rà soát, đôn đốc các chủ phương tiện bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện để kịp thời làm thủ tục đăng kiểm lại khi hết hạn đăng kiểm, kiên quyết xử lý các phương tiện đã cũ, hết thời gian sử dụng.
Đến nay, 100% số phương tiện có tải trọng lớn khi bốc xếp hàng tại các cảng chính đều có đủ giấy tờ đăng ký, đăng kiểm. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh cũng tăng cường tổ chức chiêu sinh đào tạo và đã cấp được 1.919 Giấy chứng nhận học tập pháp luật giao thông đường thủy nội địa cho người điều khiển phương tiện tại các khu du lịch, đào tạo và cấp 1.705 bằng thuyền trưởng, 855 bằng máy trưởng, 2.890 chứng chỉ chuyên môn. Với sự nỗ lực cố gắng trong việc thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông nên trong những năm qua, hoạt động giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo an toàn về người và phương tiện.
Trong giai đoạn 2011 - 2013, trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông đường thủy tại địa bàn huyện Yên Khánh làm chết 1 người. Những kết quả trên đã góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh, đồng thời phục vụ đắc lực trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Kiều Ân