Vì yêu mà đến... Với tình yêu dành cho bộ môn nghệ thuật dân tộc nhóm sinh viên khoa văn hóa học, trường đại học Văn hóa đã chọn Yên Phong, Yên Mô, quê hương của cố Nghệ nhân Hà Thị Cầu để tổ chức sự kiện cộng đồng "Xẩm vọng hương" với mục đích đánh giá về sự bảo tồn văn hóa dân gian trong cộng đồng.
"Xẩm vọng hương", theo dấu tìm về chốn cũ, với mong muốn tôn vinh nghệ thuật Xẩm trên chính quê hương của cố Nghệ nhân Hà Thị Cầu, về nơi mà tiếng đàn, câu hát vẫn nỉ non sau lũy tre làng. Chương trình có sự tham gia biểu diễn và chia sẻ của nhóm Xẩm Hà Thành và Câu lạc bộ Chèo- Xẩm chùa Cống, Yên Mô.
Em Vũ Thị Thu Phương, sinh viên khoa văn hóa học, trường đại học Văn hóa đại diện cho nhóm cho biết: Mặc dù hát Xẩm là một trong những bộ môn nghệ thuật truyền thống có lịch sử lâu đời như các bộ môn nghệ thuật âm nhạc khác như chèo, tuồng, hát xoan, quan họ... song nó ít được phổ biến, diễn xướng, nhất là trong giới trẻ.
Sau khi lựa chọn và được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương đặc biệt là Ban giám hiệu và các em học sinh trường THCS Yên Phong, các cô, chú trong CLB chèo- Xẩm chùa Cống, Yên Mô sự kiện đã thành công ngoài mong đợi ban đầu của cả nhóm. Chắc chắn sau buổi biểu diễn này chúng em sẽ là những thành viên tích cực để đóng góp vào sự bảo tồn, lưu giữ nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật hát xẩm nói riêng.
Trong buổi biểu diễn, Nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn phát huy âm nhạc dân tộc, đại diện nhóm Xẩm Hà thành xúc động nói: Mặc dù chỉ là biểu diễn trong quy mô nhỏ do nhóm sinh viên trường Đại học Văn hóa tổ chức nhưng tôi vẫn rất vui. Mỗi lần được hát Xẩm trên chính quê hương của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu tôi như thấy được trở về nhà.
Các cô, các chú trong CLB chèo- xẩm ở Yên Phong không khác gì các thành viên trong gia đình đã dành cho tôi những tình cảm hết sức thân thương. Tôi trân trọng những người yêu Xẩm và càng trân trọng hơn những nghệ sỹ đồng quê ở Yên Phong khi họ hát, họ chơi nhạc cụ với một tình yêu mộc mạc, không hề có toan tính hay đòi hỏi gì ở phía Nhà nước.
Tôi mong rằng sẽ có nhiều chương trình hướng về cội nguồn âm nhạc dân tộc của thế hệ trẻ như nhóm sinh viên Đại học Văn hóa và mong rằng các nghệ sỹ hãy cùng chung tay với các bạn trẻ để đưa văn hóa dân gian đến với đông đảo quần chúng nhân dân.
Ngay trên sân khấu biểu diễn, người ta thấy bóng dáng của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu, từ cái khăn vắt vai, cái áo nâu sòng, cách kéo nhị cho đến lối hát nhấm nhẳng, da diết và sự hóm hỉnh mỗi khi kết thúc bài hát bằng 2 từ "hết rồi!".
Đó chính là chân dung nghệ sỹ Bùi Công Sơn, được mọi người yêu quý gọi là "Sơn Xẩm", Phó chủ nhiệm câu lạc bộ Xẩm Hải thành (Hải Phòng). Chỉ mới ra nhập CLB được vài năm nhưng em đã từng đạp xe đi khắp các chợ ở Hải Phòng, Nam Định để hát Xẩm, không phải vì mục đích kiếm tiền mà hơn hết đó là mong muốn Xẩm cũng giống như các bộ môn nghệ thuật khác được nhiều công chúng đón nhận.
Sơn tâm sự: Có những đợt em đạp xe đi mấy ngày ở các tỉnh, hát khản cả giọng cả buổi chợ mà chỉ được 70 ngàn đồng, nhưng người xem thì vây kín xung quanh.
Sự cổ vũ của mọi người chính là động lực để em cố gắng hơn mang tiếng hát của mình phục vụ đời sống của người dân nghèo như những gì vốn có của nghệ thuật hát Xẩm chính những đóng góp ấy mà người ta quen gọi cậu là "Sơn Xẩm". Ước mơ lớn hơn của Sơn Xẩm là góp phần nhỏ bé của mình đưa Xẩm trở thành di sản phi vật thể được thế giới công nhận.
Hành trình không đơn độc
Tuy chương trình "Xẩm vọng hương" chỉ được tổ chức với quy mô nhỏ song nó đã quy tụ được khá đông sự quan tâm của các nghệ sỹ và cả chính quyền địa phương. Điều này khẳng định nghệ thuật hát Xẩm vẫn như mạch nước ngầm vẫn chảy mãi trong cuộc sống, đặc biệt trong đời sống của người lao động thôn quê nó vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu.
Góp mặt trong chương trình có sự tham gia của 200 em học sinh trường học sinh THCS Yên Phong, Yên Mô. Em Phạm Thị Hường, học sinh lớp 7A, trường THCS Yên Phong, Yên Mô, thành viên câu lạc bộ hát xẩm của trường cho biết: Em học hát xẩm từ năm lớp 4 và cảm thấy rất thích thú. Hằng ngày em đều bố trí thời gian học tập, công việc để học hát Xẩm, bố mẹ cũng động viên em để em có thêm động lực theo các ông, bà trong xã học hát.
25 "nghệ sỹ" thành viên Câu lạc bộ Xẩm- Chèo chùa Cống, Yên Mô là những cội rễ cho việc bảo tồn và truyền dậy nghệ thuật hát Xẩm ở quê hương của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu. Đa số thành viên trong CLB đã ở cái tuổi ngoại tứ tuần nhưng niềm đam mê nghệ thuật dân tộc trong họ vẫn luôn cháy bỏng.
Có nhiều người đã theo nghệ nhân Hà Thị Cầu biểu diễn tại nhiều sân khấu lớn như Ông Vũ Văn Phó và Ông Vũ Xuân Năng hay như cô Nguyễn Thị Mận là con gái của cụ Cầu... họ ngày ngày sau những giờ lao động ngoài đồng áng tối về lại cùng nhau chơi nhạc, học hát. Bất kỳ ở đâu mời biểu diễn họ đều rất sẵn sàng không cần tính đến thù lao hay vị trí sân khấu có khi chỉ là một cái chiếu trải giữa đình cũng đủ để các thành viên CLB hát say sưa.
Ông Vũ Văn Phó cho biết: Mỗi đứa nhỏ đến xin học hát Xẩm, hay vài người yêu Xẩm đến gặp tôi để nghiên cứu tư liệu về Xẩm tôi đều rất sẵn sàng phục vụ. Chính vì thế khi nhóm học sinh trường Đại học Văn hóa về mời chúng tôi biểu diễn ai cũng vui vẻ nhận lời. Tôi chỉ mong ngày càng có nhiều người yêu Xẩm hơn để sau khi thế hệ chúng tôi mất đi thì nghệ thuật hát Xẩm vẫn còn sống mãi trong đời sống của người dân.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm- Trang Nhung