Bên cạnh công tác chỉ đạo từ phía ngành thể thao, những chuyển động từ phía TDTT cơ sở rất rõ nét. Theo thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến hết tháng 9-2013, các huyện, thành phố, thị xã và các ngành ở tỉnh đã tổ chức trên 400 cuộc thi đấu TDTT ở cơ sở; đã có 145/145 xã, phường, thị trấn tổ chức xong Đại hội TDTT. 8/8 huyện, thành phố, thị xã đã hoàn thành việc tổ chức Đại hội TDTT cấp huyện. Thông qua Đại hội TDTT cấp huyện, các địa phương đã tuyển chọn, thành lập các đội tuyển, tập trung vào công tác tập luyện để chuẩn bị cho Đại hội TDTT cấp tỉnh. Bên cạnh đó, 3 ngành đã tổ chức xong chương trình Đại hội TDTT của ngành là: Công an tỉnh tổ chức Hội thao Vì an ninh Tổ quốc, Bộ CHQS tỉnh tổ chức hội thao lực lượng dân quân tỉnh Ninh Bình năm 2013, ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thi TDTT năm 2013.
Nhờ sự chuẩn bị tích cực từ phía các địa phương nên không khí thể thao đã có sức "nóng" đáng kể. Không khí ấy đã lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân, len lỏi vào nhiều hoạt động TDTT cơ sở. Hoạt động tập luyện TDTT nhằm nâng cao sức khỏe đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng như: đi bộ, chạy, thể dục dưỡng sinh, thể dục thẩm mỹ, thể hình, bi-a, aerobic, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, kéo co, cờ tướng, karatedo, bơi, vật… Một số môn thể thao dân tộc và các trò chơi dân gian như: đu quay, kéo co, chọi gà, bắn nỏ... cũng đã được nhiều người dân địa phương sôi nổi tham gia, nhất là trong các dịp lễ hội truyền thống, các ngày kỷ niệm lớn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 27%; tỷ lệ gia đình thể thao đạt 23%; có trên 550 CLB TDTT cơ sở; số trường thực hiện giáo dục thể chất đảm bảo chất lượng là 100%; số trường hoạt động ngoại khóa thường xuyên là 82,8%. Điểm đáng mừng là thể thao quần chúng không chỉ phát triển theo bề rộng mà bước đầu đi vào chiều sâu, ngày càng phát triển theo hướng xã hội hóa.
Việc chuẩn bị cho Đại hội TDTT cấp tỉnh có nhiều hiệu ứng tích cực tác động đến hoạt động TDTT cơ sở. Thứ nhất, qua việc tổ chức Đại hội TDTT cấp xã, cấp huyện giúp củng cố và nâng cao một bước nhận thức của người dân về vai trò quan trọng của hoạt động TDTT. Bởi vì, hoạt động TDTT không chỉ góp phần giúp phát triển thể chất mà còn góp phần thay đổi thói quen, tập quán sinh hoạt của một bộ phận nhân dân, nhất là giới trẻ. Đó là thói quen làm việc và sinh hoạt khoa học, lành mạnh, giữ gìn sức khỏe, tránh xa các tệ nạn xã hội, hay tư duy quá lệ thuộc vào tiện nghi, thiết bị.
Đối với những người làm công tác quản lý, chuyên môn về thể thao thì việc tổ chức Đại hội TDTT các cấp đã nâng tầm nhận thức về công tác chuyên môn, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo Đại hội TDTT. Việc 145/145 xã, phường, thị trấn hoàn thành tốt Đại hội TDTT chứng tỏ công tác tham mưu cũng như chỉ đạo đã được các đơn vị cơ sở làm khá tốt.
Ngoài ra, việc tổ chức Đại hội TDTT các cấp còn góp phần thúc đẩy các địa phương hoàn thiện một bước cơ sở vật chất cho hoạt động TDTT. Minh chứng là chỉ trong một khoảng thời gian giữa hai kỳ Đại hội TDTT, hệ thống sân thi đấu dành cho các hoạt động TDTT, khu vui chơi cho trẻ em được nâng cấp và xây dựng. Toàn tỉnh hiện có trên 600 sân thi đấu cầu lông trong toàn tỉnh (trong đó có 111 nhà tập cầu lông), sân thể thao cơ bản là 124 sân, sân bóng đá 443 sân, 67 sân quần vợt.
Việc nâng cấp hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho TDTT góp phần thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng phát triển, góp phần tích cực vào việc triển khai tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác TDTT như: Nghị quyết 08-NQ/T.Ư ngày 1-12-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020"; phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại"
Mai Phương