Đồng chí Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân.
Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Đinh Quốc Trị, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Bình lần thứ II là sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị của đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm tổng kết việc thực hiện công tác dân tộc trong 5 năm qua, xây dựng phương hướng, mục tiêu thực hiện công tác dân tộc từ nay đến năm 2020.
Ghi nhận công lao to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, phát triển kinh tế xã hội của đất nước và của tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Bình lần thứ II cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đánh giá xác thực việc thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh, từ đó đề ra các giải pháp, nhiệm vụ thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, đảm bảo khơi dậy niềm tự hào của các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam; huy động các nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh của miền núi, tạo bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tôn vinh, biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; cổ vũ và khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
Ninh Bình hiện có 6 dân tộc thiểu số, chiếm 2,5% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là dân tộc Mường, còn lại là các dân tộc khác như Tày, Thái, Hoa, Nùng, Dao… Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống vừa tập trung vừa xen kẽ tại 89 thôn bản thuộc huyện Nho Quan và Thị xã Tam Điệp.
Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chương trình, dự án của Trung ương kết hợp với chính sách đặc thù của tỉnh để phát triển vùng dân tộc thiểu số, do vậy cơ bản đã giải quyết được những nhu cầu bức thiết về cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn.
Chương trình xóa đói, giảm nghèo, các công trình dân sinh như điện, đường, trường, trạm, nước sạch, nhà văn hóa thôn, bản được quan tâm đầu tư đã làm nên diện mạo mới cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số có những chuyển biến rõ rệt; hộ khá, hộ giàu ngày một tăng lên.
Đến năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số của tỉnh còn trên 11%, giảm 1,6% so với chỉ tiêu Đại hội đại biểu Dân tộc thiểu số lần thứ I đề ra, thấp hơn so với tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số bình quân toàn quốc.
Tại Đại hội, các đại biểu đã phát biểu tham luận, bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi trước những kết quả toàn diện của tỉnh đạt được trong những năm qua, thể hiện niềm tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết, quyết tâm chung sức, đồng lòng, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội, xây dựng tỉnh Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phan Văn Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh biểu dương những kết quả về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc mà tỉnh Ninh Bình đã đạt được, đặc biệt là sự cố gắng, phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Để thực hiện tốt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về công tác dân tộc mà Đại hội đề ra trong thời gian tới, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh vào một số nội dung chủ yếu như sau:
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, qua đó triển khai thực hiện tốt hơn công tác dân tộc, chính sách dân tộc, các dự án, chương trình mục tiêu Quốc gia để đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước một cách đầy đủ và hiệu quả.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng NTM, chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường; hỗ trợ, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, xây dựng đời sống ngày càng tốt hơn, no đủ hơn.
Quan tâm kết hợp giữa phát triển kinh tế-xã hội với đảm bảo quốc phòng-an ninh; đề cao cảnh giác và ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lừa gạt, lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc thiểu số làm phương hại đến trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia và khối đại đoàn kết dân tộc.
MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội cần tiếp tục tập hợp khối đại đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Duy trì và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Tích cực tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các điển hình ở vùng đồng bào dân tộc, củng cố, tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc.
Đối với mỗi gia đình đồng bào dân tộc thiểu số cần phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần "bình đẳng, đoàn kết, dân chủ", khắc phục khó khăn, phát huy ý chí tự lực, tự cường, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống nhân dân vùng dân tộc ngày càng đổi mới và phát triển, sớm rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa miền núi với miền xuôi, giữa các vùng và các dân tộc trong tỉnh…
Tại Đại hội, Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen cho 2 tập thể và 3 cá nhân; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 12 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc thiểu số.
Đại hội đã bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam và thông qua Nghị quyết Đại hội.
Mỹ Hạnh-Thế Minh