Năm 1947, chàng trai trẻ Đinh Huy Cẩn tham gia vào đội tự vệ huyện Nho Quan, sau này được chuyển sang Đại đội 89, Tiểu đoàn 391, Trung đoàn 52, Sư đoàn 320 và giữ chức vụ Đại đội phó. Sau chiến dịch Hải Âu của Pháp đánh Tây Nam Ninh Bình, tháng 12-1953, ông Cẩn cùng 100 cán bộ khác nhận nhiệm vụ lên tiếp ứng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ với vai trò là phái viên Cục vận tải tham gia tiếp tế đạn pháo cao xạ cho lực lượng pháo binh. Nhiệm vụ của ông lúc bấy giờ là theo đơn vị pháo cao xạ tiếp tế đạn dược, lương thực, thuốc men qua những dốc đá cao vút của đèo Pha Đin. Ông nhớ lại "Để đảm bảo bí mật, chúng tôi phải vận chuyển đạn dược xuyên qua rừng, qua sông, qua suối suốt ngày đêm, bằng cách bỏ vào những chiếc sọt vác trên vai, cùng những chiếc xe đạp thồ, bám sát đơn vị pháo binh nhích từng tấc, từng tấc một, có những chiếc xe thồ nặng hơn 3 tạ nên di chuyển cả ngày lẫn đêm cũng chỉ được hơn 2km. Ngày đó gian khổ vô cùng, những đôi vai vác nặng như muốn gẫy gập, giặc Pháp thì điên cuồng thả bom, bắn phá suốt ngày đêm, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh lắm, nhưng tất cả mọi người với ý chí quyết tâm chỉ nghĩ tới việc hoàn thành nhiệm vụ mà không mảy may nghĩ tới điều gì khác, tiếng súng đạn, tiếng bom nổ khi đó chỉ càng làm tăng thêm tinh thần hăng hái, khí thế sục sôi."
Trong kí ức của ông, những lần đi tải đạn qua đèo, qua núi như mới diễn ra ngày hôm qua. Những con dốc dựng đứng cheo leo, những đôi vai dướm máu, những chiếc xe thồ phải quấn thêm nhiều lớp vải ở lốp để tải được nhiều hơn. Mọi ngả đường, tiếng hát, tiếng cười dường như át đi tất cả, dường như làm ý chí quyết tâm của mọi người được nâng cao hơn bao giờ hết.
Ông kể "Để kéo pháo không chỉ có đơn vị pháo binh mà còn có cả dân công, bộ binh tham gia, mọi người đều chung sức, chung lòng quyết tâm dành chiến thắng", ông cũng tự hào kể về danh hiệu "anh hùng xe thồ" mà mình được mọi người gọi vì thành tích thồ được hơn 3 tạ vũ khí, đạn dược.
Qua những lần kéo pháo xuyên ngày đêm như thế ông cũng nhiều lần chứng kiến đồng chí, đồng đội của mình ngã xuống, đặc biệt là ký ức về việc anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo. Ông kể "Khi đó mọi người đang kéo pháo thì bị máy bay bắn đứt dây tời, tất cả mọi người xúm vào dùng gỗ để chèn nhưng những khúc gỗ cứ trượt ra, không có cách nào khác anh Diện đã lao mình chèn pháo, quyết không để cho khẩu pháo bị rơi xuống vực. Sự hy sinh của những người như anh Tô Vĩnh Diện đã tiếp thêm sức mạnh để bộ đội ta vượt qua hy sinh gian khổ giành thắng lợi cuối cùng.
Cuối tháng 1 năm 1954, sau nhiều ngày đêm theo đơn vị pháo binh kéo pháo, tiếp ứng đạn dược gần tới địa điểm đã định thì nhận được lệnh phải kéo pháo trở ra do thay đổi phương châm của chiến dịch từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc, thắng chắc". Lúc đó tất cả mọi người rất ngỡ ngàng nhưng sau khi hiểu được vấn đề mọi người lại vui vẻ kéo pháo ra, quãng đường kéo pháo gian khổ như vậy nhưng đó chỉ là bước chuẩn bị cho những trận đánh sinh tử với giặc Pháp.
Ông nói "Lúc đó tôi rất muốn ở lại chiến đấu cùng với đơn vị pháo binh nhưng không được, mà lại phải quay về đón những xe chở đạn tiếp theo, để chi viện cho tiền tuyến, có những lần tiếp đạn khi trận chiến đang vào lúc ác liệt nhất, những cánh rừng tối xầm lại, bụi bay mù mịt, bom đạn nổ liên hồi, nhiều đồng chí cùng ông trên con đường tiếp đạn đã hy sinh, chứng kiến những đồng đội của mình ngã xuống mọi người đều nén đau thương, không hề nao núng, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ."
Và thời khắc lịch sử ngày 7 tháng 5 đánh dấu bằng Chiến thắng Điện Biên "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" đã đến, ông Cẩn nhớ lại: Khi đó chứng kiến đồng đội áp dải những hàng dài tù binh, khắp núi rừng của Điện Biên vang lên những bài ca chiến thắng, mọi người ôm lấy nhau nhảy lên sung sướng, không còn tiếng súng đạn nữa mà chỉ còn những tiếng hát vang xa.
Sau Chiến thắng Điện Biên, ông Cẩn tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ và trải qua nhiều chiến dịch khác nhau, trong đó có Chiến dịch Quảng Trị. Năm 1982 ông về nghỉ hưu với quân hàm Đại tá.
Sau 35 năm phục vụ trong quân ngũ, trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ với bao nhiêu trận đánh sinh tử, người lính Điện Biên năm xưa giờ đã gần 90 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh và rắn rỏi, trong cuộc sống thường ngày ông cũng tích cực tham gia vào các hoạt động của Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi của xã, ông có 4 người con, trong đó người con trai cả cũng theo nghiệp cha phục vụ trong Quân đội. Ông luôn khuyên dạy các con của mình phải sống có lập trường và cống hiến sức mình cho xã hội, điều đó thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao.
Đàm Văn Nghị