Tờ trình về dự án Luật an toàn vệ sinh lao động nêu rõ, nội dung về an toàn vệ sinh lao động đang được quy định trong quá nhiều văn bản pháp luật như Bộ luật Lao động, Luật Hóa chất, Luật Khoáng sản, Luật Công đoàn… và nhiều văn bản khác. Do vậy dẫn đến sự chồng chéo, gây khó khăn cho việc thực thi. Các quy định chủ yếu mới tập trung vào những yêu cầu đối với người sử dụng lao động, người lao động, các cơ quan quản lý và các chế độ chính sách cho người bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp… Trong khi, nhiều nội dung quan trọng về an toàn vệ sinh lao động lại chưa được quy định hoặc không quy định rõ.
Do đó, cần thiết phải xây dựng một luật riêng quy định tất cả các vấn đề liên quan đến người lao động để đảm bảo quyền lợi người lao động, phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng Luật An toàn lao động, vệ sinh lao động theo hướng tách ra từ Bộ luật Lao động để xây dựng thành một luật riêng sẽ góp phần làm cho khung pháp lý về an toàn vệ sinh lao động của Việt Nam rõ ràng, dễ thực hiện hơn.
Trong phiên họp toàn thể tại hội trường, dành nhiều thời gian thảo luận về dự luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, so với Luật hiện hành, hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) trong dự thảo Luật đã có nhiều quy định cụ thể hơn. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Nội dung giám sát cần quy định cụ thể hơn để tránh việc chồng chéo việc giám sát của Quốc hội và HĐND.
Đồng tình quan điểm này, đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) nêu ý kiến: mặc dù khoản 1 Điều 26 của dự thảo Luật khẳng định "Giám sát của MTTQ Việt Nam mang tính nhân dân, hỗ trợ, bổ sung cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước..." nhưng đối tượng, nội dung, phạm vi, hình thức giám sát của MTTQVN (Điều 27 và Điều 28) không có nhiều điểm khác so với giám sát của cơ quan dân cử và cũng chưa thể hiện sự "hỗ trợ, bổ sung cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước".
Đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể hơn về hình thức giám sát ngay trong luật. Đại biểu cũng đề nghị phân định rõ giám sát của MTTQVN với giám sát của cơ quan dân cử mang tính quyền lực Nhà nước để từ đó xác định đúng tính chất, quy mô giám sát, giá trị pháp lý của kết luận giám sát do MTTQVN thực hiện.
Băn khoăn về việc dự thảo luật không quy định việc mặt trận tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên, phản biện xã hội đối với đường lối chính sách của Đảng, đại biểu Lưu Thị Huyền bày tỏ: điều này mâu thuẫn với Hiến pháp năm 2013.
Đại biểu dẫn chứng, tại khoản 2, điều 4 Hiến pháp quy định: "Đảng cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm với nhân dân những quyết định của mình".
Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về việc MTTQ Việt Nam tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức, Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với cả đường lối, chính sách của Đảng. Để làm tốt việc này cần có hướng dẫn cụ thể về nội dung cách thức tiến hành phản biện như thế nào cho phù hợp.
Ngoài ra, đại biểu Lưu Thị Huyền cũng đề nghị cần lọc bỏ bớt các cụm từ trùng lặp; đề nghị tại điều 13 nên gộp khoản 1 và khoản 4 thành một quy định vì cùng nội dung tuyên truyền vận động nhân dân trong nước và người việt Nam định cư ở nước ngoài…
Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và Dự án Luật An toàn vệ sinh lao động.
Mai Lan