Trước đó, ngày 5/11, các đại biểu tham gia thảo luận ở tổ về Dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
(sửa đổi);
Dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân
. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại tổ số 19 cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Cà Mau, Bắc Kạn, Phú Yên. Tham gia thảo luận về Dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, đại biểu Bùi Văn Phương (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) nêu ý kiến: tại khoản 3, điều 61 (Khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, lập danh sách người ứng cử) có ghi: "Không xem xét, giải quyết đối với những đơn tố cáo nặc danh".
Quy định này phù hợp, thống nhất với Luật Tố cáo năm 2011. Nhưng theo khoản 4, Điều 55 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng quy định một trường hợp cá biệt, đó là "Đối với những tố cáo không rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo nhưng nội dung tố cáo rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nghiên cứu, tham khảo thông tin được cung cấp để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng".
Do đó, đại biểu đề nghị tại khoản 3, điều 61 của Dự thảo Luật Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nên áp dụng theo quy định của khoản 4, Điều 55 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17/6/2013 của Chính phủ. Cũng theo đại biểu Bùi Văn Phương thì trong điều 81 của Dự thảo Luật nên quy định rõ "vi phạm sai lệch kết quả" thì hủy bỏ và quyết định bầu cử lại thay vì quy định "vi phạm pháp luật nghiêm trọng" bởi nếu nói "vi phạm pháp luật nghiêm trọng" nhưng lại không cụ thể được như thế nào là nghiêm trọng thì sẽ rất khó thực hiện. (Điều 81- Hủy bỏ và quyết định bầu cử lại: Hội đồng bầu cử quốc gia tự mình hoặc theo đề nghị của Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hủy bỏ kết quả bầu cử ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử có vi phạm pháp luật nghiêm trọng và quyết định ngày bầu cử lại ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử đó. Trong trường hợp bầu cử lại thì ngày bầu cử được tiến hành chậm nhất là mười lăm ngày sau cuộc bầu cử đầu tiên. Trong cuộc bầu cử lại, cử tri chỉ chọn bầu danh sách những người đã ứng cử lần đầu- PV).
Đại biểu đề nghị cần xem xét Quy định rõ hơn về danh sách cử tri bầu cử thêm và bầu cử lại tại Điều 82 của Dự thảo. Ngoài ra, đại biểu Bùi Văn Phương cũng đề nghị bổ sung thêm 1 điều về giải thích từ ngữ vào Dự thảo.
Tham gia góp ý về Dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) cho rằng, việc bổ sung quy định có tính chất liệt kê các tổ chức, cá nhân là thành viên của MTTQ như trong Dự thảo là không cần thiết bởi trên thực tế, thành viên của MTTQ có thể thay đổi (gia nhập hoặc thôi không gia nhập). Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng việc quy định tổ chức của MTTQ trong đó có Ban Công tác mặt trận theo khoản 2, điều 6 của Dự thảo (khoản 2, điều 6: "Ban công tác Mặt trận là hình thức tự quản của nhân dân ở địa bàn dân cư, được thành lập ở thôn, bản, làng, ấp, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và tương đương. Tổ chức và hoạt động của Ban công tác Mặt trận được quy định tại Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam"- P.V) là cần thiết, có cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn để thực hiện.
Đại biểu dẫn chứng: Ban công tác Mặt trận ra đời đến nay đã được 20 năm, tính đến tháng 9/2014, cả nước có 101.516/105366 Ban công tác mặt trận được thành lập ở thôn, bản, làng, ấp, buôn, phum, sóc, tổ dân phố (chiếm 96%). Những năm qua, hoạt động của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương; Ban công tác Mặt trận phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thu thập, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân ở khu dân cư với cấp ủy Đảng và Ủy ban MTTQ phường, xã; giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ công chức nhà nước; Phối hợp thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở và hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư…
Những kết quả đạt được đã góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước rộng khắp trên cả nước. Mặt khác, với quy định "Ban công tác Mặt trận là hình thức tự quản của nhân dân ở địa bàn dân cư" do đó việc thành lập các Ban này cũng sẽ không làm tăng biên chế của MTTQ…
Trong phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu Bùi Văn Phương đã tham gia thảo luận để làm rõ hơn về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; đại biểu Lưu Thị Huyền tham gia góp ý về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.
Mai Lan