Tham gia phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình) cho rằng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt được trong năm 2014 là rất quan trọng. Cử tri đánh giá cao trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước ta vẫn luôn chú trọng chăm lo đời sống, an sinh xã hội cho nhân dân, đặc biệt là người có công, người nghèo và vùng nghèo. Tuy nhiên tình hình nợ công, hiệu quả đầu tư, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, chất lượng nguồn nhân lực, việc làm và năng suất lao động là những vấn đề cử tri rất quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, việc tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là rất đúng hướng. Do vậy Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, các địa phương cần kiên trì và quyết tâm thực hiện có hiệu quả rõ hơn, cao hơn về tăng trưởng kinh tế, nhưng rất chú trọng đến chất lượng tăng trưởng làm chuyển biến thực sự mối quan hệ giữa chỉ số GDP với GNP, CDI, ICO, TFP, tổng đầu tư xã hội và thị trường tài chính. Song song với việc xây dựng các chính sách vĩ mô cho nhiệm vụ này thì cần quan tâm hướng dẫn các địa phương giải quyết những tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Về vai trò của khoa học công nghệ, đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị, đưa việc phát triển KHCN trong đó có đầu tư cho khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ trong nước là một trong các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm. Hàng năm có quy định một tỷ lệ vốn nhất định trong tổng đầu tư toàn xã hội cho lĩnh vực KHCN, có cơ chế quản lý việc đầu tư KHCN phải gắn với sản phẩm khoa học, gắn với doanh nghiệp, gắn với người lao động, và gắn với sản xuất, đề tài sáng kiến phải được ứng dụng trong thực tế, để các sản phẩm sau khi ra đời tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu. Tránh hiện tượng đề tài khoa học chỉ cất trong tủ gây lãng phí cho ngân sách nhà nước và lãng phí cho xã hội. Đã đến lúc KHCN không chỉ nhìn nhận trong nghị quyết của Đảng mà cần hiện thực hóa trong đời sống xã hội. Chúng ta cần khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, trí tuệ Việt Nam bằng những việc làm cụ thể, đẩy mạnh phong trào sáng tạo trong các cơ quan đơn vị, bồi dưỡng niềm đam mê khoa học cho thế hệ trẻ.
Phát biểu tham luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng đề cập đến vấn đề chính sách đối với các doanh nhiệp trong nước. Đại biểu cho rằng, sức mạnh của nền kinh tế được biểu hiện bằng sức khỏe của các doanh nghiệp trong nước. Những năm qua, trong các báo cáo hàng năm của Chính phủ đều thông báo số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động với con số hàng vạn doanh nghiệp làm cử tri lo lắng, song chưa phân tích làm rõ tình trạng doanh nghiệp. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp trong số phải phá sản, ngừng hoạt động là đương nhiên vì không đủ điều kiện để tồn tại ngay từ khi thành lập.
Thời gian qua Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài chính đã nỗ lực tập trung sửa đổi một số loại thuế, một mặt là để cải cách hành chính, mặt khác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư, và dần từng bước cơ cấu lại đầu tư và huy động nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, các chính sách đó chỉ phù hợp với doanh nghiệp lớn. Việc tiếp cận các chính sách ưu đãi của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất khó khăn như: thủ tục vay, tài sản thế chấp, các điều kiện vay vốn. Do vậy, cần có phương pháp phân loại doanh nghiệp để có chính sách tháo gỡ khó khăn cho phù hợp. Nhất là những doanh nghiệp còn có điều kiện để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu đề nghị Chính phủ ban hành chính sách đặc biệt quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chiếm 98% số doanh nghiệp trong nước, đóng góp trên 40% GDP, thu hút hơn 50% trong tổng số lao động xã hội, nhất là các doanh nghiệp đầu tư phục vụ trực tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, giúp duy trì việc làm cho người lao động đảm bảo an sinh xã hội cho lực lượng dân cư nông thôn chiếm tới 70% dân số .
Cũng trong ngày, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.
Mai Lan