Năm 2022, khách du lịch đến Ninh Bình tăng trở lại, đã có gần 50.000 lượt người nước ngoài lưu trú tại các homestay trên địa bàn 5 xã vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An. Nhu cầu khách du lịch đến và ở lại lưu trú tăng mang lại lợi nhuận cao nên nhiều hộ dân ở địa phương các xã vùng lõi đã tự ý đầu tư xây dựng các homestay để phục vụ du khách. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến phát sinh nhiều trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại 5 xã này, nhất là tại xã Ninh Xuân, Ninh Hải và Trường Yên.
Qua rà soát, thống kê, tính đến tháng 11/2022, trên địa bàn huyện Hoa Lư có 275 cơ sở kinh doanh lưu trú loại hình homestay (gồm 105 cơ sở trong vùng lõi, 170 cơ sở thuộc vùng đệm); riêng 5 xã trong Quần thể danh thắng Tràng An hiện có 273 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, chủ yếu loại hình homestay. Điều đáng chú ý là trong 275 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú chỉ có 156 cơ sở có đủ điều kiện kinh doanh (Giấy phép kinh doanh, Chứng nhận an ninh trật tự, PCCC...); 119 cơ sở chưa có đủ điều kiện kinh doanh nhưng vẫn hoạt động. Hầu hết các cơ sở không được cấp phép là do vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng và hoạt động sau thời gian ban hành Quyết định số 230/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An.
Theo đồng chí Đàm Viết Quản, Trưởng Công an huyện Hoa Lư: Để xảy ra những vi phạm trên, nguyên nhân chủ yếu là do công tác xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng của cấp ủy, chính quyền cơ sở, chủ yếu ở xã Ninh Xuân chưa quyết liệt, triệt để, việc xử lý mang tính hình thức, chiếu lệ, mới chỉ dừng ở việc lập biên bản vi phạm hành chính, hoàn trả mặt bằng, không kiểm tra, đôn đốc hoặc áp dụng các biện pháp cưỡng chế quyết định xử lý vi phạm hành chính nên không ngăn chặn triệt để vi phạm; quá trình xử lý vi phạm để xảy ra sai sót về quy trình, thủ tục gây khó khăn cho việc cưỡng chế, khắc phục hậu quả và xử lý đối tượng vi phạm pháp luật.
Nhiều hộ dân trong vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An nhận thức rõ hành vi vi phạm song do nhu cầu thực tế về đất ở và lợi nhuận thu được từ kinh doanh dịch vụ du lịch nên cố tình vi phạm, không chấp hành hình thức xử lý của cơ quan chức năng; lợi dụng kẽ hở của pháp luật về quy trình, thời hạn xử lý vi phạm hành chính, tiếp tục tái diễn hành vi vi phạm.
Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, phát hiện, tố giác hành vi vi phạm đất đai, xây dựng của các tổ chức chính trị, đoàn thể, chi bộ đảng ở cơ sở còn hạn chế. Một số cán bộ, công chức, viên chức chuyên môn cấp xã, trong đó có cả lãnh đạo chủ chốt ngại va chạm, né tránh, cá biệt có trường hợp là cán bộ, đảng viên vi phạm hoặc để người thân vi phạm diễn ra trong nhiều năm không bị xử lý, dẫn đến bức xúc trong nhân dân.
Bên cạnh đó, còn một số bất cập trong Quyết định số 230/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An, trong đó quy định, các cơ sở kinh doanh lưu trú thuộc vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An không được hoạt động. Trên thực tế, nhiều hộ dân trong vùng di sản đã xây dựng, kinh doanh lưu trú từ trước hoặc đang xây dựng nhưng Quyết định 230 chưa có giải pháp cụ thể đối với các trường hợp này.
Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh và của Thường trực Huyện ủy Hoa Lư về bảo đảm ANTT trong quá trình xử lý vi phạm đất đai, xây dựng; tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm tại các xã thuộc vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An, trong năm 2022, Công an huyện Hoa Lư đã làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện, ngăn chặn đối với các trường hợp vi phạm ngay từ khi mới manh nha.
Đồng thời, ban hành 14 văn bản báo cáo, tham mưu đề xuất với Thường trực Huyện ủy chỉ đạo; phối hợp với các ban, ngành ở địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động 12 hộ tự giác tháo dỡ công trình vi phạm. Công an huyện đã phối hợp với các ngành chức năng phát hiện, xử lý 73 trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại các xã vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An, phạt tiền gần 200 triệu đồng. Đồng thời xây dựng, triển khai các phương án phân công lực lượng bảo đảm ANTT phục vụ Tổ công tác của huyện tiến hành xử lý 16 hộ vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn không tự giác tháo dỡ.
Nổi bật là, nắm chắc tình hình, đề xuất với Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo, huy động lực lượng các phòng nghiệp vụ phối hợp với Công an huyện triển khai đồng bộ các biện pháp công tác công an, tham mưu với cấp ủy, chính quyền huyện Hoa Lư tiến hành xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng đối với hộ gia đình ông Lưu Đình Quế, ở xã Ninh Xuân. Đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 7 đối tượng, bắt tạm giam Lưu Đình Quế và một số người về tội "Chống người thi hành công vụ"; đồng thời, triển khai phương án bảo đảm ANTT, an toàn cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Lưu Đình Quế.
Những nỗ lực của lực lượng Công an trong công tác bảo đảm ANTT phục vụ xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại vùng lõi của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An trong thời gian qua được các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở ghi nhận, đánh giá rất cao.
Để phục vụ tốt công tác bảo đảm ANTT trong quá trình xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trong vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An thời gian tới, Công an huyện Hoa Lư sẽ tiếp tục tham mưu Giám đốc Công an tỉnh tăng cường lực lượng các phòng nghiệp vụ để phối hợp với Công an huyện triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm ANTT.
Đồng thời, mong muốn tỉnh sớm kiến nghị với Chính phủ sửa đổi một số nội dung trong Quyết định số 230/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó cho phép các cơ sở hiện hữu khu dân cư được kinh doanh lưu trú trong vùng lõi phù hợp với quy hoạch Quần thể danh thắng Tràng An, để người dân sống trong vùng di sản được hưởng lợi từ di sản; từ đó nâng cao trách nhiệm bảo vệ di sản. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có biện pháp cảnh báo; ngăn chặn việc quảng bá lưu trú của các cơ sở kinh doanh lưu trú vi phạm.
Bài, ảnh: Kiều Ân