Cô giáo Phạm Thị Thu Hằng, giáo viên môn Giáo dục công dân, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy cho biết: Giáo dục pháp luật trong các nhà trường có ý nghĩa quan trọng, góp phần hình thành ý thức chấp hành pháp luật của người công dân, đáp ứng những yêu cầu của xã hội hiện tại và tương lai. Để giáo dục học sinh ý thức tôn trọng pháp luật, tôi soạn giảng những nội dung liên quan đến pháp luật và giảng dạy, hỗ trợ học sinh nắm bắt được kiến thức về pháp luật, các văn bản pháp luật gắn với đời sống hằng ngày của học sinh.
Tôi đã chú trọng đa dạng hóa các bài giảng qua việc sưu tầm các hình ảnh, những câu chuyện pháp luật; tích hợp nội dung trong chương trình giảng dạy, nhất là chương trình Giáo dục công dân lớp 12, là chương trình chủ yếu giáo dục pháp luật với học sinh về Luật giao thông, Luật Hình sự, Luật Lao động, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật phòng chống ma túy, Luật nghĩa vụ quân sự…, giúp các em nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Tại cơ sở, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho các tầng lớp nhân dân là mục tiêu quan trọng mà Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh quan tâm triển khai. Đồng chí Lê Thị Thái Hà, công chức Tư pháp - Hộ tịch UBND phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) cho biết: Việc đa dạng các hình thức PBGDPL trên địa bàn phường thực hiện thường xuyên như: tổ chức hội nghị tuyên truyền, tuyên truyền trực tiếp thông qua việc tiếp dân, giải quyết các thủ tục hành chính khi nhân dân đến giao dịch, in sao, trích sao, cấp phát tài liệu, tờ rơi và tờ gấp, qua các phương tiện thông tin đại chúng, bản tin…
Bên cạnh đó, phường còn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, phối hợp xây dựng câu lạc bộ nông dân với pháp luật, tổ tư vấn pháp luật của Hội phụ nữ phường, đẩy mạnh hoạt động của Chi hội Luật gia phường, xây dựng tủ sách pháp luật ở các tổ dân phố; phối hợp xây dựng và thực hiện các bản quy ước của phố, đã phát huy được hiệu quả tích cực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn.
Hiện nay, trên địa bàn phường có 13 tổ dân phố đều có tủ sách pháp luật phục vụ cho việc tra cứu, tìm đọc văn bản của cán bộ và nhân dân. Trung bình hàng năm, các tổ hòa giải cơ sở trên địa bàn phường đã hòa giải thành từ 80-90% các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh tại địa bàn các khu dân cư.
Những năm qua, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh đã được triển khai sâu rộng, nội dung PBGDPL đã bám sát các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương; gắn với các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của đất nước.
Những văn bản pháp luật, có phạm vi điều chỉnh rộng liên quan đến nhiều mặt của đời sống xã hội và các quyền, nghĩa vụ của người dân đã được các đơn vị, địa phương tập trung tuyên truyền với nhiều hình thức phổ biến đa dạng, phong phú.
Một số mô hình PBGDPL mới, sáng tạo, phù hợp với thực tế của từng đơn vị, địa phương đã được hình thành như: đối thoại chính sách pháp luật, kết hợp tuyên truyền với trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật; tuyên truyền thông qua lồng ghép vào các phong trào quần chúng, phong trào văn hóa; duy trì và dần khẳng định hình thức "Ngày Pháp luật Việt Nam" là nét mới trong ý thức sinh hoạt văn hóa pháp lý của cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Việc PBGDPL qua hoạt động quản lý và khai thác tủ sách pháp luật luôn được các cấp, ngành, địa phương quan tâm, hiện có 1.015 tủ sách pháp luật, ngăn sách pháp luật tại các xã, phường thị trấn, nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh với 101.772 đầu sách pháp luật (trong đó 143/143 xã, phường, thị trấn đều có tủ sách pháp luật).
Trong 5 năm qua, Sở Tư pháp đã trang bị bổ sung 17.246 cuốn sách pháp luật, 1.700 sổ tay hòa giải; 1.000 sổ tay xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cấp phát cho tủ sách pháp luật cơ sở. Một số địa phương tự trang bị, bổ sung thêm các loại sách pháp luật cần thiết khác để phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân và quá trình áp dụng, giải quyết công việc của cán bộ, công chức cấp xã.
Đặc biệt, PBGDPL thông qua sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật được duy trì về số lượng và từng bước nâng cao, đổi mới chất lượng hoạt động. Toàn tỉnh hiện có 540 câu lạc bộ pháp luật như: Câu lạc bộ Thanh niên, Phụ nữ, nông dân với pháp luật, Câu lạc bộ Trợ giúp pháp luật...
Bên cạnh đó, hoạt động PBGDPL thông qua công tác hòa giải cơ sở được các địa phương đẩy mạnh, góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật ngay từ cơ sở. Trong 5 năm qua, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 3.766 vụ việc, hòa giải thành 3.100 vụ việc (đạt 82.3%)…
Công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được các cấp, các ngành, các địa phương gắn với việc thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh đã xét, công nhận 128/143 (đạt 90%) xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đảm bảo 5 tiêu chí theo đúng quy định.
Bài, ảnh: Tiến Minh